Chả vậy sao? Không giàu thì chúng lấy đâu tiền của để xây cho ông cái biệt thự nguy nga ngay giữa trung tâm thành phố? Ông cười khà khà, mắt long lanh, trong bụng lấy làm đắc ý. Ông tự thấy mình giàu thật.
Minh họa: HOÀNG CÚC
Nhưng người ta trầm trồ, tụng ca ông giàu có tiền bạc, còn ông thì thấy mình giàu có ở khía cạnh khác. Khía cạnh ấy ít người hiểu được.
Đều đặn mỗi sáng, ông dậy sớm thể dục, sau đó đạp xe đến chỗ làm việc. Thật bất ngờ nếu người ta biết, ông nhận làm bảo vệ ở một trường tiểu học đã mười năm nay. Xuân, hạ, thu, đông qua đi, mái tóc ông phơ phất bạc. Không thể chống lại dòng chảy thời gian, nhưng sự xốc vác của anh lính ngày nào vẫn hiển hiện trong tác phong của ông. Cây xà cừ vạm vỡ này chứng kiến biết bao kỷ niệm. Chỉ tiếc là ông không khả năng viết văn làm thơ chứ không thì ông sẽ cho ra đời hàng trăm trang sách từ cái kho ký ức quý báu của mình về những đứa trẻ đáng yêu.
Hồi trước, trong một cuộc xả súng ác liệt, đơn vị ông hy sinh gần hết, ông may mắn thoát khỏi tay của tử thần nhưng viên đạn găm trúng đầu làm ông mất trí nhớ. Ông chuyển qua nhiều nơi chốn đến mức không nhớ nổi, mình đã từng ở đâu, ở đâu? Mình sinh ra và lớn lên ở đâu?... Hình như số phận mỗi người đã được định sẵn, số ông phải cô độc chăng? Vợ ông mất sớm. Con trai ông lấy vợ được một thời gian lại quyết định đưa cả gia đình sang Mỹ định cư. Nó nằn nì thuyết phục ông đi cùng nhưng ông không nghe. Ông bảo: "Con người có tổ có tông. Như cây có cội, như sông có nguồn". Ông phải ở Việt Nam, ngọn lửa hy vọng tìm ra quê, trở về cố hương gặp mặt anh em họ hàng của ông chưa bao giờ lụi tắt. Ông cứ sống ở đất này, biết đâu một ngày nào đấy, anh em họ hàng sẽ tìm đến ông.
Một mình trong ngôi nhà thênh thang, vắng vẻ, ông buồn chân buồn tay vì chẳng có việc gì làm. Ông đi ra đi vào với gương mặt nhàu nhĩ. Rồi tình cờ ông biết một trường tiểu học trong thành phố tuyển bảo vệ. Ông quyết định chống lại cái số phận đơn thân lẻ bóng của mình. Ông hăm hở đạp xe đến gặp thầy hiệu trưởng xin làm bảo vệ của trường. Thấm thoắt, ông đã đảm nhiệm công việc ấy chục năm. Giờ con cái vời ông qua Mỹ chơi, ông cũng chẳng nỡ dứt việc ra mà đi. Một ngày không nghe tiếng trống trường, tiếng bọn nhóc nô đùa, lòng ông nhớ ghê lắm. Ông làm bảo vệ ở đây nhưng hàng xóm láng giềng chả mấy người biết, ai nghe ngóng biết được thì chép miệng bảo ông lão hâm hâm, sướng không biết đường sướng, ôm rơm cho nặng bụng.
Tiếng trống trường rộn rã, tưng bừng ngày khai giảng. Mới lạ gì đâu mà lồng ngực ông vẫn nguyên vẹn cảm xúc phấn chấn, vui mừng. Với vẻ mặt đầy kiêu hãnh, ông đứng chắp tay trước cổng nhìn lũ nhóc ùa vào sân trường hệt đàn bướm trắng tung tăng. Tự hào chứ, trường của ông là một trong những trường tốp đầu của thành phố cơ mà. Những đứa trẻ lớn khôn từ đây đều ngoan ngoãn, tự tin, phát triển đồng đều mọi mặt. Trong 5 khối, ông đặc biệt quan tâm đến bọn nhóc khối lớp 1. Chúng còn bỡ ngỡ, lạ lẫm nhiều thứ nên cần mọi người để ý chăm sóc nhiều hơn.
Phụ huynh ngồi đợi con ngoài cổng trường bàn tán ì xèo. Người thắc mắc về giờ tan học của các cháu. Người trách móc, than phiền về chuyện học thêm dạy thêm… Ông nghe thấy, lắc đầu buồn bã vì thái độ của họ. Con họ sao có thể học tốt khi lòng chúng không kính trọng thầy cô, khi bố mẹ chúng găm sẵn cho chúng những định kiến về thầy cô? Họ phải thăm dò nhau "đút lót", đi "đúng đường" để mong con mình được thuận lợi. Phây với chả búc! Người ta lai trym vài trường hợp thầy cô sai trái này nọ rồi đánh đồng cả đống. Chuyện tốt nhiều chẳng ai khen, chuyện xấu hé lộ tí thì lan truyền nhanh hơn tên lửa, thậm chí thổi phồng con kiến thành con voi.
- Các anh chị phải hiểu, nhà trường có lý do để cho các cháu tan học lúc 16 giờ 20 phút. Từng ấy khối lớp khác nhau, học sinh rất đông, không thể ùa ra cổng trường cùng một lúc. Nhà trường sẽ sắp xếp lớp nào tiến ra cổng trước, lớp nào ra sau, quy định đứng ở vị trí nào. Còn học sinh nào bố mẹ chưa đón được ngay, cô chủ nhiệm sẽ đưa vào hành lang ngồi đợi. Anh chị nên chủ động liên hệ, báo với cô chủ nhiệm nếu chưa đón được con ngay. Đừng mê mải làm ăn quá mà phó thác con cái cho thầy cô, phải kết hợp cùng nhà trường dạy dỗ các con. Đây là trường tốt nhất nhì thành phố đấy, các anh chị biết chưa.
Có những lúc không nhịn được, ông phải đứng ra giải thích. Tiếp xúc qua với ông, người ta có cảm giác ngài ngại vì sự khô cứng và hơi có phần "dạy đời" của ông. Nhưng các thầy cô và các em học sinh trong trường hiểu ông rõ hơn, lại thấy ông tốt tính, nhiều lúc còn hóm hỉnh, dễ thương. Ngày nào cũng có một nhóm học sinh phải ở lại sân trường chờ bố mẹ trong khi các bạn khác đã được về nhà. Ông thân với lũ nhóc này, vì lúc ấy ông không phải căng thẳng để mắt đến xe cộ và điều tiết dòng người ùn ùn ra vào. Ông có thể nhẩn nha chơi với chúng, nói chuyện vui vẻ cùng chúng. Chúng bảo giá mà có phòng đọc sách ở đây hoặc phòng thí nghiệm thì tốt, chúng sẽ làm nhiều thứ khiến ông phải bất ngờ. Ông cùng chúng sôi nổi bàn bạc xem sẽ sáng chế những thứ gì. Chưa làm, mới chỉ nói thôi mà chúng làm ông bất ngờ thật. Ông thuộc tên từng đứa, từ tên ở trường đến tên ở nhà. Gia Hân lớp 1 A7 là Bông, Minh Quân lớp 1 A3 là Sâu, Hoàng Hải lớp 1 A2 là Bo, Minh Ngọc lớp 1 A5 là Chíp… Chúng hỏi tên ở nhà của ông là gì để chúng biết đường gọi. Ông bứt tóc gãi tai rồi bảo, ông tên là Mầm Non. Chúng cười ngặt nghẽo, khen tên ông rất đặc biệt. Chúng thích cái tên Mầm Non của ông quá nên quên luôn hỏi tên ở trường của ông là gì. Từ đó, chúng gọi ông là ông Mầm Non.
Giống như các buổi chiều khác, nhóm về muộn quây quần bên gốc cây xà cừ dưới sự giám sát của ông Mầm Non. Chúng muốn chơi trốn tìm, ông đồng ý với điều kiện, khu vực trốn chỉ trong sân trường thôi. Oẳn tù tì xong, ông bị thua phải nhắm mắt. Tiếng cười rúc rích ở góc sân trường cho ông biết chúng nấp ở đó, ông rón rén bước chân lại gần.
- Òa!
Ông hô to một tiếng để trêu chúng. Bọn trẻ cười nghiêng ngả như được mùa.
- Huỵch!
"Ối ối"! Ông Mầm Non há hốc mồm, trợn tròn hai mắt, mặt ông tái đi. Thằng Sâu rơi từ trên cây xuống. Sao nó có thể trèo lên cây nhanh đến thế. Ông quên mất điều kiện "không được trèo lên cây". Ông chạy lại, bế xốc thằng Sâu lên. Khuỷu tay Sâu tỳ lên viên đá sắc lẹm, máu chảy be bét. Bác sĩ bảo đã khâu cho Sâu 4 mũi. Gia đình Sâu đến mắng ông sa sả, họ nhiếc móc ông bằng nhiều lời khó nghe, họ ép nhà trường phải kỷ luật và đuổi việc ông. Ông im lặng, mắt đỏ hoe nhìn Sâu đang được băng bó. Nhà trường gửi lời xin lỗi đến gia đình nhưng từ chối đuổi việc ông, vì đó chỉ là sự cố ngoài ý muốn, ông đã hết giờ làm việc, chỉ tự nguyện ở lại trông lũ nhóc.
Càng ngày ông càng nhớ thằng cháu nội. Năm nay nó bảy tuổi. Tết năm ngoái nó về bên ông nhưng cả ngày chỉ cắm đầu vào điện thoại, máy tính. Ông dụ gì nó cũng chẳng nghe. Ông bảo bố mẹ nó nhắc nhở con thì chúng xua tay, cứ để nó xem cho nó ngồi yên. Ông thẳng tay giằng cái điện thoại ra khỏi tay cháu, nó hét lên, nó ghét ông nội, về Mỹ không bao giờ gọi cho ông nội nữa. Tưởng trẻ con giận thoáng chốc, nào ngờ nó không gọi cho ông thật. Bố mẹ nó vẫn gọi cho ông đều đặn để báo, chúng đã chuyển thêm tiền vào tài khoản. Mới hôm rồi, chúng báo ông Tết năm nay chúng bận không về Việt Nam được.
Không biết vì thế hay do chuyện Sâu bị thương, nụ cười vắng trên môi ông. Mái tóc phơ phất bạc giờ thưa ra, mắt ông trũng sâu hơn. Bọn nhóc như hiểu ông có tâm sự, không đứa nào dám làm ồn ĩ. Chiều muộn trời trở gió, ông dặn lũ trẻ ngồi yên trong phòng bảo vệ cho khỏi lạnh, rồi lom khom ra đóng cửa sổ. Bỗng ông ngã vật, nằm sõng soài ngoài hành lang, hai mắt ông mở to ngước lên vòm cây đang nghiêng ngả trước gió.
- Ông Mầm Non ơi, ông đừng chết! Đừng chết!...
Lũ nhóc giàn giụa nước mắt. Chúng sợ ông chết, không còn ai chơi với chúng. Môi ông cố mấp máy như muốn nói: "Ông không sao, không sao". Nhưng chẳng thể cất lên lời. Khóe mắt ông từ từ ứa ra hai dòng lệ. Xe cứu thương xuất hiện, vội vàng đưa ông đi.
Lũ nhóc nhớ ông, mong gặp lại ông từng ngày. Thầy cô vỗ về chúng, rằng ông Mầm Non đã khỏe và sẽ trở lại trường. Nhưng mãi vẫn không thấy. Trường lớp của chúng bỗng dưng sửa sang, sơn phết lại như mới. Một thư viện đầy ắp sách mọc lên. Lại còn có cả phòng thí nghiệm với những đồ vật kỳ lạ mà chúng từng ước ao với ông Mầm Non.
Nghe nói ông Mầm Non đã bán ngôi biệt thự của mình rồi chuyển sang Mỹ ở với con cái. Được bao nhiêu tiền không biết nhưng ông chẳng mang theo đồng nào…
Khô cứng, dạy đời, hâm hâm, sướng không biết đường sướng, chỉ ôm rơm nặng bụng… Nhìn ông bề ngoài, hay mới tiếp xúc với ông, nhiều người nghĩ thế. Rõ oan cho ông lão bảo vệ trường - một thương binh còn mảnh đạn găm trong đầu.
Chỉ lũ học trò tiểu học hiểu rõ ông. Chúng gọi ông là ông Mầm Non. Không thật gần gũi, thân thiện, hòa nhập với chúng, dễ gì chúng gọi ông bằng cái tên dễ thương như vậy. Cái tên chứng tỏ sự giàu có - không phải của cải tiền bạc, mà là giàu có về tâm hồn, về tình thương yêu con người.
Không ai biết ông Mầm Non bán ngôi nhà của mình được bao nhiêu tiền. Người ta chỉ thấy mơ ước của ông, của những đứa học trò đã thành hiện thực: lớp học mới, thư viện, phòng thí nghiệm. Phải đợi đến cái dấu ba chấm (…) cuối cùng, mọi người mới hiểu được ông Mầm Non như lũ trẻ. Và đấy hẳn nhiên là thành công của người kể chuyện Trần Ngọc Mỹ.
TRẦN ĐỨC TIẾN
CÁC ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH:
Bình luận (0)