Ngày 14-12, UBND tỉnh Bình Phước tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà dự và chỉ đạo hội nghị.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh sau hơn 25 năm kể từ ngày tái lập, từ một tỉnh nghèo nhưng đến năm 2024, quy mô nền kinh tế tỉnh Bình Phước tăng gấp 92 lần so với năm 1997.
Tốc độ tăng trưởng GRDP hơn 25 năm qua của Bình Phước luôn ở mức cao so với bình quân chung cả nước (đạt 8,5%/năm); thu nhập bình quân đầu người năm 2024 đạt 108,4 triệu đồng/người/năm; thu hút đầu tư nước ngoài lũy kế đến năm 2024 đạt gần 4,5 tỉ USD…
"Bình Phước được ví như nàng tiên xinh đẹp đang ngủ quên, cần phải đánh thức nàng tiên dậy" - Phó Thủ tướng ví von về tiềm năng của tỉnh.
Theo Phó Thủ tướng, Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 7-10-2022 của Bộ Chính trị đã đặt mục tiêu đưa Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển, có tiềm lực kinh tế mạnh, cơ cấu kinh tế hiện đại; là trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Quy hoạch tỉnh Bình Phước là một bước cụ thể hóa Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị, với tầm nhìn chiến lược, tổ chức không gian phát triển dựa trên tiềm năng tài nguyên, vị thế chiến lược. Đặc biệt, hệ thống hạ tầng liên vùng, xuyên Á sẽ kết nối không gian kinh tế TP HCM - Bình Dương - Bình Phước, cùng với đó là hành lang kinh tế Tây Nguyên - Đông Nam Bộ- Tiểu vùng Mê Kông.
Quy hoạch sẽ đưa Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển giàu mạnh và văn minh, trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của Vùng Đông Nam Bộ, là đầu mối kết nối kinh tế với khu vực Tây Nguyên, có không gian phát triển hài hòa giữa đô thị và nông thôn và là "điểm đến hấp dẫn" của vùng Đông Nam Bộ.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo với lợi thế của địa phương đi sau, quá trình thực hiện quy hoạch Bình Phước phải đồng bộ hơn, nhanh hơn, xanh hơn, bền vững hơn. "Đó cũng chính là suy nghĩ, trăn trở tôi muốn chia sẻ khi tỉnh triển khai quy hoạch" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bình Phước tập trung phát triển hệ thống hạ tầng kết nối liên vùng, vốn là điểm nghẽn lớn nhất cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, để chủ động đón làn sóng lan tỏa phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Bên cạnh đó, tập trung hoàn thành tuyến cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành vừa động thổ và cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành. Đẩy mạnh kết nối giao thông giữa 3 trục phát triển: Phía Đông (Chơn Thành - Bù Đăng); phía Tây (Chơn Thành - Lộc Ninh) và trung tâm (Đồng Phú - Phước Long).
Bình Phước cần có chiến lược thu hút các dự án, lĩnh vực đầu tư có công nghệ giá trị gia tăng cao, có lợi thế như: Chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ thông tin, chế biến nông sản…; phát triển các khu đô thị, khu công nghiệp theo mô hình xanh, tuần hoàn.
Bình Phước cần chú trọng thực hiện phân vùng đầu tư theo tiểu vùng sinh thái để vừa tận dụng lợi thế sức lan tỏa mạnh mẽ trong phát triển công nghiệp, đô thị của vùng TP HCM, Bình Dương vừa thực hiện tốt chức năng sinh thái của vùng, nhất là bảo vệ nguồn nước.
Bình Phước cần chú trọng mô hình phát triển đô thị theo hướng tuyến giao thông (TOD) đang được định hình. Thúc đẩy phát triển đô thị hiện đại theo tiêu chuẩn xanh, thông minh hài hòa với nông thôn bền vững, giàu bản sắc văn hóa.
Ngoài ra, Bình Phước cần thu hút các nhà đầu tư chiến lược để phát triển những tổ hợp du lịch có tính chất điểm nhấn, khai thác các lợi thế về thiên nhiên, sinh thái đặc sắc, giá trị văn hóa, địa danh lịch sử, du lịch nông nghiệp tại Đồng Phú, Bù Đăng, Phước Long và Lộc Ninh.
"Tôi đề nghị ngay sau hội nghị này, tỉnh khẩn trương xác định nội dung trọng tâm, tiến độ và nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án trong quy hoạch. Rà soát, điều chỉnh, triển khai các quy hoạch chi tiết, chuyên ngành, phân khu bảo đảm thống nhất, đồng bộ với quy hoạch tỉnh. Công bố công khai, rộng rãi các quy hoạch, xúc tiến đầu tư để thu hút những nguồn lực xã hội và để người dân thực hiện quyền giám sát" - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Bình luận (0)