Phim truyền hình "Trái tim bất hạnh", do NSND Trọng Trinh đạo diễn, là tác phẩm mới nhất khai thác đề tài từ vụ án có thật về nạn bạo lực trẻ em. Đây là một vụ án điểm xảy ra cách đây 3 năm tại TP HCM.
Nhiều tình tiết mới mẻ, thu hút
"Trái tim bất hạnh" có sự tham gia của các diễn viên: Oanh Kiều, Khôi Trần, Lê Hạ Anh, bé Cao Thùy Linh, bé Huỳnh Bảo Duy… Phim được phát sóng vào 19 giờ 45 phút từ ngày 19-12 trên SCTV14 - Kênh Phim Việt của Truyền hình Cáp SCTV và App SCTV Online.
Phim kể về Hà Anh - từng là nạn nhân bạo lực học đường của bạn học Băng Châu, phải chuyển trường. Về sau, Hà Anh thi đậu đại học ngân hàng và bén duyên với Hưng. Hai người hạnh phúc bên hai con là Thảo và Hiếu. Niềm vui chưa bao lâu thì Hưng ngoại tình cùng cô nàng gia thế giàu có Băng Châu, ly dị với Hà Anh.
Do tranh chấp quyền nuôi con, tòa phán quyết bé Thảo ở cùng cha, Hiếu theo mẹ. Một ngày, Hà Anh nhận điện thoại báo tin bé Thảo chết đuối dưới hồ do nghịch nước...
"Trái tim bất hạnh" đã có nhiều hư cấu, thêm các tuyến nhân vật cùng kết cấu câu chuyện khác so với vụ án có thật. Vì thế, khán giả khi xem phim vẫn thấy được tình tiết mới mẻ, thu hút.
"Tôi rất thận trọng khi thực hiện những bộ phim thuộc mảng gia đình - tâm lý - xã hội. Câu chuyện phim phải thật gần gũi, chân thực. Mỗi nhân vật, mỗi hoàn cảnh trong bộ phim là những câu chuyện mà khán giả có thể bắt gặp chính mình ở đó" - NSND Trọng Trinh cho biết.
Trước "Trái tim bất hạnh", phim truyền hình Việt Nam đã có rất nhiều tác phẩm lấy cảm hứng từ vụ án có thật: "Giải mã trọng án", "Nữ luật sư", "Mất tích đêm 30", "Chạy án", "Sinh tử", "Đấu trí", "Mật danh D9"… Đa phần các phim này đều tạo được sức hút với khán giả bởi sự quen thuộc của vụ án từng gây chấn động dư luận thời gian dài. Nhiều người tò mò muốn biết khi lên phim, câu chuyện được kể thế nào.
Trong đó, "Nữ luật sư", do NSND Trọng Trinh - Lê Minh đạo diễn, được triển khai từ những câu chuyện có thật. Phim "Mất tích đêm 30" - do Hàm Trần đạo diễn, được chiếu trên Galaxy Play dịp Tết Giáp Thìn - là tác phẩm sử dụng chất liệu từ vụ thảm án cô gái giao gà gây chấn động dư luận năm 2019.
Đạo diễn Hàm Trần thông tin: "Phim không kể lại vụ án cô gái giao gà mà chỉ khai thác ý tưởng. Qua đó, "Mất tích đêm 30" muốn truyền tải thông điệp rằng đôi khi yêu thương thôi là chưa đủ, các thành viên trong gia đình cần phải có sự chia sẻ để thấu hiểu nỗi khổ tâm của nhau".
Cần phải sáng tạo, hư cấu
Theo những người trong cuộc, phim truyền hình khai thác những vụ án có thật không hề dễ thực hiện, dù những tác phẩm này có sẵn câu chuyện hấp dẫn, đủ sức khiến công chúng tò mò.
Người biên kịch những phim này phải bỏ nhiều thời gian thu thập tài liệu, tìm kiếm thông tin trên báo đài từng đăng tải công khai về vụ án. Từ chất liệu ngồn ngộn đó, họ phải chọn được góc nhìn muốn kể. Nếu nhà làm phim tạo ra tác phẩm kể dàn trải từ đầu đến cuối nội dung vụ án thì khán giả chẳng có gì để xem.
"Người biên kịch phải sáng tạo, hư cấu thêm các tuyến nhân vật, các câu chuyện phụ trợ để xây dựng bối cảnh cho nhân vật từ chính diện đến phản diện. Mối liên hệ giữa nhân vật chính diện và phản diện phải tạo nên những câu chuyện thúc đẩy tình tiết phim" - nhà biên kịch Đông Hoa phân tích.
Theo nhà biên kịch Thanh Hương, phim truyền hình lấy cảm hứng từ câu chuyện vụ án có thật không thể kể lặp đi lặp lại nỗi đau của các nạn nhân và người thân. "Câu chuyện cần phải được kể theo cách tạo định hướng xã hội, truyền tải thông điệp nhân văn về yếu tố nhân quả, hướng thiện..." - bà nhấn mạnh.
Các nhà chuyên môn cho rằng điều quan trọng nhất với phim truyền hình về vụ án là phải kể được câu chuyện có đầy đủ yếu tố gây tò mò cùng thông điệp nhân văn. Có như vậy, phim mới truyền được cảm xúc cho khán giả.
Bình luận (0)