Phát triển thành công cây cao su tại Điện Biên, các công ty thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đã tạo công ăn việc làm cho hơn 1.000 lao động là người dân tộc thiểu số ở địa phương.
Thêm động lực phấn đấu
Anh Giàng A Si - SN 1987, người H'mông; ngụ tại xã Mường Pồn, tỉnh Điện Biên - gia nhập Công ty CP Cao su Điện Biên năm 2008. Từ nhân viên bảo vệ, nay anh được giao phụ trách kỹ thuật đội sản xuất.
Học hết lớp 12, Giàng A Si vào miền Nam làm thuê, cuộc sống bấp bênh. Khi VRG đầu tư trồng cây cao su ở Điện Biên, anh liền về quê xin vào làm. Những năm đầu còn vất vả nhưng từ năm thứ 6, khi cây cao su bắt đầu cho mủ, thu nhập của người lao động dần được cải thiện. Gia đình Giàng A Si có 6 người cùng làm cao su. Bên vợ anh còn góp 4 ha đất để trồng cao su với công ty.

Một công nhân cao su là người dân tộc thiểu số được kết nạp Đảng tại Công ty CP Cao su Điện Biên Ảnh: AN NA
Đến nay, cuộc sống của công nhân cao su hơn hẳn so với lúc còn trồng lúa, trồng ngô. Công việc chỉ trong buổi sáng, buổi chiều họ có thể tăng gia sản xuất, nâng cao thu nhập. Nếu vợ chồng cùng làm cao su, thu nhập có thể được 18-20 triệu đồng/tháng.
Sau quá trình phấn đấu, anh Giàng A Si được kết nạp Đảng năm 2016. "Tâm nguyện của tôi đơn giản là vào Đảng sẽ có thêm động lực học hỏi, phấn đấu để giúp đỡ đồng bào mình nhiều hơn" - anh bày tỏ.
Ông Nguyễn Văn Anh - Bí thư Chi bộ khu vực Điện Biên, Phó trưởng Phòng Tổ chức Công ty CP Cao su Điện Biên - cho hay chi bộ có 9/17 đảng viên là người dân tộc thiểu số, toàn công ty là 39/82. Công ty có hơn 90% lao động là đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy, công ty xác định việc phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, do trình độ học vấn, nhận thức của một số người còn hạn chế nên việc này cần có thêm thời gian và công sức.
Theo ông Nguyễn Công Tám - Bí thư Đảng bộ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cao su Điện Biên - trong giai đoạn mới, công ty sẽ tập trung phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số - lực lượng sản xuất trực tiếp. Công ty phấn đấu đến năm 2030 sẽ có thêm 20 đảng viên là đồng bào dân tộc thiểu số.
Hạt nhân nòng cốt
Công ty CP Cao su Mường Nhé Điện Biên cũng có tới 95% lao động là người dân tộc thiểu số.
Ông Nguyễn Hữu Toàn - Bí thư Đảng bộ, Tổng Giám đốc Công ty CP Cao su Mường Nhé Điện Biên - thông tin công ty có tổng cộng 32 đảng viên thì 22 người là đồng bào dân tộc thiểu số. Trong nhiệm kỳ tới, công ty phát triển thêm 10 đảng viên, trong đó 9 người là đồng bào dân tộc thiểu số.
Thực tế, việc phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số gặp không ít khó khăn. Chẳng hạn, nhiều người chưa hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học; một bộ phận lao động di cư tự do từ nơi khác đến nên khó thẩm tra, xác minh lý lịch...
Song, khi được kết nạp Đảng, nhiều người dân tộc thiểu số đã trở thành công nhân tiêu biểu trong việc chấp hành kỷ luật lao động, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Họ chú trọng nâng cao trình độ, tay nghề; phát triển tốt kinh tế gia đình; gương mẫu về đạo đức lối sống. Đó là những hạt nhân nòng cốt để tuyên truyền anh em, họ hàng, người thân, dân bản vào làm công nhân cao su. Nhờ vậy, các công ty chủ động được nguồn lao động tại chỗ, góp phần hoàn thành kế hoạch sản xuất.
Theo ông Nguyễn Hữu Toàn, cần chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng để lao động là người dân tộc thiểu số hiểu rõ vai trò của Đảng, quyền và nghĩa vụ của đảng viên. Việc tạo nguồn đảng viên phải gắn với các phong trào thi đua sản xuất, từ đó phát hiện, bồi dưỡng nhân tố tích cực.
Bên cạnh đó, cần tổ chức các lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng phù hợp với trình độ, ngôn ngữ và đặc điểm vùng dân tộc; sử dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số để truyền đạt cho dễ hiểu hơn. Mặt khác, cần quan tâm đào tạo, quy hoạch cán bộ là người dân tộc thiểu số; mạnh dạn giao việc để họ được rèn luyện năng lực lãnh đạo.
Bình luận (0)