Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa đăng tải dự thảo thông tư quy định về dạy thêm, học thêm, thu hút sự quan tâm của người trong ngành, phụ huynh, học sinh lẫn dư luận.
Tuổi thơ bị đánh cắp
Dạy thêm, học thêm có "xấu" không? Câu hỏi này cũng đồng thời là nỗi muộn phiền của nhiều nhà giáo, học sinh và phụ huynh bao năm qua.
Dạy thêm, học thêm nếu trong sáng và thuần khiết thì có lẽ tiếng xấu đã chẳng đổ dồn và bức xúc của phụ huynh đã chẳng "dậy sóng" như lâu nay. Không ít lần dư luận đả kích hiện tượng dạy thêm với những biểu hiện tiêu cực: ép học sinh đăng ký lớp, gạ đề và nâng điểm; phân biệt đối xử giữa học sinh theo lớp ngoài giờ và không học thêm…
Thực tế cho thấy một bộ phận giáo viên đã bị khoản thu nhập tăng thêm vượt xa đồng lương chính khóa làm cho "lung lay" lý tưởng nghề nghiệp. Tất nhiên, để cầm được đồng tiền trong tay, người thầy phải đánh đổi thời gian, công sức, tâm trí và nhiều điều giá trị khác.
Dư luận phản ứng còn là bởi tuổi thơ của vô số học sinh bị "đánh cắp" một cách công khai và phũ phàng. Dù chỉ mới chập chững trước ngưỡng cửa lớp 1, nhiều em đã phải cắp sách đến lớp gò từng con chữ, bập bẹ đánh vần, mò mẫm làm toán.
Bước vào tiểu học, việc học thêm sau một ngày dài bán trú ở trường khiến khoảng thời gian ăn, ngủ, nghỉ, chơi bị cắt xén đến tận cùng. Lên trung học, các lớp học thêm văn hóa cuốn học sinh trôi mải miết theo những bài học "cày" trước chương trình...
Nhiều em học đến mụ mị cả người, thiếu hụt kỹ năng sống, hao khuyết cảm xúc và kết nối, là một thực tế đáng buồn.
Để việc dạy thêm trong sáng, học thêm chân chính
Theo dự thảo thông tư quy định dạy thêm, học thêm, giáo viên được phép dạy thêm cho chính học sinh của mình. Học sinh tiểu học không nằm trong đối tượng cấm dạy thêm, học thêm; không đưa nội dung dạy thêm vào bài kiểm tra trên lớp…
Nhìn nhận bản chất của vấn đề, có thể khẳng định dạy thêm, học thêm không xấu. Đó là nhu cầu có thực của giáo viên muốn tăng thu nhập và học sinh khao khát chiếm lĩnh tri thức nâng cao, mài dũa năng lực cho những đích đến cao hơn.
Tuy nhiên, thu nhập kiếm được từ các lớp dạy thêm cần được tạo ra bằng sự trong sáng của công việc, sự thỏa thuận hợp lý giữa người trao tri thức - người nhận tri thức và triệt tiêu hoàn toàn các biểu hiện tiêu cực, biến tướng.
Theo đại diện Bộ GD-ĐT, mục đích khi ban hành dự thảo mới về việc quản lý dạy thêm, học thêm là nhằm ngăn ngừa việc dạy thêm tiêu cực, bảo đảm chất lượng và quyền lợi của người học, bảo đảm quyền lợi của thầy cô. Điều này chưa đủ sức thuyết phục dư luận.
Vấn đề cốt yếu nữa cần tháo gỡ chính là không phải trẻ nào cũng học thêm, không phải giáo viên nào cũng mở lớp dạy thêm. Một khi dạy thêm, học thêm được nới lỏng, những học sinh lâu nay không học thêm có vô tình bị cuốn vào guồng quay của lịch học ngoài giờ? Kiến thức cần có trong chương trình có bị cắt xén để dạy lại, dạy tiếp ở lớp học thêm? Sự bất bình đẳng giữa học sinh học thêm và không học thêm có ngày càng sâu...?
Đặc biệt, nỗi lo ngại lớn nhất khi dạy thêm, học thêm tràn lan chính là học sinh đánh mất tư duy sáng tạo, mài mòn năng lực phản biện. Bởi lẽ, hầu hết các lớp dạy thêm dạy trước chương trình, dạy lại bài học còn lửng lơ trên lớp.
Nếu không chấn chỉnh tình trạng dạy thêm biến tướng và tiêu cực thì sẽ tạo ra những cỗ máy học để đạt điểm số cao chót vót, giật thành tích đứng đầu và ganh đua danh hiệu xuất sắc. Trong khi đó, tư duy phản biện, năng lực sáng tạo, kỹ năng tự học của học sinh sẽ bị mài mòn, triệt tiêu.
Bình luận (0)