Ngày 11-5, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết vừa ban hành thông báo kết luận của ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, tại cuộc họp bàn việc bán vật liệu cát sau nạo vét của Dự án Nạo vét, thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò – TP Hội An.
Theo kết luận, ông Hồ Quang Bửu giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (gọi tắt là Ban Giao thông) tỉnh Quảng Nam tiếp tục chủ trì tổ chức thực hiện việc bán đấu giá vật liệu cát sau nạo vét.
Cụ thể, khẩn trương rà soát lại các nội dung chưa phù hợp (nếu có) trong phương án đấu giá đã duyệt; nghiên cứu việc có thể phân chia khối lượng bán đấu giá theo từng điểm bãi chứa hoặc theo lô, bán nhiều đợt để tổ chức bán đấu giá đảm bảo tính khả thi.
Về giá khởi điểm, giao Ban Giao thông làm việc với đơn vị tư vấn khảo sát thị trường, xác định giá và ban hành chứng thư thẩm định giá khởi điểm đảm bảo đúng quy định pháp luật hiện hành…
Đồng thời với việc tổ chức bán đấu giá, Ban Giao thông có trách nhiệm thông báo cho các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn có nhu cầu sử dụng cát sau nạo vét của dự án để phục vụ các công trình đầu tư từ nguồn vốn đầu tư công, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định.
Trước đó, ngày 7-7-2021, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành quyết định phê duyệt phương án quản lý, thu hồi, bán đấu giá nguồn vật liệu sau nạo vét sông Cổ Cò. Trong đó, quy định đấu giá trọn gói toàn bộ khối lượng tập kết tại các bãi chứa sau khi nạo vét lòng sông, với tổng khối lượng hơn 1,39 triệu m3 cát; giá khởi điểm 144.000 đồng/m3.
Ngày 14-12-2022, Ban Giao thông đề nghị Sở Tài chính xem xét tổ chức họp Hội đồng thẩm định và đề xuất giá khởi điểm mới để tổ chức bán đấu giá lại, lý do qua 2 lần tổ chức đấu giá vào tháng 10-2022 và tháng 11-2022 nhưng không có khách hàng đăng ký tham gia.
Các nguyên nhân được xác định là do khối lượng đấu giá một lần quá lớn, sau khi trúng đấu giá phải nộp ngay một khoản tiền lớn (gần 200 tỉ đồng) nên hạn chế khách hàng đăng ký tham gia, do không đủ khả năng tài chính.
Bên cạnh đó, vật liệu cát sau nạo vét nhiễm mặn, có nhiều tạp chất, không dùng được cho bê tông, vữa xây, chỉ dùng đắp nền, san lấp mặt bằng cho các khu đô thị, trong khi hiện nay các dự án xây dựng khu đô thị triển khai cầm chừng, nhu cầu vật liệu san lấp không cao.
Ngoài ra, khó khăn về giao thông, vận chuyển cát khi khách hàng trúng đấu giá (đường bê tông nhỏ nhưng xe vận chuyển tải trọng lớn); giao thông đi lại khó khăn, làm tăng chi phí vận chuyển.
So sánh với giá cát (cát đúc, cát xây), giá đất san nền trên địa bàn huyện Đại Lộc do Sở Xây dựng công bố, thì giá cát thu hồi để đấu giá 144.000 đồng/m3 là quá cao.
Ban Giao thông từng đề xuất hạ giá khởi điểm xuống còn 119.000 đồng/m3 cát nhưng Sở Tài chính cho rằng chưa đủ cơ sở. Ban Giao thông cũng từng đề nghị UBND tỉnh chuyển giao cho Sở Tài chính tổ chức bán đấu giá số cát trên nhưng qua nghiên cứu quy định, Sở Tài chính cho rằng ban thực hiện việc này phù hợp hơn.
Bình luận (0)