Bộ Y tế vừa cấp phép lưu hành vắc-xin phòng bệnh sốt xuất huyết (SXH) tại Việt Nam. Vắc-xin này do hãng dược Takeda (Nhật Bản) sản xuất và lần đầu tiên sử dụng cho người từ 4 tuổi trở lên, bất kể đã hoặc chưa từng mắc bệnh.
"Lá chắn" phòng bệnh hiểm
Theo Bộ Y tế, đây là vắc-xin SXH đầu tiên được cấp phép tại Việt Nam cho cá nhân mà không cần xét nghiệm trước khi tiêm. Vắc-xin này có tên gọi là "Qdenga" và Hệ thống trung tâm tiêm chủng trẻ em và người lớn VNVC (viết tắt là VNVC) là đơn vị nhập khẩu về nước để bắt đầu phục vụ nhu cầu cộng đồng.
Qdenga là 1 trong 2 vắc-xin mới nhất được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tiền thẩm định (PQ) và vừa được Bộ Y tế Việt Nam cấp phép, là vắc-xin sống giảm độc lực được thiết kế để phòng ngừa cả 4 tuýp virus gây SXH. Kết quả từ các thử nghiệm lâm sàng cho thấy, Qdenga có hiệu quả cao trong việc phòng ngừa bệnh SXH có triệu chứng. Đó là 80% với SXH khẳng định bằng xét nghiệm (VCD) sau tiêm mũi 2 từ 30 ngày tới 18 tháng; 61,2% nếu theo dõi tới 57 tháng sau mũi 1 và ngăn ngừa bệnh SXH phải nhập viện (90% chống SXH phải nhập viện sau khi tiêm mũi 2 từ 30 ngày tới 18 tháng và 84% khi theo dõi tới 57 tháng sau mũi 1).
Vắc-xin này được khuyến cáo tiêm cho trẻ em từ 6 đến 16 tuổi tại các khu vực có tỉ lệ lưu hành dịch bệnh cao. Dự kiến vắc-xin SXH vừa được phê duyệt sẽ có mặt tại một số trung tâm tiêm chủng trong nước bắt đầu từ tháng 9-2024. Đến nay, vắc-xin do Takeda sản xuất đã được phê duyệt ở hơn 30 quốc gia, bao gồm Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh, Brazil, Argentina, Indonesia, Thái Lan và Malaysia. Hiện vắc-xin này cũng đã được phê duyệt và sử dụng cho chương trình tiêm chủng quốc gia tại Brazil và Argentina.
Trước đó, WHO đã đưa ra các khuyến cáo cụ thể về việc sử dụng vắc-xin phòng ngừa SXH nhằm định hướng cho các chương trình tiêm chủng, trong đó khuyến cáo chỉ sử dụng vắc-xin Qdenga cho các nhóm tuổi từ 6 đến 16 tuổi tại khu vực có tỉ lệ lưu hành bệnh cao. Đồng thời, WHO cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ các hướng dẫn tiêm chủng để bảo đảm hiệu quả và an toàn tối đa việc tiêm vắc-xin phòng bệnh SXH nên được coi là một phần của chiến lược. Theo chỉ định của Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA), vắc-xin này được phê duyệt dùng cho nhóm từ 4 tuổi trở lên, ngừa được cả 4 tuýp virus gây SXH là Dengue 1, 2, 3, 4, không phân biệt người đã từng mắc bệnh hay chưa.
"Phủ sóng" cộng đồng
Theo các chuyên gia, đây không phải là vắc-xin SXH đầu tiên đưa vào sử dụng trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Ở nước ta, năm 2011, nhóm nghiên cứu của Viện Pasteur TP HCM đã nghiên cứu vắc-xin SXH trên 2.336 trẻ 2-14 tuổi tại hai thành phố Long Xuyên (An Giang) và Mỹ Tho (Tiền Giang). Kết quả nghiên cứu ở cả Đông Nam Á và châu Mỹ cho thấy vắc-xin có hiệu quả phòng ngừa SXH ở trẻ 9-16 tuổi đã từng nhiễm SXH trước đó.
Từ kết quả trên, nhà sản xuất đăng ký lưu hành vắc-xin SXH ở nhiều nước, chỉ định phòng chống bệnh SXH do 4 tuýp huyết thanh của virus SXH. Khi đó, tại Việt Nam, nhóm nghiên cứu đã trình kết quả nghiên cứu lên Hội đồng Đạo đức (Bộ Y tế) chờ nghiệm thu và cấp phép.
Tuy nhiên, cuối năm 2017, một vụ tai biến liên quan đã xảy ra đối với vắc-xin Dengvaxia ngừa SXH ở Philippines làm một số trẻ em tử vong. Chính phủ Philippines đã đình chỉ việc sử dụng vắc-xin này. Sau sự cố ở Philippines, Việt Nam và nhiều quốc gia khác đã ngưng quy trình cấp phép cho vắc-xin này lưu hành. Việc phòng chống SXH tiếp tục được khuyến cáo với các biện pháp diệt bọ gậy, lăng quăng, diệt muỗi…
Nói rõ về loại vắc-xin SXH Qdenga vừa được Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu năm 2024, bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa VNVC, cho biết từ năm 2023, hãng dược Takeda và VNVC đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược nhằm sớm đưa vắc-xin SXH mới được đặc biệt chờ đợi này về Việt Nam. Vắc-xin Qdenga phòng SXH có hiệu lực bảo vệ hơn 80% chống lại cả 4 nhóm huyết thanh virus SXH, dành cho trẻ từ 4 tuổi trở lên. Lịch tiêm 2 mũi cách nhau 3 tháng. "Là đối tác chiến lược toàn diện, chúng tôi đã đàm phán để nỗ lực sớm đưa vắc-xin quan trọng này về phục vụ cho người dân và "phủ sóng" rộng trong hệ thống gần 200 trung tâm VNVC trên toàn quốc" - bác sĩ Chính nhấn mạnh.
Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, việc cấp phép sử dụng loại vắc-xin SXH mới này thuộc chủ trương của Bộ Y tế, hội đồng cấp phép cũng đã xem xét đánh giá về độ an toàn và tính hiệu quả của vắc-xin trước khi được vào sử dụng tại Việt Nam. "Ở nhiều quốc gia trên thế giới đã sử dụng, việc có thêm "vũ khí" mới phòng bệnh là một tin rất đáng mừng cho người dân" - PGS Trần Đắc Phu nói.
PGS-TS Phạm Quang Thái, Phó trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm - Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, cho rằng biến đổi khí hậu khiến số lượng bệnh nhân SXH ngày càng gia tăng, tạo áp lực và gây quá tải cho các cơ sở y tế. Với 4 tuýp gây bệnh, một người có thể bị SXH 4 lần với các tuýp khác nhau. Sau nhiễm bệnh, bệnh nhân sẽ có khả năng miễn dịch suốt đời với tuýp đã nhiễm, việc nhiễm sau đó với bất kỳ loại tuýp huyết thanh nào còn lại có thể làm tăng nguy cơ mắc SXH thể nặng. Do đó, bên cạnh kiểm soát véc tơ, phát hiện sớm ổ dịch, tổ chức điều trị hợp lý và tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị để quản lý bệnh SXH, giảm tỉ lệ tử vong. "Việc phê duyệt vắc-xin SXH giúp có thêm công cụ đặc hiệu góp phần phòng ngừa SXH" - PGS Thái nói.
20.000 ca mắc bệnh
Theo WHO, ước tính năm 2023, tại khu vực châu Mỹ đã ghi nhận hơn 4,1 triệu ca nghi ngờ mắc SXH, trong đó có hơn 6.700 ca nặng và hơn 2.000 ca tử vong. Tích lũy từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã ghi nhận gần 20.000 trường hợp mắc, 3 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2023 số mắc giảm 1,6 lần và số ca tử vong giảm 6 ca. Theo Bộ Y tế, xét nghiệm trên người bệnh cho thấy có cả 4 tuýp huyết thanh gây SXH Dengue, trong đó DEN-2 chiếm 88% tổng số ca nhiễm năm 2023 và 70% tổng số ca nhiễm năm 2024.
SXH có 4 nhóm huyết thanh gây bệnh, không tạo miễn dịch chéo nên mỗi người có thể mắc bệnh 4 lần trong đời và những lần mắc sau sẽ nặng hơn do sự ảnh hưởng của các phức hợp miễn dịch chéo. Nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời, người bệnh, đặc biệt là các đối tượng có nguy cơ cao như trẻ em, phụ nữ có thai, người mắc các bệnh mãn tính, béo phì có thể gặp các biến chứng nguy hiểm như tụt huyết áp, suy tim, suy thận, sốc mất máu, suy đa tạng, xuất huyết não, hôn mê… Với phụ nữ mang thai, SXH có thể gây suy thai, sinh non, thai chết lưu...
Bình luận (0)