Sáng 13-8, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp rà soát, cho ý kiến hoàn thiện dự thảo Nghị định về điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.
Sau khi tiếp thu các ý kiến của bộ, ngành, doanh nghiệp, chuyên gia, Bộ Công Thương đã điều chỉnh, bổ sung chính sách khuyến khích theo hướng: Tổ chức, cá nhân lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu không đấu nối với hệ thống điện quốc gia được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất và được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực.
Về phương án mua bán điện dư phát lên hệ thống điện quốc gia, Bộ Công Thương đề xuất tỉ lệ 20% công suất lắp đặt thực tế tại miền Bắc và 10% tại các khu vực còn lại.
Báo cáo Phó Thủ tướng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Nguyễn Anh Tuấn cho biết toàn bộ miền Bắc hiện có khoảng 700 MW điện mặt trời mái nhà, trong khi năng lực hệ thống có thể tiếp nhận khoảng 7.000 MW.
Ông Đỗ Văn Năm, Thành viên Hội đồng thành viên Tổng Công ty Điện lực miền Bắc cho biết, với quy định trong dự thảo Nghị định, người dân sẽ tiết kiệm được khi sử dụng điện vào giờ cao điểm.
Cùng với mức giá bán điện dư vào hệ thống, đại diện Tổng Công ty Điện lực miền Bắc tính toán sau khoảng 5-6 năm, hộ gia đình có thể thu hồi vốn đầu tư, trong khi thời hạn sử dụng của một tấm pin mặt trời hiện nay khoảng 12-15 năm.
"Dư địa phát triển điện mặt trời mái nhà ở miền Bắc còn nhiều, vì vậy, phải có chính sách để khuyến khích đầu tư, phát triển hiệu quả"- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương rà soát nhu cầu phụ tải, khả năng truyền tải, an toàn hệ thống làm căn cứ điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch thực hiện, mở "room" cho điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu, nhất là ở miền Bắc.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu, thống nhất tỉ lệ bán điện dư của nguồn điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu vào hệ thống điện quốc gia là 20% công suất lắp đặt thực tế.
Bình luận (0)