xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Phi Long - Hắc Long "độc cô cầu bại"

Bài và ảnh: ANH TÚ

Tinh thông võ thuật từ nhỏ, võ sư Phi Long chưa từng nếm mùi thất bại trong các cuộc thượng đài tỉ thí.

Xuân Kỷ Dậu 1789, vua Quang Trung đại phá quân Thanh. Trong đội nghĩa binh năm ấy có nhiều trai tráng đất võ Bình Định, đông nhất là Quân cấm vệ. Võ sư danh tiếng Phi Long chính là hậu duệ của một trong những võ sĩ Quân cấm vệ thời ấy.

* * *

Võ sư Phi Long tên thật là Trần Quốc Long, năm nay đã 80 tuổi; ngụ xã Tây Giang, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Ngôi nhà của ông nằm ở lưng chừng đèo An Khê gần như tách biệt với bên ngoài. Đây cũng là nơi ông sống một mình 15 năm qua, kể từ khi chia tay người vợ… thứ 12.

Dù đã bước vào độ tuổi xưa nay hiếm nhưng nhờ thường xuyên luyện tập nên võ sư Phi Long vẫn cường tráng và minh mẫn. Ông tỏ ra hào hứng khi đề cập chuyện võ thuật và một thời oanh liệt của mình.

Võ sư Phi Long là con thứ 3 trong 7 người con của võ sư Trần Nghĩa Sĩ. Vì là con nhà nòi nên ngay từ khi 6 tuổi, ông đã được cha dạy những đường võ cơ bản. Đến năm 10 tuổi, ông tiếp tục được bác ruột là võ sư Trần Lại truyền dạy.

Phi Long - Hắc Long "độc cô cầu bại"- Ảnh 1.

Võ sư Phi Long biểu diễn một bài quyền

Trong một buổi luyện võ bên bờ sông, võ sư Trần Lại và 36 đệ tử bị sét đánh tử vong. Lớp võ chỉ còn mỗi cậu bé Quốc Long bởi hôm đó… không đi học. Vụ việc tang thương chấn động đất võ này đến tận bây giờ vẫn còn ám ảnh võ sư Phi Long.

Thầy mất, bạn học võ không còn, cậu bé 10 tuổi trở nên lầm lì, ít nói. Thương con, võ sư Trần Nghĩa Sĩ lặn lội đi tìm thầy dạy võ cho cậu. Sau đó, cậu được võ sư Trần Thái Sơn nhận dạy. Tuy nhiên, học chưa được bao lâu thì võ sư này mắc bệnh nặng. Cậu lại được cha cho theo học võ sư Trịnh Thiếu Anh...

Võ sư Phi Long nhớ lại: "Con đường học võ của tôi liên tục trắc trở bởi chiến tranh loạn lạc, thầy trò chia ly. Trải qua nhiều biến cố như thế, nghĩ rằng tôi không có duyên với võ thuật nên cha cấm luôn. Sau đó, tôi phải trốn nhà tìm tới võ sư Huỳnh Liễu ở Phù Cát - Bình Định bái sư".

Võ sư Huỳnh Liễu đã truyền thụ cho người đệ tử mới từng chiêu thức cặn kẽ, từ lý thuyết đến thực hành. Trong quá trình học, ông được đưa đi thi đấu ở một số đấu trường tại Bình Định lẫn khu vực miền Trung - Tây Nguyên và bắt đầu nổi danh.

Những năm 1960 là thời kỳ đỉnh cao trong sự nghiệp thượng đài của võ sư Phi Long. Năm 1966, sau khi đầu quân cho võ đường của "võ vương" Minh Cảnh ở miền Nam, trong trận thượng đài tranh ngôi vô địch Việt Nam hạng rồng (ngoại hạng) tại sân Tinh Võ ở Sài Gòn, ông đã đánh bại võ sĩ Trần Cường, người Biên Hòa - Đồng Nai.

Năm 1968, võ sư Minh Cảnh đưa Phi Long sang Campuchia đấu với võ sĩ nước chủ nhà và ông đã giành danh hiệu vô địch Đông Dương. Tên tuổi Phi Long ngày càng vang lừng, cũng nhờ vậy mà cha ông mới biết cậu con trai của mình trốn nhà "tầm sư học đạo" năm nào giờ đã thành danh.

Trong cuộc đời đấu võ của mình, võ sư Phi Long đã thượng đài 87 trận ở trong và ngoài nước song chưa từng nếm mùi thất bại. Trong đó, ông hạ đối thủ trên sàn đấu 68 trận, 19 trận còn lại hòa. Vì vậy, ông được dân trong giới và người đam mê võ thuật mệnh danh là "độc cô cầu bại".

* * *

Theo võ sư Phi Long, trận đấu mà ông nhớ nhất là với võ sư Lam Chinh người Campuchia tại Kon Tum năm 1971. Lúc ấy, sau khi ông thắng một võ sư ở Gia Lai, Lam Chinh liền xin thủ đài. Theo quy định, ai xin thủ đài thì hôm sau sẽ đánh với ông.

Sáng hôm sau, nhiều võ sư nổi tiếng ở Tây Nguyên là thầy của Phi Long ngăn cản, không cho ông thượng đài. Bởi khi ấy, Lam Chinh là người duy nhất không những đứng vững trước đòn biểu diễn song phi mà còn rất khỏe mạnh.

Võ sư Phi Long giải thích: "Song phi là màn võ sĩ phải phi lên, vượt qua 7 người đứng khom mình phía trước rồi hạ đối thủ trước mặt. Hồi ấy, chỉ duy nhất Lam Chinh là đứng vững nhờ nội công thâm hậu. Các thầy bảo rằng Lam Chinh có được nội công như thế là nhờ luyện "gồng", có "bùa" nên không cho tôi đánh. Tôi nói Lam Chinh có thể "gồng" để cơ thể chịu được đòn đánh nhưng con mắt, lỗ tai thì không thể "gồng", và tôi sẽ nhắm vào những vị trí này".

Phi Long - Hắc Long "độc cô cầu bại"- Ảnh 2.

Võ sư Phi Long và cuốn sách “Phương thuốc võ cổ truyền” vừa hoàn tất

Nghe Phi Long phân tích, các võ sư Tây Nguyên đồng ý để ông thượng đài. Tối hôm ấy, võ đài chật kín khán giả, trong đó binh lính Việt Nam Cộng hòa khá đông. Khi lên đài, Lam Chinh tuyên bố trước đám đông sẽ hạ Phi Long ngay trong hiệp 1.

Trọng tài vừa ra hiệu thi đấu, Phi Long liền tung liên tiếp những đòn hầu quyền, nhanh nhẹn dùng hai chỏ đánh vào mắt, vào tai dồn dập, làm Lam Chinh không kịp trở tay. Chống cự không nổi, Lam Chinh ngã gục khi chưa hết hiệp 1.

Sau khi Lam Chinh gục ngã, tên chỉ huy đám lính hô lớn: "Giết thằng Phi Long đi, để nó sống là tai họa". Bọn lính xông lên đài, Phi Long liền phá vòng vây tháo chạy. Chúng đuổi theo dùng súng bắn liên hồi nhưng ông may mắn không trúng đạn.

Sau trận đấu lừng lẫy này, võ sư Phi Long còn được nhiều người gọi là "Hắc Long" (rồng đen).

* * *

Không chỉ nổi tiếng trong giới võ thuật, võ sư Phi Long còn rất đào hoa. Với thân hình cao hơn 1,8 m, vẻ mặt điển trai nên thời trẻ, mỗi khi đi tới nơi nào đấu đài hay dạy võ, ông đều được nhiều cô gái để ý.

"Cũng bởi mê võ, cứ bôn ba đây đó nên tôi không sống được lâu dài với người vợ nào. Suốt ngày chồng cứ nghĩ đến quyền cước, mải mê tập luyện, bị bỏ bê thì người vợ nào không buồn" - võ sư Phi Long tiếc nuối. Dù có đến 12 bà vợ nhưng ông chỉ có 6 người con.

Người vợ cuối cùng của võ sư Phi Long cũng ngụ xã Tây Giang. Năm 1989, sau khi xin nghỉ việc ở Sở Thể dục - Thể thao tỉnh Bình Định, ông đưa bà lên đèo An Khê lập trang trại rồi tìm cách phát triển, truyền bá võ thuật.

Mối duyên cuối đời này của võ sư Phi Long cũng lận đận. Năm 2009, bà trở về xã Tây Giang sinh sống, từ đó ông sống một mình đến nay.

"12 bà vợ của tôi người nào cũng đoan trang, thùy mị. Sau khi ly hôn, họ vẫn ở vậy. Chúng tôi vẫn giữ mối quan hệ thân thiết" - ông cho biết.

Từ khi quy ẩn trên đèo An Khê, ngoài những lúc trà dư tửu hậu cùng bạn bè, võ sư Phi Long lại miệt mài viết sách về võ lý, võ y với mong muốn tiếp tục làm rạng danh võ cổ truyền Bình Định. Đến nay, ông đã hoàn thành, bổ sung vào nguồn tư liệu không mấy dồi dào của võ cổ truyền Bình Định các tập sách: "Tây Sơn võ thuật đạo", "Phương thuốc võ cổ truyền", "Phương pháp sơ cấp cứu".

Võ sư Phi Long tỏ ra hãnh diện, tự hào khi nhắc đến 31 võ đường của môn phái Phi Long được xây dựng, phát triển bởi 31 học trò ở nhiều nơi. Trong đó, nhiều người đã nổi tiếng như: Cung Lê (Mỹ), Phi Long Hải (TP HCM), Phi Long Nghĩa (Đồng Nai)…

Theo võ sư Phi Long, trong võ học, mạnh thắng yếu là lẽ thường, dùng nhu thắng cương mới là điều quan trọng. Do vậy, trong những ngày cuối đời, ông sẽ dốc sức nghiên cứu, kết hợp hầu quyền với miêu quyền để có được những chiêu thức lấy nhu thắng cương.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo