Chị L. cho hay vì bận công việc nên chị không kịp nấu bữa tối cho gia đình. Chồng chị đã hâm lại thức ăn trong tủ lạnh để cả nhà cùng ăn. Đến đêm, bé đau bụng và ói liên tục, phải đưa đi cấp cứu sau một đêm vật vã.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM), cho biết ngộ độc thực phẩm gây ra các biểu hiện ở đường tiêu hóa như ói, đau bụng, tiêu chảy, sốt. Đôi khi, ngộ độc còn kèm theo các dấu hiệu khác như tê môi, co giật hoặc yếu liệt. Thời gian khởi phát triệu chứng có thể rất nhanh, từ 5 phút đến 24 giờ sau khi ăn nhưng thường rơi vào khoảng 6-8 giờ.
Khi bị ngộ độc thực phẩm, nếu triệu chứng nhẹ và trẻ vẫn khỏe mạnh, có thể theo dõi tại nhà. Cần bù đủ nước cho trẻ, cho ăn chế độ lỏng, dễ tiêu và chia nhỏ bữa ăn. Tuy nhiên, không nên tự ý dùng thuốc cầm tiêu chảy. Nếu trẻ xuất hiện các dấu hiệu như yếu liệt, tê môi, co giật; li bì; tiêu chảy nhiều lần, phân lỏng hoặc có máu trong phân; ói liên tục, không thể giữ lại thức ăn hoặc nước uống; bỏ ăn; sốt cao, khó hạ sốt… thì lập tức đưa đến cơ sở y tế kịp thời.
Trong dịp Tết, nguy cơ ngộ độc thực phẩm càng cao do nhu cầu tích trữ lượng lớn các loại thực phẩm để sử dụng dần. Ngoài ra, dịp Tết cũng khó kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm. Vì thế, nếu không biết lựa chọn và bảo quản đúng cách, thực phẩm sẽ dễ bị nấm mốc, ôi thiu, gây ngộ độc.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Võ Thanh Dinh, Phó Khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhân dân 115 (TP HCM), để đón Tết trọn vẹn, an toàn, cần phải chuẩn bị thực phẩm an toàn và bảo đảm dinh dưỡng. Đầu tiên, hãy lập danh sách các thực phẩm cần thiết, ưu tiên chọn thực phẩm tươi; ước lượng đủ dùng, tránh mua quá nhiều gây lãng phí. Khi mua thực phẩm, nên chọn mua tại các cửa hàng uy tín, kiểm tra độ tươi và nguồn gốc xuất xứ. Với thực phẩm chế biến sẵn, chú ý chọn những sản phẩm có bao bì nguyên vẹn, rõ ràng ngày sản xuất và hạn sử dụng. Đối với bánh kẹo và đồ ngọt, ưu tiên các sản phẩm ít đường và chất bảo quản để bảo vệ sức khỏe.
Bảo quản thực phẩm đúng cách rất quan trọng. Các loại thực phẩm tươi nên được lưu trữ trong tủ lạnh ở nhiệt độ thích hợp: 0-4 độ C cho ngăn mát và -18 độ C cho ngăn đông. Hiện nay, nhiều siêu thị và điểm bán thực phẩm uy tín vẫn hoạt động xuyên Tết, vì vậy nên chọn mua thực phẩm tươi hoặc trữ đông ngắn ngày thay vì trữ đông quá lâu.
Việc lựa chọn và bảo quản thực phẩm an toàn là rất quan trọng để phòng ngừa ngộ độc. Nên chọn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm vệ sinh và có giấy phép sản xuất. Rau, củ, quả tươi, không dập nát; thịt và cá cần có màu sắc tự nhiên, không ôi thiu hay có mùi lạ; thực phẩm chế biến sẵn phải có bao bì nguyên vẹn và hạn sử dụng rõ ràng. Bảo quản thực phẩm đúng cách, tách biệt thực phẩm sống và chín, không để thực phẩm đã nấu chín ở nhiệt độ phòng quá 2 giờ. "Tủ lạnh nên giữ nhiệt độ dưới 5 độ C và không rã đông thực phẩm ở nhiệt độ phòng. Cần chú trọng khâu nấu nướng, chế biến để tránh nhiễm khuẩn. Những biện pháp này giúp giảm nguy cơ ngộ độc thực phẩm và bảo đảm một mùa Tết an toàn cho gia đình" - một chuyên gia lưu ý.
Bình luận (0)