Ma cà rồng, xác sống, siêu nhân… đều là hình tượng phổ biến trong điện ảnh thế giới nhưng còn mới lạ với điện ảnh Việt. Những tưởng rằng khi đưa những hình tượng này vào phim Việt sẽ mang đến doanh thu do sự mới lạ nhưng thực tế thì trái ngược.
Thiếu cảm xúc cao trào
Phim "Người mặt trời" do đạo diễn Timothy Linh Bùi thực hiện, quy tụ dàn diễn viên: Chi Pu, Thuận Nguyễn, Trần Ngọc Vàng, Trịnh Thảo, Thạch Kim Long… Tác phẩm ra rạp từ ngày 8-12 nhưng đến nay chỉ thu được hơn 5,1 tỉ đồng (thống kê của Box Office Việt Nam). Mặc dù ra rạp ở thời điểm không có sự cạnh tranh đáng kể nào từ phim nội lẫn phim ngoại nhưng "Người mặt trời" vẫn không thể tạo được đột phá doanh thu.
Với nội dung khai thác câu chuyện ma cà rồng bối cảnh Việt, tác phẩm tập trung vào sự đối lập số phận, cuộc sống của 2 anh em Marco (Thuận Nguyễn đóng) và Nhật (Trần Ngọc Vàng đóng). Phim có dàn diễn viên ngoại hình đẹp, diễn xuất nỗ lực, tròn vai. Bối cảnh đẹp, quay đẹp, kỹ xảo được đầu tư đến nơi đến chốn tạo những cảnh biến hóa của ma cà rồng mượt mà. Phim mong muốn truyền tải thông điệp nhân văn về tình anh em, tình thân vượt lên trên tất cả.
Tuy nhiên, kịch bản "Người mặt trời" nhiều điểm vô lý, một số tình tiết khiên cưỡng, chưa đủ sức thuyết phục khán giả. Phim ôm đồm nhiều tình tiết dẫn đến dàn trải, thiếu sự đào sâu. Câu chuyện phim không có sự đột phá so với những phim về ma cà rồng của nước ngoài như loạt phim "Chạng vạng" - cũng kể về tình yêu giữa chàng ma cà rồng điển trai Edward và cô gái bình thường Bella.
Những hạn chế này khiến cho "Người mặt trời" không thành công trong việc thuyết phục khán giả Việt tin rằng ma cà rồng có ở Việt Nam. Tương tự các phim siêu anh hùng "Lôi Báo" của Victor Vũ, phim về xác sống: "Cù lao xác sống", "Bến phà xác sống" của Nguyễn Thành Nam... cũng không thể thắng doanh thu bởi nhiều yếu tố chưa thuyết phục được khán giả.
Người trong giới nhận định các phim "độc, lạ" Việt đều có ý tưởng tốt nhưng do cách thể hiện chưa đủ hấp dẫn khán giả. Bỏ qua "thảm họa điện ảnh" của loạt phim về xác sống Việt bị xem như "phá ngành", phim "Lôi Báo" cũng được nhà làm phim đầu tư đầy tâm huyết với kinh phí lên đến 30 tỉ đồng. Những cảnh hành động, kỹ xảo cũng được khen ngợi. Tuy nhiên, nội dung kịch bản dàn trải, không đẩy được cảm xúc cao trào nên đành chịu cảnh thất thu.
Cân bằng yếu tố bản địa
Ý định ban đầu của đạo diễn Timothy Linh Bùi là truyền tải những thông điệp về tình anh em và số phận của những người ngoài cuộc trong xã hội. Nhưng thay vì kể câu chuyện bình thường, anh quyết định đặt bối cảnh phim vào thế giới loài ma cà rồng. Không nhiều nhà làm phim dám khai thác ý tưởng này bởi thể loại phim ma cà rồng thường kén khán giả, lại còn khá khó để tìm ra điểm kết nối giữa loài ác quỷ huyền bí đến từ phương Tây và đời sống văn hóa Việt Nam.
Trước đó, đạo diễn Timothy Linh Bùi từng chia sẻ rằng ma cà rồng không có trong văn hóa Việt Nam nhưng khi nói đến hình tượng này thì người Việt đều biết. Họ biết thông qua từ phim điện ảnh đến truyền hình đã được thực hiện nhiều trên thế giới, tương tự như siêu nhân, xác sống, quái vật… Dù mọi người biết hình tượng ma cà rồng nhưng anh cũng nỗ lực tìm cách để kể câu chuyện sao cho mọi người tin rằng có ma cà rồng ở Việt Nam và họ thấy hợp lý. Đây không phải là chuyện dễ dàng bởi những phim khai thác đề tài "độc, lạ" thất bại trước đó đã cho thấy độ khó khi đụng đến những đề tài này.
"Việc chọn làm phim về ma cà rồng là một sự chấp nhận thử thách nên nếu có thất bại thì cũng không sao vì đã dám thử sức làm một cái mới" - đạo diễn Timothy Linh Bùi từng trải lòng.
"Trong quá trình phát triển, điện ảnh Việt cần những nhà làm phim về đề tài "độc, lạ" cũng như những nhà làm phim đề tài bình dân, tạo cảm giác chân thật với khán giả. Có như thế, thị trường mới phong phú, khán giả được thưởng thức các tác phẩm đa dạng" - đạo diễn trẻ Lê Lâm Viên nhận định.
Theo biên kịch Trần Khánh Hoàng, các nhà làm phim mạo hiểm với đề tài "độc, lạ" cần phải tìm cách để không chỉ có câu chuyện được kể hấp dẫn mà còn có yếu tố bản địa hợp lý, thuyết phục. Cùng đề tài mới nhưng nội dung, bối cảnh đầu tư tốt và cân bằng được yếu tố bản địa sẽ thu hút khán giả hơn.
Biên kịch kiêm đạo diễn Kay Nguyễn cũng cho rằng khán giả thích những phim mới lạ, kể câu chuyện không theo lối mòn nhưng bên cạnh đó họ cũng thích những yếu tố gần gũi, quen thuộc, mang đến cảm giác chân thật. Sự quen thuộc có thể đến từ tên đạo diễn, diễn viên, tên tác phẩm văn học được chuyển thể, tên những nhân vật trong các giai thoại truyền miệng... Đó là lý do những phim "Mắt biếc", "Chị chị em em 2"... gặt hái doanh thu cao do là phim chuyển thể từ tác phẩm danh tiếng hoặc những nhân vật có giai thoại nổi tiếng như Ba Trà, Tư Nhị.
Theo các nhà chuyên môn, sự gần gũi, thân quen với nét văn hóa bản địa cần được cân bằng trong phim kể về đề tài "độc, lạ". Việc đưa bối cảnh Việt vào các hình tượng như siêu nhân, ma cà rồng... cũng cần hợp lý, không nên khiên cưỡng tạo cảm giác khó tin.
"Những người trong cuộc cho rằng phim đề tài "độc, lạ" Việt cần khai thác những câu chuyện kết hợp đi sâu vào văn hóa bản địa sẽ tạo nét riêng và giúp phim có đời sống khác biệt, không bị so sánh.
Bình luận (0)