Hàng loạt hỗ trợ, đầu tư vốn rất lớn đang “đổ bộ” vào lĩnh vực khởi nghiệp (KN) công nghệ tại Việt Nam.
Dồi dào nguồn vốn hỗ trợ
Theo ông Eddie O’Neil, Giám đốc Sản phẩm Nền tảng của Facebook, Facebook vừa khởi động năm thứ 3 của chương trình FbStart với 2 gói hỗ trợ cho các nhà phát triển ứng dụng di động có tiềm năng trên kho ứng dụng iOS hoặc Android. Gói Bootstrap trị giá 40.000 USD và gói Accelerate trị giá 80.000 USD bao gồm các công cụ và dịch vụ internet miễn phí (có thời hạn).
FPT Telecom cũng đã xây dựng mở rộng 2 trung tâm dữ liệu (Data Center) đạt chuẩn Uptime Tier III tại TP HCM và Hà Nội nhằm hỗ trợ mạnh cho các dự án KN trong nước. Theo đó, tùy quy mô của dự án, các trung tâm này sẽ hỗ trợ miễn phí từ 6 tháng đến 1 năm cho các dịch vụ như: hosting, đường truyền và cả máy chủ cho các dự án. Tuy nhiên, ông Vũ Anh Tú, Phó Tổng Giám đốc FPT Telecom, cho biết việc hỗ trợ này sẽ được thực hiện một cách chọn lọc, chỉ có những dự án KN hiệu quả, bền vững, tạo được ấn tượng mới nhận được đầu tư.
Từ tháng 5-2015, FPT đã ra mắt Quỹ Đầu tư khởi nghiệp (FPT Ventures), hoạt động như một nhà đầu tư và là nơi ươm mầm, cung cấp tiền mặt, nguồn lực, kỹ năng về công nghệ và kinh nghiệm quản lý cho các nhà KN. Chỉ trong vòng 4 tháng kể từ ngày nhận ý tưởng của nhà KN, quỹ sẽ đưa ra quyết định đầu tư và yêu cầu các nhà sáng lập cam kết trong vòng ít nhất 5 năm phải xây dựng thành công một công ty lớn. FPT Ventures cho biết chưa đầy một năm đã rót vốn trên 1 triệu USD cho các dự án được chọn.
Tại một hội thảo khoa học KN ngày 17-6-2016, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đã khẳng định TP sẽ bố trí gói tín dụng 1.000 tỉ đồng từ ngân sách TP để hỗ trợ các hoạt động KN. Tháng 5 vừa qua, Quỹ Đầu tư KN TP HCM được thành lập với số vốn ban đầu là 30 tỉ đồng. Lãnh đạo TP cũng cam kết sẽ tăng số vốn lên 100 tỉ đồng trong giai đoạn 2016-2020.
Chứng minh bằng sản phẩm
Các chuyên gia nhận định nguồn vốn đầu tư là thách thức lớn đối với các nhà KN để phát triển sản phẩm. Tuy vậy, những dự án khởi nghiệp này phải tự chứng minh chất lượng sản phẩm, tính hiệu quả cũng như khả năng phát triển lâu dài thì mới được các nhà đầu tư “để mắt” đến và một số dự án đã vượt qua rất nhiều đối thủ để nhận nguồn vốn hỗ trợ.
eDoctor là một ứng dụng di động tại Việt Nam cho phép hàng triệu người dùng dễ dàng truy cập những thông tin chăm sóc sức khỏe, kết nối với các bác sĩ, bệnh viện và hiệu thuốc. Ông Vũ Thanh Long, đồng sáng lập của Công ty eDoctor, cho biết khi phát triển ứng dụng này cung cấp cho khách hàng trải nghiệm đòi hỏi eDoctor phải hiểu cách khách hàng sử dụng ứng dụng. “Chúng tôi đã áp dụng tính năng phân tích trên Facebook dành cho các ứng dụng, có thể dễ dàng theo dõi những thay đổi trong hành vi khách hàng khi họ cập nhật trên ứng dụng. Chỉ trong hơn 2 tháng, số lượng người dùng đăng ký sử dụng eDoctor đã tăng 39% và lượng người dùng thường xuyên tăng tới 48%. Hiện eDoctor đã kết nối được hàng trăm bác sĩ và có trên 100.000 người tham gia dịch vụ chăm sóc sức khỏe qua tổng đài 19006115 và ứng dụng eDoctor” - ông Long nói.
AhaMove là dịch vụ vận tải theo yêu cầu dựa trên ý tưởng chia sẻ, kết nối khách hàng với các nhà cung cấp dịch vụ vận tải giúp tối ưu hóa chi phí cho người dùng. Người dùng AhaMove có thể dễ dàng đặt yêu cầu cho tài xế để chuyển bưu kiện và theo dõi hàng qua thiết bị di động. Ông Lương Duy Hoài - Giám đốc điều hành Giao Hàng Nhanh, đơn vị phát triển AhaMove được hỗ trợ vốn của FbStart - cho biết AhaMove đã sử dụng rất nhiều công cụ hỗ trợ từ các đối tác để xây dựng và phát triển sản phẩm hoàn thiện hơn.
Money Lover là một ứng dụng quản lý tài chính cá nhân thuần Việt, giúp người dùng quản lý ngân sách, theo dõi các khoản chi tiêu, nhắc nhở thanh toán hóa đơn cùng nhiều ứng dụng khác. Theo ông Ngô Xuân Huy, nhà sáng lập Money Lover, Money Lover đã tận dụng các sản phẩm của Facebook và các lợi ích của đối tác bên ngoài để phát triển ứng dụng và đạt được mục tiêu của mình. Lượng đăng ký ứng dụng của họ đã tăng thêm 60% chỉ trong 6 tháng.
Nguyên nhân nhiều nhà KN tại Việt Nam sớm “biến mất” hay không thu hút các nhà đầu tư là do mắc những khuyết điểm lớn. Chuyên gia KN Đỗ Hoài Nam nhận định: “Rất nhiều nhà KN sáng tạo Việt mới chỉ “giàu” đam mê nhưng lại “nghèo” kiến thức cơ bản. Muốn thành công, phải hiểu sâu và bươn chải để hiểu rõ từng “chân tơ kẽ tóc” về lĩnh vực KN, từ đó tìm ra những mảng hợp lý để phát triển ý tưởng, mài giũa thực tế để cam kết thuyết phục với nhà đầu tư về khả năng thành công, những rủi ro phát sinh trong quá trình phát triển ý tưởng.
Hỗ trợ 3.000 tỉ đồng
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái KN đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”. Đến năm 2020, hỗ trợ 800 dự án, 200 doanh nghiệp (DN) KN, trong đó 50 DN gọi được vốn thành công từ các nhà đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập với tổng giá trị ước tính khoảng 1.000 tỉ đồng. Đến năm 2025, hỗ trợ phát triển 2.000 dự án; 600 DN... với tổng giá trị ước tính khoảng 2.000 tỉ đồng.
Bình luận (0)