Ngày 4-4, lãnh đạo UBND xã Phước Đồng, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa cho biết đang làm báo cáo gửi UBND TP Nha Trang về tình hình quản lý một số doanh nghiệp, cơ sở chuyên đón khách Trung Quốc trên địa bàn. Trong đó, có việc phát hiện cơ sở Đ.V chuyên bán hàng hóa cho khách Trung Quốc có hàng giả, hàng kém chất lượng. Cục Quản lý thị trường tỉnh Khánh Hòa đang lập hồ sơ vụ việc và dự kiến xử phạt cơ sở này 100 triệu đồng.
Khách Trung Quốc đến Nha Trang tăng mạnh
Theo Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, trong tháng 1-2024 có khoảng 73 chuyến bay/tuần từ các địa phương của Trung Quốc đến Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh; đến tháng 2-2024 đã tăng lên 101 chuyến bay/tuần. Hiện có 11 hãng hàng không khai thác các chuyến bay từ Trung Quốc đến Cam Ranh.
Liên quan tình trạng du khách Trung Quốc đi "tour 0 đồng" đến Quảng Ninh - vấn đề mà ngành du lịch Khánh Hòa cũng gặp phải hồi trước dịch COVID-19, lãnh đạo Hội Lữ hành Khánh Hòa cho rằng hiện nay, lượng khách Trung Quốc đến Khánh Hòa đa số phải trả tiền để đi du lịch. Phía Trung Quốc cũng đang siết chặt tình trạng đưa khách đi "tour 0 đồng".
Các đơn vị chuyên đón khách Trung Quốc hiện nay ở Khánh Hòa cũng có các chế tài như: đăng ký các điểm đến bắt buộc để giới thiệu phong cảnh, văn hóa Nha Trang; áp dụng bán tour ngay tại khách sạn để du khách có quyền lựa chọn chứ không bắt buộc đi theo lịch trình...
Ông Cung Quỳnh Anh, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, cho hay nhằm nâng cao công tác quản lý hoạt động lữ hành, tránh tình trạng người nước ngoài tham gia làm hướng dẫn viên, sở này đề nghị Sở Văn hóa - Thể thao chỉ đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của hướng dẫn viên tại các khu, điểm do đơn vị quản lý.
"Việc đưa khách Trung Quốc đến các điểm mua sắm, sở sẽ lưu ý, cẩn trọng. Vừa qua, thanh tra sở đã tập trung kiểm tra việc người nước ngoài tham gia hướng dẫn sai quy định. Đối với các cửa hàng phục vụ nhu cầu mua sắm của khách, các ngành cũng lúng túng vì chưa có hướng dẫn cụ thể. Sở Du lịch cấp biển hiệu đạt chuẩn phục vụ khách du lịch khi đơn vị đủ điều kiện theo quy định, còn chất lượng hàng hóa và thanh toán trực tuyến lại không phải chức năng của sở" - ông Quỳnh Anh nêu thực trạng.
Địa phương nào đang đón khách Hàn Quốc?
Theo lãnh đạo một số công ty du lịch, không chỉ khách Trung Quốc đi theo "tour 0 đồng". Nhiều du khách Hàn Quốc tới Việt Nam thời gian qua cũng đi theo dạng khép kín.
Giám đốc một công ty lữ hành ở TP HCM cho hay cách đây không lâu, công ty ông tham gia đấu thầu đón khách Hàn Quốc nhưng không cạnh tranh được với các công ty nước sở tại.
"Họ chỉ mời mình tham gia cho đúng quy định, còn giá đấu thầu của họ rất thấp do sử dụng chuỗi cung ứng khép kín từ ăn uống, lưu trú ở các nhà hàng, khách sạn của doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam. Dù chưa phát sinh "tour 0 đồng" đối với khách Hàn Quốc nhưng gần như các doanh nghiệp du lịch Việt Nam đang đứng ngoài dòng khách này" - giám đốc công ty này kể.
Đà Nẵng là một trong những địa phương đón nhiều khách Hàn Quốc. Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng, cho biết hiện thị trường khách Hàn Quốc chiếm cơ cấu lớn trong thị phần khách quốc tế của địa phương. Với thị trường khách này, địa phương không phổ biến "tour 0 đồng".
Mỗi ngày, Đà Nẵng đón khoảng 25 - 30 chuyến bay từ Hàn Quốc. Tuy nhiên, cơ cấu khách chủ yếu là khách lẻ, gia đình. Khách đi theo đoàn có nhưng không nhiều. Có đoàn đi tour chất lượng cao, có đoàn lựa chọn tour giá rẻ. "Gọi là rẻ nhưng không đồng nghĩa với chất lượng thấp mà bù đắp lại bằng tiền khách mua sắm và sử dụng các dịch vụ" - ông Dũng nói.
Ông Dũng khẳng định hiện tại không có khái niệm "tour 0 đồng" ở Đà Nẵng mà chỉ là tour giá rẻ. "Hiệp hội nhận thấy việc khách đi bằng tour giá rẻ không có gì nghiêm trọng. Chúng tôi vẫn đồng hành với các doanh nghiệp để làm sao hài hòa, thu hút càng nhiều khách đến Đà Nẵng càng tốt" - ông nhấn mạnh.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hoài An, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng, cho biết 80% khách Hàn Quốc đến thành phố này là khách lẻ nên ít xảy ra tình trạng tour giá rẻ. Để hạn chế những vấn đề tiêu cực xảy ra liên quan "tour 0 đồng", Đà Nẵng tăng cường kiểm tra các công ty lữ hành, hướng dẫn viên, yêu cầu làm đúng theo quy định của pháp luật.
Bà An khẳng định Đà Nẵng đang hướng đến việc vừa thu hút khách từ các đơn vị lữ hành vừa thu hút khách lẻ để giảm thiếu hụt trong thị trường. Bởi lẽ, nếu du lịch phụ thuộc nguồn khách từ lữ hành thì sẽ không bền vững.
Móng Cái tìm giải pháp quản "tour 0 đồng"
Trước thực trạng "tour 0 đồng" có dấu hiệu tái diễn, vừa qua, UBND TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức hội nghị triển khai các giải pháp tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động của các cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ phục vụ khách du lịch trên địa bàn.
Tại hội nghị, ông Hồ Quang Huy, Chủ tịch UBND TP Móng Cái, yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường quản lý hoạt động của các cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ phục vụ du khách nhằm bảo đảm môi trường kinh doanh du lịch lành mạnh, văn minh. Lãnh đạo TP Móng Cái đề nghị Hiệp hội Doanh nghiệp, Chi hội Du lịch lữ hành Móng Cái phối hợp chặt chẽ trong việc quản lý hội viên, thành viên tuân thủ các quy định về kinh doanh hàng hóa, dịch vụ phục vụ du khách.
Trước đó, đoàn kiểm tra liên ngành TP Móng Cái phát hiện cửa hàng Đại Dương Quốc mắc nhiều sai phạm trong hoạt động kinh doanh, trong đó có việc buôn bán hàng giả nhãn hiệu, không có nguồn gốc. Cửa hàng này mỗi ngày đón hàng ngàn lượt khách Trung Quốc đến mua sắm.
Trọng Đức
Ông NGUYỄN TRẦN HOÀNG PHƯƠNG, Chủ tịch HĐQT Công ty Golden Smile:
"Tour 0 đồng" không hẳn là tiêu cực
"Tour 0 đồng" là thực tế đang xảy ra đối với khách Trung Quốc, không chỉ ở Việt Nam mà còn tại một số nước khác. Do đó, quản lý khách Trung Quốc trong vấn đề "tour 0 đồng" là cần quản lý về giá cả, chất lượng hàng hóa, sản phẩm dịch vụ…
Nhu cầu của khách Trung Quốc thường là tham quan, nghỉ dưỡng và mua sắm. Các nước như Thái Lan, Hàn Quốc, Mỹ và một vài nước ở châu Âu cũng làm "tour 0 đồng" để thu hút khách Trung Quốc đến mua sắm. Đây có thể xem là một loại hình trong tour, chứ không hẳn là điểm tiêu cực. Do đó, ngành du lịch Việt Nam cần nghiên cứu,có giải pháp quản lý hiệu quả, phù hợp để vừa thu hút dòng khách này vừa đem lại hiệu quả cho du lịch Việt Nam.
Ông NGUYỄN QUỐC KỲ, Chủ tịch HĐQT Công ty Vietravel:
Phải mạnh tay với "tour 0 đồng"
Tỉ lệ khách quốc tế quay lại Việt Nam hiện rất thấp, muốn cải thiện cần quan tâm các chỉ số về độ sâu của thị trường; độ rộng, độ lớn của sản phẩm dịch vụ tại điểm đến; chỉ số đo về thương hiệu, uy tín của điểm đến, chất lượng hệ thống dịch vụ.
Khách Trung Quốc có vai trò quan trọng, đóng góp vào xu hướng phục hồi của du lịch Việt Nam sau dịch COVID-19. Tuy nhiên, cần có chiến lược bài bản và bền vững để khai thác hiệu quả thị trường khách này, trong đó phải mạnh tay với "tour 0 đồng".
"Tour 0 đồng" có thể nói là một dạng "bán phá giá thị trường". Du khách Trung Quốc khi đi "tour 0 đồng" được đưa vào các điểm mua sắm với giá đắt đỏ. Khi trở về, họ có thể hiểu sai hoàn toàn về du lịch Việt Nam và có thể không trở lại vì chỉ lừa khách được lần đầu.
Linh Anh ghi
Bình luận (0)