Phục hồi chức năng giúp mang lại kết quả sức khỏe tốt hơn, ngăn ngừa các biến chứng và giảm tỉ lệ tái nhập viện. Đồng thời phục hồi chức năng còn đóng góp hữu hiệu trong việc giúp nâng cao hiệu quả của các can thiệp y tế và phẫu thuật.
Hồi phục sau đột quỵ
Kể lại về quá trình tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng sau đột quỵ, chị Đ.T.V cho biết ba chị là ông Đ.T.T (70 tuổi, ngụ TP HCM) may mắn được đưa đến bệnh viện cấp cứu kịp thời. Tuy nhiên, di chứng sau đột quỵ khiến việc sinh hoạt của ba chị gặp nhiều khó khăn, nhất là việc đi lại. "Với sự hỗ trợ của các bác sĩ tại bệnh viện, sức khỏe ba tôi dần hồi phục và có thể tự ăn uống, vệ sinh cá nhân" - chị V. chia sẻ.
Bác sĩ Trần Thị Kim Tuyết, Khoa Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng, Bệnh viện Thống Nhất (TP HCM), cho biết đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 sau bệnh tim mạch vành, để lại di chứng hết sức nặng nề.
Vì vậy, đột quỵ là một trong số các bệnh có nhu cầu tập phục hồi chức năng cao. Đây được xem là bệnh lý đa tàn tật bởi có nhiều dạng khuyết tật khác nhau trong một người bệnh đột quỵ nên phương pháp phục hồi phải đa dạng, đa mô thức từ thuốc, can thiệp ngoại khoa, can thiệp phục hồi chức năng (bằng máy, tay, bài tập và chia ra nhiều giai đoạn).
Theo bác sĩ Tuyết, biến chứng sau đột quỵ có thể là teo cơ, cứng khớp; đau khớp vai, bán trật khớp vai bên liệt; loét tì đè; nhiễm trùng viêm phổi do hít sặc, xẹp phổi, nhiễm trùng đường tiết niệu… Tuy nhiên, phục hồi chức năng có thể phòng ngừa và điều trị các biến chứng, thương tật thứ cấp; xử trí các rối loạn, khiếm khuyết sau đột quỵ
"Phục hồi chức năng đột quỵ não càng sớm càng tốt (sau 24 giờ) khi các điều kiện về huyết động cho phép. Trong đó, chăm sóc phục hồi chức năng chi trên cho bệnh nhân đột quỵ cần phải chăm sóc toàn diện, tích cực và đưa ra các bài tập cá thể hóa trên từng người bệnh" - bác sĩ Tuyết lưu ý.
Thăm khám kỹ lưỡng
TS-BS Bùi Phạm Minh Mẫn, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM (cơ sở 3), cho biết thêm yếu liệt nửa người là một trong những di chứng nặng nề và tốn nhiều thời gian hồi phục nhất ở người bệnh sau đột quỵ. Nếu không được điều trị sớm thì mục tiêu đưa người bệnh trở lại sinh hoạt một cách bình thường sẽ rất khó khăn. Ngoài ra, một số trường hợp người bệnh do tổn thương tại não có thể gây nên một số vấn đề khác như nói khó, tiếp nhận thông tin kém, mất khả năng giao tiếp, liệt mặt, chóng mặt, mất ngủ, trầm cảm…Vì vậy, việc phát hiện và cấp cứu trong thời gian nhanh nhất, sớm nhất là cực kỳ quan trọng đối với các trường hợp đột quỵ. Tốt nhất là trong vòng 3 giờ đầu tiên kể từ khi phát hiện các biểu hiện của đột quỵ.
Sau đột quỵ, có một số phương pháp điều trị phục hồi như châm cứu; xoa bóp bấm huyệt; vật lý trị liệu - phục hồi chức năng... "Người bệnh sau đột quỵ khi điều trị phục hồi chức năng cần cân nhắc điều trị sớm trong vòng 3 tháng đầu tiên để đạt được hiệu quả tốt nhất. Vai trò chăm sóc của người nhà, nhân viên y tế về thể chất cũng như tinh thần cũng rất quan trọng, bảo đảm việc điều trị không bị gián đoạn" - bác sĩ Mẫn nói.
Theo bác sĩ Mẫn, người bệnh sau đột quỵ giai đoạn đầu cần được quan sát và thăm khám kỹ lưỡng để tránh phòng ngừa các biến chứng sau đột quỵ như loét tì đè, viêm phổi, nhiễm trùng tiểu... Do đó, việc nhập viện điều trị nội trú sẽ giúp người bệnh được chăm sóc tối đa bởi đội ngũ chuyên gia y tế, giúp tối ưu hóa điều trị.
Tạo sự thoải mái cho bệnh nhân
"Điều trị phục hồi sau đột quỵ là một quá trình đầy nỗ lực. Trong suốt quá trình này, người bệnh sẽ đối mặt với những thời điểm nản chí do không thể sinh hoạt như trước. Được tư vấn, hỗ trợ kịp thời từ nhân viên y tế trong quá trình điều trị nội trú sẽ giúp người bệnh có tinh thần thoải mái, duy trì tập luyện đều đặn, tăng cường hiệu quả điều trị; họ có thể nhận được sự đồng cảm và động viên từ những người bệnh có hoàn cảnh tương tự khác, tạo động lực cho nhau cùng cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn này" - bác sĩ Bùi Phạm Minh Mẫn lưu ý.
Bình luận (0)