Sáng 6-12, Báo Người Lao Động tổ chức tọa đàm "Phát triển nền tảng "triệu view" của cơ quan truyền thông" trong bối cảnh mạng xã hội đang trở thành hiện tượng với đặc trưng nhanh, tương tác đa chiều, lan tỏa rộng và tác động mạnh mẽ tới toàn xã hội.
Đưa báo chí lên mạng xã hội
Đẩy mạnh phát triển kênh mạng xã hội, các cơ quan báo chí có nhiều thời cơ nhưng cũng đối mặt nhiều thách thức. Tại Báo Thanh Niên, nhà báo Đức Trung - Ủy viên Ban Biên tập, Phó Tổng Thư ký Tòa soạn - cho hay khó khăn, thách thức lớn trong việc phát triển nội dung trên các nền tảng là đòi hỏi đầu tư lớn. Hiện kênh YouTube của Báo Thanh Niên đạt 5,5 triệu lượt theo dõi, kênh TikTok ghi nhận 3,5 triệu lượt theo dõi song đây vẫn là con số khiêm tốn. "Sản xuất nội dung báo chí trên mạng xã hội rất vất vả. Phải đầu tư công nghệ, trường quay..., tốn tiền tỉ để tác phẩm đạt chất lượng âm thanh, hình ảnh" - nhà báo Đức Trung nêu thực tế.
Theo nhà báo Đỗ Thiện, Trưởng Ban Truyền hình đa nền tảng Báo Pháp Luật TP HCM, việc tham gia sản xuất, đưa thông tin lên mạng xã hội đã đem về cho các cơ quan báo chí doanh thu tương ứng với lượt tương tác. Bởi lẽ, đa số độc giả hiện nay có xu hướng tiếp cận tin tức của các cơ quan báo chí thông qua mạng xã hội. "Khi tham gia và bắt "trend" (xu hướng) của mạng xã hội, các cơ quan báo chí sẽ nắm được thị hiếu, từ đó phục vụ đúng nhu cầu tin tức của người dùng" - ông Đỗ Thiện nói.
Tuy nhiên, khi tham gia các nền tảng mạng xã hội, cơ quan báo chí cũng gặp nhiều rủi ro. Đó là tình trạng phụ thuộc của cơ quan báo chí về cả nội dung lẫn kỹ thuật vào các nền tảng. Bên cạnh đó còn có nguy cơ người làm báo mải mê chạy theo trend trên mạng xã hội để sản xuất tin - bài, dễ dẫn đến "mất chất". Chưa kể, có tình trạng nhân sự của các báo "chảy" sang nền tảng mạng xã hội do thu nhập cao hơn.
"Trong khi báo chí đóng thuế không thiếu một xu thì các nền tảng xuyên biên giới vẫn chưa được quản lý chặt chẽ. Cơ quan truyền thông phát triển các kênh mạng xã hội cần được nhà nước hỗ trợ ngân sách nhiều hơn" - ông Đỗ Thiện kiến nghị.
Ông Bùi Phan Trương Chánh Nghĩa, Giám đốc Văn phòng đại diện TP HCM - Công ty CP Phát triển Truyền thông Quảng cáo MAC Việt Nam (MCV), cho hay công ty đã trực tiếp sản xuất nội dung trên nền tảng mạng xã hội thông qua công cụ hỗ trợ. "Chúng tôi có công cụ đo, đếm thị hiếu, bóc tách để xây dựng nội dung phù hợp với từng đối tượng người xem. Tùy theo mỗi nền tảng mạng xã hội mà xây dựng nội dung, cách thức thể hiện khác nhau. Cách thể hiện nội dung phải đúng chủ trương, chính sách nhưng phải có yếu tố hấp dẫn" - ông Nghĩa chia sẻ kinh nghiệm.
Báo chí có nhiều lợi thế
Ông Nguyễn Ngọc Hồi, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) TP HCM, cho hay năm 2024 và những năm tiếp theo, tất cả lĩnh vực trên địa bàn thành phố - bao gồm báo chí - đều tiến hành chuyển đổi số. Sở có nhiệm vụ tham mưu UBND TP HCM triển khai hệ thống dữ liệu dùng chung cho tất cả cơ quan báo chí, qua đó giúp chia sẻ nguồn lực, bảo vệ tác quyền. "Hiện nay, các trang thông tin điện tử, mạng xã hội dẫn nguồn từ báo chí rất nhiều nhưng không chia sẻ nguồn thu cho cơ quan báo chí" - ông Nguyễn Ngọc Hồi nêu bất cập.
Phó Giám đốc Sở TT-TT cũng cho biết sở đang xây dựng các kế hoạch, quy chế nhằm tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí phát triển nhanh; vừa siết chặt vừa hỗ trợ cơ quan báo chí xây dựng thương hiệu trên nền tảng mạng xã hội thông qua việc đăng tải thông tin được kiểm chứng. "Dù mạng xã hội có theo trend như thế nào đi nữa thì những thông tin chính thống, được kiểm chứng từ các cơ quan báo chí vẫn cần thiết và giữ vai trò quan trọng. Các cơ quan báo chí có lợi thế về nguồn tin mà những nhân vật có ảnh hưởng trên mạng xã hội (KOLs) không có được" - ông Nguyễn Ngọc Hồi nhấn mạnh.
Gợi mở thêm, Phó Giám đốc Sở TT-TT cho rằng cơ quan báo chí đẩy mạnh thông tin tích cực lên các nền tảng mạng xã hội thì cũng sẽ nhận lại nhiều điều tích cực từ những nền tảng này.
Theo nhà báo - TS Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, các cơ quan báo chí có vai trò, trọng trách và có lợi thế để phát triển các nền tảng mạng xã hội tốt nhất. Cụ thể, cơ quan báo chí có quy chuẩn đạo đức, cơ chế pháp lý rõ ràng. Bên cạnh đó, cái tâm của người làm báo chính là "mỏ neo" quan trọng để giữ cho các cơ quan báo chí phát triển đúng định hướng, tôn chỉ mục đích và phục vụ xã hội tốt nhất. Chưa kể, các cơ quan báo chí còn có sự ủng hộ của các đơn vị, cộng đồng doanh nghiệp. Như vậy, cơ quan báo chí đã tích hợp được đầy đủ điều kiện để có thể phát triển các nền tảng mạng xã hội "triệu view" và thậm chí hướng tới "tỉ view".
"Cú bắt tay" giữa báo chí và nhà sáng tạo nội dung
Theo ông Bùi Thanh Bình, Giám đốc Công ty CP BMZ (quản lý mạng xã hội cho một số nhà sáng tạo số), người dùng hiện nay thích xem, nghe hơn là đọc. Trong khi đó, cơ quan báo chí chính thống đang thiếu những nhà sáng tạo nội dung thu hút độc giả. Còn những nhà sáng tạo nội dung có lượt theo dõi đông đảo trên nền tảng mạng xã hội lại chưa chắc đưa tin chính xác. Do đó, cần có "cú bắt tay" giữa báo chí và nhà sáng tạo nội dung để lan tỏa thông tin nhanh, chính xác.
Bình luận (0)