Các phương tiện không người lái (drone) đã cách mạng hóa chiến tranh hiện đại trên bầu trời. Giờ đây, các công ty quốc phòng và hải quân nhiều quốc gia đặt cược có thể làm điều tương tự dưới nước.
Nhiều chuyên gia kỳ vọng các drone mới (Ghost Shark, Herne và Manta Ray) có thể trở thành thiết bị lý tưởng để thu thập thông tin tình báo, bảo vệ cơ sở hạ tầng dưới nước và chống lại các mối đe dọa tiềm tàng ở Thái Bình Dương.
Bà Cynthia Cook, chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhận định với tờ The Wall Street Journal: "Đây là thời điểm thích hợp cho những phương tiện này. Tàu ngầm rất tuyệt vời nhưng quá tốn kém".
Chạy đua bảo vệ "vương quốc" dưới đáy biển
Nhiều chuyên gia và công ty năng lượng ngoài khơi sử dụng drone dưới nước trong nhiều thập kỷ qua, ví dụ, drone dưới nước tìm thấy tàu Titanic vào năm 1985. Hải quân nhiều nước cũng sử dụng các tàu ngầm nhỏ (thường được điều khiển từ xa) để rà phá bom mìn và các nhiệm vụ khác trong thời gian dài.
Hiện nay, các công ty quốc phòng đang phát triển các tàu lớn, có thể di chuyển quãng đường dài hơn, làm được nhiều việc hơn.
Tập đoàn Boeing sẽ giao 4 khí tài không người lái dưới nước cỡ lớn (XLUUV) Orca cực lớn cho Hải quân Mỹ vào cuối năm 2025. Với chiều dài gần 26 m, Orca có thể di chuyển tương đương gần 12.000 km mà con người không cần can thiệp quá nhiều.
Tư lệnh Hải quân Mỹ, Đô đốc Lisa Franchetti, nhấn mạnh phát triển các hệ thống robot và tự động là một trong những ưu tiên hàng đầu của Hải quân Mỹ. Bà Lisa Franchetti đánh giá cao các hệ thống không người lái vì làm tăng sức mạnh chiến đấu.
Ở các quốc gia khác, Úc đang hợp tác với công ty khởi nghiệp quốc phòng Anduril sản xuất drone dưới nước có tên là Ghost Shark. Dự án này là một phần trong khoản đầu tư 4,65 tỉ USD mà Úc bỏ ra để phát triển khả năng tác chiến dưới nước, các phương tiện hàng hải tự động và không người lái mới.
Những drone dưới nước khác bao gồm Herne của Tập đoàn sản xuất thiết bị quân sự BAE Systems đang được thử nghiệm tại Anh và Manta Ray của nhà thầu quốc phòng Mỹ Northrop Grumman.
Pháp, Hàn Quốc và Đức cũng nghiên cứu các tàu ngầm không người lái mới. Ukraine đang thử nghiệm drone tấn công dưới nước có tên là Marichka.
Herne hay nhân tố thay đổi cuộc chơi
Vào một buổi sáng gần đây trên bờ biển phía Nam nước Anh, cần cẩu hạ con tàu dài 12 m, nặng 8 tấn xuống nước và bắt đầu nhiệm vụ huấn luyện được lập trình sẵn. Đó là drone dưới nước Herne của Tập đoàn BAE Systems (Anh).
Mặc dù dựa trên drone dưới nước do Công ty Cellula Robotics (Canada) sản xuất cho ngành năng lượng, nhưng BAE Systems đã bổ sung hệ thống máy tính, camera và cảm biến cho phép tàu hoạt động tự động cũng như thu thập và phân tích thông tin tình báo. Herne chủ yếu được thiết kế để trinh sát, song BAE Systems đang cân nhắc bổ sung ngư lôi và mìn.
Với phạm vi hoạt động gần 5.000 km, Herne có thể lặn xuống độ sâu 3.000 m và không gian chứa tải trọng lên tới 5.000 lít.
Herne trông giống như một tàu ngầm mini, tự dẫn đường trên biển bằng các cảm biến. Herne phân tích các tàu mà nó nhìn thấy bằng cách so sánh chúng với cơ sở dữ liệu, giúp phân biệt giữa tàu quân sự và tàu dân sự. Dữ liệu mà Herne thu thập được truyền qua một cột buồm giống như kính tiềm vọng nhô lên từ phía sau.
Đáng chú ý, Herne được đánh giá cao vì sử dụng Nautomate - hệ thống điều khiển tự động quân sự thế hệ tiếp theo dành cho các phương tiện hàng hải không người lái.
Pin lithium-ion của Herne có thể sử dụng được tới 3 ngày. Trong tương lai, BAE Systems đang tìm cách tận dụng luôn công nghệ pin nhiên liệu hydro để kéo dài thời gian hoạt động lên đến 45 ngày và có phạm vi hoạt động khoảng 4.800 km, gần bằng khoảng cách từ Ireland đến TP New York – Mỹ.
Theo BAE Systems, Herne là một nhân tố thay đổi cuộc đua quân sự dưới đại dương. Herne giúp tiết kiệm chi phí, cho phép thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, chấm dứt sự phụ thuộc vào các tàu ngầm có người lái và giúp con người tránh khỏi nguy hiểm.
BAE Systems phát triển Herne trong một năm qua, đặt mục tiêu đưa ra thị trường vào giữa năm 2026.
Việc hoàn thiện công nghệ drone dưới nước không hề dễ dàng. Việc duy trì liên lạc với drone dưới nước cũng khó hơn so với drone trên không vì sóng vô tuyến không thể truyền qua vùng nước sâu. Ngoài ra, drone còn phải chịu được áp suất lớn ở vùng nước sâu. Điều kiện bên dưới bề mặt biển rất khắc nghiệt nên sửa chữa cũng khó khăn nếu gặp sự cố.
Bình luận (0)