Sáng nay (6-12), HĐND tỉnh Phú Yên khai mạc kỳ họp cuối năm 2023.
Khai mạc kỳ họp, bà Cao Thị Hòa An, Phó bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Yên, nhìn nhận năm 2023, trong tình hình kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Phú Yên đã có bước tăng trưởng ấn tượng.
Có 16/17 chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế, xã hội đạt và vượt kế hoạch đề ra, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng. Trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 9,16% vượt kế hoạch (8%) tỉnh giao, đứng trong tốp 10 các tỉnh, thành phố cả nước có mức tăng trưởng tốt nhất.
"Đây là điểm sáng trong tăng trưởng; tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn, tổng kim ngạch xuất khẩu vượt kế hoạch đề ra; các lĩnh vực văn hóa - xã hội có những chuyển biến tích cực, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên; quốc phòng được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững" - bà An cho hay.
Đặc biệt, HĐND tỉnh ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của UBND tỉnh và các địa phương có liên quan, sự đồng thuận của bà con nhân dân trong việc thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn qua tỉnh Phú Yên.
"Với khối lượng thực hiện đạt khoảng 96%, Phú Yên là một trong những tỉnh thực hiện tốt nhất đến thời điểm hiện nay" - bà An cho biết thêm.
Thế nhưng, duy nhất 1 chỉ tiêu không đạt lại là chỉ tiêu quan trọng. Đó là chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước. Theo Báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế xã hội năm 2023 của UBND tỉnh Phú Yên, kế hoạch thu ngân sách tỉnh này trong năm 2023 là 8.000 tỉ đồng. Thế nhưng cho đến thời điểm hiện nay, thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 4.000 tỉ đồng, đạt 50% dự toán tỉnh giao, bằng 78,2% so với cùng kỳ năm trước.
Giải thích về nguyên nhân dẫn đến hụt thu ngân sách lớn trong năm 2023, ông Lê Tấn Hổ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, đã nhìn nhận có nguyên nhân khách quan. "Trong đó hụt thu chính là nguồn thu tiền sử dụng đất, do thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn; một số văn bản quy phạm pháp luật còn có sự chồng chéo, chưa đồng bộ, gây khó khăn trong giải quyết các thủ tục đầu tư xây dựng" - ông Hổ nói.
Tuy nhiên, ông Hổ cũng thẳng thắn nhìn nhận có nguyên nhân chủ quan là cấp ủy, chính quyền ở một số đơn vị, địa phương chưa thực sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Sự phối hợp giữa các ngành, địa phương trong công tác thông tin, tham mưu, đề xuất và tổ chức thực hiện nhiệm vụ còn thiếu chủ động, chưa đồng bộ, chặt chẽ.
"Trình độ, năng lực và ý thức trách nhiệm của một bộ phận đội ngũ cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu, còn có tâm lý né tránh, đùn đẩy trong triển khai nhiệm vụ" - ông Hổ đánh giá.
Phát biểu tại kỳ họp, ông Phạm Đại Dương, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, còn chỉ ra một số tồn tại ở tỉnh này cần giải quyết. Đó là tiến độ thi công các công trình trọng điểm còn chậm. Các khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án chưa được giải quyết dứt điểm.
Tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp so bình quân chung cả nước; một số dự án đầu tư ngoài ngân sách còn chậm tiến độ, chậm đưa vào sử dụng.
"Chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận, trực diện với những tồn tại, hạn chế để cùng quyết tâm tháo gỡ. Đặc biệt, cần tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giải quyết thấu đáo, chặt chẽ những kiến nghị của cử tri, của bà con nhân dân qua các kỳ tiếp xúc cử tri và tiếp công dân; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức các cấp, về cả đạo đức, năng lực và ý thức trách nhiệm" - ông Dương phát biểu.
Bình luận (0)