"Ngày xưa có một chuyện tình" do Trịnh Đình Lê Minh đạo diễn. Phim lấy mốc thời gian thập niên 1990, kể câu chuyện về 3 nhân vật: Vinh (Avin Lu đóng), Phúc (Nhật Hoàng), Miền (Ngọc Xuân).
Tác phẩm hay của điện ảnh Việt năm 2024
Vinh, Phúc và Miền trở thành những người bạn thân thiết trong ngôi làng yên bình, gắn bó từ lúc nhỏ đến khi trưởng thành, cùng trải qua những rung động đầu đời. Vinh yêu Miền bằng tình cảm trong sáng, không vụ lợi và cũng chấp nhận thực tế khi biết cô cùng Phúc yêu nhau.
Để không mất đi tình bạn thân thiết, Vinh chấp nhận làm "bóng đèn" bất đắc dĩ, tiếp tục chơi thân với Miền và Phúc. Các tình tiết trở nên cao trào khi Phúc rời đi biền biệt. Vinh vẫn si tình như ngày nào, ở bên hỗ trợ Miền và biết được cô cùng Phúc có một đứa con chung.
Những cảm xúc bùng nổ khi 3 nhân vật chính buộc phải đưa ra sự lựa chọn cho hướng đi cuộc đời mình. Phim đã kể được câu chuyện tròn trịa về các nhân vật chính - từ lúc họ còn ấu thơ đến khi trưởng thành - một cách đẹp đẽ, cảm xúc, lôi cuốn.
Những chuyển biến tâm lý của nhân vật được thể hiện hợp lý, phù hợp với tính cách từng người. Vinh hiền lành, si tình, yêu Miền bằng sự trong sáng, cao thượng và bao dung nhưng nhút nhát, không quyết đoán. Phúc mạnh mẽ, ngang ngạnh nhưng mang lại cảm giác thiếu an toàn. Miền xinh đẹp, cuồng nhiệt, yêu hết mình nhưng bên trong đầy trăn trở, mâu thuẫn - nhất là khi đã trở thành mẹ và chấp nhận tình cảm nồng nàn, bao dung từ Vinh. Tất cả điều này kết hợp với môi trường sống, trải nghiệm bản thân đã giúp họ đưa ra những quyết định cho bước ngoặt cuộc đời mình.
"Ngày xưa có một chuyện tình" là tác phẩm hiếm hoi của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nói đến những "vấn đề người lớn", như quan hệ tình dục trước hôn nhân, mẹ đơn thân. Đây cũng là điểm nhấn về quá trình trưởng thành của các nhân vật, thay đổi số phận họ.
Những "cảnh nóng" đã được đạo diễn khắc họa khéo léo trong phim. Tiếc là các cảnh quay này khá mờ nhạt, chưa tạo được ấn tượng để bật lên thông điệp trong phim. Một hạn chế khác là ở một số cảnh, lời thoại còn nặng tính văn học, chưa đời thường.
Dẫu vậy, theo những người trong cuộc, "Ngày xưa có một chuyện tình" vẫn là một tác phẩm hay của điện ảnh Việt trong năm 2024. NSƯT Chiều Xuân bày tỏ: "Xem phim xong, tôi thấy tâm hồn mình yên bình. Tôi rất cảm ơn các bạn đã thực hiện một bộ phim hay, có ý nghĩa".
"Tôi thấy tuổi trẻ của mình ngày xưa trong bộ phim. Phim có sự đáng yêu, hồn nhiên, chân thành và rất cảm động. Cái kết của bộ phim để lại nhiều điều cho khán giả" - nhà báo Diễm Quỳnh nhận định.
Đạo diễn Lê Thanh Sơn bình luận: "Đây là một bộ phim duy mỹ, từ khung hình đến chuyện tình thời mới lớn". Trong khi đó, đạo diễn Charlie Nguyễn nhận xét: "Nhiều nước mắt, tiếng cười và những tràng vỗ tay hân hoan. Một trải nghiệm điện ảnh đáng nhớ"…
Bất ngờ về doanh thu
Nhiều khán giả sau khi xem "Ngày xưa có một chuyện tình" cho rằng phim giúp họ nhớ về một thời đã xa. Đó là quãng thời gian mà tình bạn, tình yêu đầy trong sáng, kiên nhẫn, bao dung - một thời rất đẹp trong tuổi thanh xuân của nhiều người.
Khán giả Nguyễn Thị Nguyên (ngụ quận 8, TP HCM) cảm nhận: "Phim hay, cảm động. Tôi xem phim mà nhớ nhiều về thời trẻ của mình. Tôi chưa đọc tác phẩm gốc của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nên đây là lần đầu biết về câu chuyện Vinh, Phúc, Miền và đồng cảm với họ. Cảnh trong phim cũng rất đẹp, mọi thứ vừa vặn, dễ chịu. Một cái kết phù hợp và tôi thấy hài lòng. Bạn của tôi cũng dành nhiều lời khen cho phim".
Với những khán giả từng đọc truyện - vốn có sự tưởng tượng riêng về bộ ba nhân vật chính, dù chưa thể hài lòng trọn vẹn với phim nhưng cũng nhận định tác phẩm chuyển thể được hơn 70% những gì họ nghĩ.
Về mặt quảng bá, ngoài các buổi ra mắt giới chuyên môn và báo giới, ê-kíp làm phim cũng đã chiếu giới thiệu "Ngày xưa có một chuyện tình" ở Phú Yên - bối cảnh quay phim. Ê-kíp làm phim còn thực hiện hoạt động quảng bá, khởi động các chuỗi sự kiện giao lưu với nhiều trường học: Trường ĐH Công nghệ TP HCM, Trường Phổ thông Năng khiếu - ĐHQG TP HCM…
Thế nhưng, dù được đánh giá tích cực về chất lượng, "Ngày xưa có một chuyện tình" lại không đột phá về doanh thu như kỳ vọng. Phim thông báo khởi chiếu từ ngày 28-10, trong khi các suất chiếu sớm bắt đầu từ hôm 25 đến hết ngày 27-10. Theo thống kê của trang Box Office Vietnam, tính đến trưa 3-11, phim thu được hơn 21,8 tỉ đồng (bao gồm cả các suất chiếu sớm). Tác phẩm này hiện đứng thứ 2 trong bảng xếp hạng doanh thu phòng vé Việt theo ngày, sau "Venom: Kèo cuối" - phim nước ngoài, chính thức ra rạp từ ngày 25-10 và hiện đã thu hơn 63 tỉ đồng.
Nếu vẫn tiếp tục không có đột phá về doanh thu, "Ngày xưa có một chuyện tình" nhiều khả năng trở thành tác phẩm chuyển thể từ truyện Nguyễn Nhật Ánh có doanh thu thấp nhất từ trước đến nay. Kết quả này sẽ được thay đổi nếu có những yếu tố bất ngờ nào đó thu hút khán giả đến với phim trong thời gian tới.
Nhiều người trong giới tỏ ra bất ngờ về doanh thu của "Ngày xưa có một chuyện tình". Họ cho rằng có thể do hiện nay, khán giả yêu thích thể loại phim kinh dị gắn liền với văn hóa bản địa hơn là câu chuyện tình cảm, lãng mạn chuyển thể từ tác phẩm văn học. Họ kỳ vọng phim sẽ "lội ngược dòng" nhờ vào độ truyền miệng đến từ nhiều khán giả.
Có thể nói, với tình hình thị trường hiện nay, ngoài việc nỗ lực tạo ra chất lượng tốt, kể câu chuyện hay, phim điện ảnh còn cần có chiến lược quảng bá, tạo độ lan tỏa phù hợp để thu hút sự chú ý của công chúng, nhất là giới trẻ. Đây là đối tượng khán giả chính đến rạp xem phim hiện nay.
Nhiều nhà chuyên môn cho rằng so với "Mắt biếc" - một tác phẩm cũng chuyển thể từ truyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và thành công lớn về doanh thu với 180 tỉ đồng, "Ngày xưa có một chuyện tình" còn thiếu điểm nhấn để tạo "trend" (trào lưu, xu hướng) trên mạng.
Thời điểm "Mắt biếc" ra rạp năm 2019, các nhân vật của phim như Ngạn, Hà Lan, Trà Long… được ê-kíp quảng bá khéo léo, tạo "trend" ngay từ giai đoạn tung poster. Về sau, phim này còn tạo được thêm các "trend" về âm nhạc, bối cảnh, các câu nói đặc biệt của những nhân vật chính…
Bình luận (0)