Theo Science Alert, một nghiên cứu mới đã tìm ra câu trả lời về từ trường bí ẩn của Ganymeda, mặt trăng lớn nhất của Sao Mộc và của cả hệ Mặt Trời, kích thước vượt cả hành tinh Sao Thủy và hành tinh lùn Sao Diêm Vương.
Hiệu ứng thủy triều từ Sao Mộc khổng lồ liên tục tác động lên Ganymede, giữ cho nó ấm và điều khiển từ trường.
Tuy nhiên, các quá trình địa chất chính xác xảy ra trong lõi - thứ ảnh hưởng lớn nhất đến từ trường - vẫn chưa được hiểu đầy đủ.
Nhóm tác giả từ Đại học Grenoble Alpes, Đại học Savoie Mont Blanc, CNRS, Đại học Gustave Eiffel và Đại học Aix Marseille (Pháp) đã thực hiện một nghiên cứu thực nghiệm, đưa ra mô hình động lực lõi khả thi cho Ganymede.
Đó là một phần lõi to lớn có "tuyết sắt" ở bên trong: Sắt nguội đi và kết tinh gần mép ngoài của lõi, nơi tiếp giáp lớp phủ, sau đó bị tan chảy và rơi xuống như tuyết vào trung tâm hành tinh, rồi lại tiếp tục vòng tuần hoàn.
Nói cách khác, lõi Ganymede y như những quả cầu tuyết mà con người hay dùng làm vật trang trí, nhưng tuyết bằng kim loại và liên tục được khuấy động bởi Sao Mộc.
Chu kỳ sắt "bay lên", kết tinh rồi lại tan chảy và rơi vào trong tạo nên chuyển động liên tục bên trong lõi và cung cấp năng lượng tạo ra từ trường.
Các thí nghiệm tiếp theo của nhóm đã chứng minh điều đó, song cũng chỉ ra hoạt động này có thể bị gián đoạn trong một số khoảng thời gian giữa các "vòng tuần hoàn", tạo nên quá trình rời rạc nhưng có tính chu kỳ.
Điều này khiến từ trường có thiên thể này liên tục dịch chuyển, "nhảy múa", mạnh lên, yếu đi và thay đổi hình dạng theo thời gian.
Ganymede cũng không phải là nơi duy nhất trong hệ Mặt Trời có thể có "tuyết sắt". Các nhà khoa học nghi ngờ Mặt Trăng của Trái Đất hay các hành tinh nhỏ như Sao Thủy và Sao Hỏa cũng có hiện tượng này.
Bình luận (0)