Theo dự đoán của các nhà khoa học, vào đêm 11, ngày 12-12, hàng triệu người ở châu Á, châu Âu và châu Mỹ sẽ được nhìn thấy "quái vật vũ trụ đỏ" Betelgeuse rơi vào tình huống "ngàn năm có một".
Betelgeuse là một ngôi sao siêu khổng lồ đỏ trong chòm Lạp Hộ, cách chúng ta khoảng 650 năm ánh sáng mà các nhà khoa học tin rằng sẽ phát nổ bất cứ lúc nào.
Nó là một trong những ngôi sao sáng nhất trên bầu trời, liên tục gây hoảng hốt trong những năm gần đây vì nhiều lần mờ đi rồi sáng lại.
Lật ngược lại cổ văn, các nhà khoa học nhận thấy quái vật vũ trụ này từng nhiều lần biến đổi.
Nó từng có màu vàng trong các ghi chép của Tư Mã Thiên, nhà bác học thời nhà Hán của Trung Quốc. Một cách độc lập, học giả người La Mã Hyginus 100 năm sau Tư Mã Thiên lại mô tả nó có màu sắc vàng cam như Sao Thổ.
Nhà bác học Hy Lạp - Ai Cập Claudius Ptolemaeus (khoảng năm 100 sau Công Nguyên) mô tả nó màu đỏ, trong khi một ghi chép thế kỷ XVI mô tả nó rất đỏ.
Hiện nay, rõ ràng nó là một con quái vật màu đỏ quạch. Những bất đồng màu sắc trong quá khứ chỉ ra một điều duy nhất: Nó đang đỏ dần và sắp phát nổ thành siêu tân tinh.
Thế nhưng, trong sự kiện sắp xảy ra đầu tuần tới, quái vật Betelgeuse dự kiến sẽ biến thành... màu đen. Nó sẽ trải qua một tình trạng tương tự nhật thực, cực hiếm gặp, theo AP.
Người dân các quốc gia Tajikistan, Armenia, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Ý, Tây Ban Nha, bang Miami và quần đảo Florida Keys của Mỹ, Mexico... dự kiến sẽ quan sát được hiện tượng.
Điều này xảy ra do sự xuất hiện của một tiểu hành tinh mang tên Leona, với hình dạng thuôn dài kỳ lạ.
Vào đầu tuần tới, Leona sẽ vô tình bay ngang tầm quan sát từ Trái Đất đến Betelgeuse, che khuất quái vật đỏ.
Sự kiện này chỉ kéo dài không quá 15 giây. Tuy nhiên bấy nhiêu cũng đủ để các nhà khoa học kỳ vọng sẽ hiểu thêm nhiều chi tiết về quái vật Betelgeuse lẫn Leona.
Không rõ Leona có đủ gây ra "nhật thực toàn phần" hay không, nhưng khả năng cao nhất là kiểu "nhật thực hình khuyên", khiến ngôi sao như biến hình thành một vật thể đen ma quái với vòng lửa viền xung quanh.
Theo nhà thiên văn học Gianluca Masa, người sáng lập Dự án Kính viễn vọng ảo, việc không chắc chắn sự kiện sẽ diễn ra như thế nào khiến nó càng trở nên hấp dẫn hơn.
Bạn có thể theo dõi sự kiện được truyền hình trực tiếp theo góc quan sát từ Ý thông qua website của Dự án Kính viễn vọng ảo: https://www.virtualtelescope.eu/
Bình luận (0)