Nhóm nghiên cứu đẫn dầu bởi nhà vật lý thiên văn Alec Lessing từ Đại học Starford (Mỹ) đã phân tích dữ liệu Hubble và phát hiện một vệt plasma rực lửa dài 3.000 năm ánh sáng, phát ra từ lỗ đen quái vật nặng gấp 6,5 tỉ Mặt Trời ở tâm thiên hà M87.
Vệt plasma nói trên trông như một con rồng lửa xanh sáng hay một tia lửa điện khổng lồ, phóng vụt ra từ lỗ đen và gây ra thảm họa cho mọi thứ trên và xung quanh đường đi.
Vệt xanh sáng đó chính là luồng phản lực nóng bỏng, năng lượng cao, được tạo ra như cú "ợ hơi" của lỗ đen sau khi nuốt vật chất.
Luồng phản lực kiểu này từng được quan sát nhiều lần. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên nó xuất hiện cùng một loạt vụ nổ bí ẩn.
Cụ thể hơn, các tác giả phát hiện một loạt hệ sao đôi gần đó đang tạo ra các vụ nổ tân tinh nhiều hơn mức bình thường.
Tân tinh thường xảy ra trong các hệ sao đôi sau khi một sao lùn trắng - "thây ma" của một ngôi sao chết - đánh cắp nhiên liệu hydro từ ngôi sao đồng hành.
Đôi khi vì quá no, sao lùn trắng sẽ phát nổ như quả bom hạt nhân khổng lồ và tống đi một phần khối lượng nhưng không chết hẳn như trong vụ nổ siêu tân tinh.
"Có điều gì đó mà tia phản lực đang làm với các hệ thống sao đang di chuyển vào khu vực lân cận" - TS Lessing nói.
Rất có thể luồng tia đã tống thêm nhiên liệu hydro vào các sao lùn trắng, khiến chúng mau no và phải giải phóng nhiên liệu thường xuyên hơn.
Tuy vậy, cũng có khả năng đó là do tác động của áp suất ánh sáng phát ra từ con rồng lửa, hoặc một thứ gì đó đã tăng gấp đôi tốc độ truyền vật chất từ ngôi sao đồng hành vào các sao lùn trắng.
Để trả lời câu hỏi này, các nhà khoa học sẽ cần soi vào không gian xung quanh các luồng phản lực khác từ các lỗ đen khác, để xem liệu chúng ảnh hưởng như thế nào với các dạng môi trường xung quanh khác nhau.
Tuy nhiên, rõ ràng rằng các cú "ợ hơi" của lỗ đen quái vật không đơn giản như chúng ta tưởng và có thể đóng nhiều vai trò hơn trong sự phát triển của vũ trụ.
Bình luận (0)