Ngày 8-10, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình chủ trì đoàn công tác kiểm tra và làm việc với TP Hải Phòng về tình hình khắc phục mưa bão, lũ lụt, giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng hạ tầng, nhà ở xã hội, phong trào thi đua xóa nhà tạm, nhà dột nát, xuất nhập khẩu và các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn.
Báo cáo với đoàn công tác, lãnh đạo TP Hải Phòng cho biết ước tính tổng giá trị thiệt hại trên 13.000 tỉ đồng. Thành phố dự kiến dành trên 1.200 tỉ đồng từ các nguồn dự phòng ngân sách, cắt giảm chi thường xuyên và chi đầu tư công, quỹ dự trữ tài chính để khắc phục các thiệt hại do bão số 3 gây ra. Đến nay, cơ bản hạ tầng kinh tế - xã hội thành phố đã được khôi phục, tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đáng chú ý, một số chỉ tiêu kinh tế chủ yếu tiếp tục có sự tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2023: Tốc độ tăng trưởng GRDP 9 tháng đầu năm 2024 đạt 9,77% (Kế hoạch tăng 11,5-12%), đứng thứ 8 cả nước, gấp 1,43 lần tốc độ tăng trưởng bình quân cả nước.
Thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt trên 1,78 tỉ USD, đạt 89% kế hoạch năm. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 9 tháng đạt trên 87.800 tỉ đồng, tăng trên 34% so với cùng kỳ; bằng khoảng 90% dự toán Trung ương giao.
Về giải ngân vốn đầu tư công, tính đến ngày 30-9, thành phố đã giải ngân gần 8.900 tỉ đồng, bằng 52% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, xếp thứ 27 toàn quốc; đứng thứ 5 vùng Đồng bằng sông Hồng và đứng đầu 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Tuy nhiên, đây là mức thấp so với các năm trước, là một khó khăn để phấn hoàn thành kế hoạch năm 2024.
Về tình hình xây dựng cơ sở hạ tầng, Hải Phòng tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện 13 dự án giao thông trọng điểm kết nối liên tỉnh, liên vùng.
Hiện trên địa bàn Hải Phòng đã khởi công 9 dự án xây dựng nhà ở xã hội với tổng quy mô khoảng 15.000 căn. Đến năm 2025 dự kiến tổng số căn tại các dự án ít nhất là khoảng 20.800 căn, khoảng 70-80% trong số đó được đưa ra thị trường.
Để hoàn thành các kế hoạch, mục tiêu đề ra, lãnh đạo TP Hải Phòng đề xuất kiến nghị với Chính phủ 7 nội dung trọng tâm.
Cụ thể, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án: Đề án thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng; Dự án xây dựng các bến số 9, 10, 11, 12 thuộc Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch huyện; 5 dự án đầu tư xây dựng khu công nghiệp (Tràng Duệ 3; Nam Tràng Cát; Giang Biên 2; Vinh Quang; Nhật Bản – Hải Phòng (Nomura)).
Cùng với đó, đề nghị Bộ Công Thương sớm nghiên cứu xây dựng Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Vùng Đồng bằng sông Hồng đặt tại Hải Phòng. Đề nghị Chính phủ sớm báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội thông qua các Đề án, Nghị quyết về: Báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 35 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hải Phòng; Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 35 của Quốc hội, trong đó đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội hơn và thành lập Khu thương mại tự do tại Hải Phòng để triển khai Nghị quyết số 45, Kết luận số 96 của Bộ Chính trị; Tổ chức chính quyền đô thị; sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; Thành lập thành phố trực thuộc thành phố tại huyện Thủy Nguyên và chuyển huyện An Dương thành quận…
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đánh giá cao TP Hải Phòng trong công tác phòng chống cũng như khắc phục thiệt hại do Bão số 3 gây ra. Biểu dương TP đã thực hiện đầy đủ các chỉ đạo của Trung ương, dành nguồn lực khắc phục thiệt hại do bão gây ra, giúp quá trình hồi phục nhanh chóng.
Đối với các kiến nghị, đề xuất của Hải Phòng, Phó Thủ tướng Thường trực ủng hộ và yêu cầu các bộ, ngành tạo điều kiện có hành lang pháp lý để thành phố triển khai, trở thành cú hích, giúp thành phố bứt phá trong nhiệm kỳ tới.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh Đề án về chính quyền đô thị của TP, Chính phủ cũng đã trình Quốc hội. Đối với kiến nghị của Hải Phòng về đường ven biển, Phó Thủ tướng Thường trực cho rằng cần nghiên cứu thêm để dự án trở thành đường cao tốc toàn tuyến thì mới phát huy được tối đa hiệu quả. Đồng thời, đánh giá tích cực về các kết quả của Hải Phòng trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là nông thôn mới và phát triển nhà ở xã hội phục vụ việc di dời 41 chung cư cũ, cấp độ D. Bên cạnh những kết quả đạt được, Hải Phòng cần lưu tăng tốc để đạt mục tiêu tốc độ tăng trưởng chưa đạt mục tiêu hai con số, giải ngân vốn đầu tư công và khắc phục khó khăn thu ngân sách đạt kế hoạch đề ra.
Bình luận (0)