Sáng 5-10, ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đã chủ trì buổi họp với các sở, ngành và địa phương liên quan dự án Phát triển tích hợp thích ứng tỉnh Quảng Nam.
Ông Lê Văn Dũng cho biết tỉnh đang xúc tiến triển khai dự án Phát triển tích hợp thích ứng tỉnh Quảng Nam với các hợp phần: nạo vét sông Trường Giang, xây dựng 6 cây cầu bắc qua sông Trường Giang và công trình thoát lũ TP Tam Kỳ.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp đang nghiên cứu đầu tư dự án khu đô thị sông Đầm (TP Tam Kỳ), nâng cấp sân bay Chu Lai (huyện Núi Thành).
Đây là các dự án hết sức ý nghĩa với tỉnh, nếu triển khai thực hiện được thì Quảng Nam sẽ có cơ hội phát triển tốt; cả vùng Thăng Bình, Duy Xuyên, Tam Kỳ khắc phục được tình trạng ngập lụt, giúp kết nối liên vùng 2 bên sông Trường Giang...
"Mục đích chính của buổi họp là làm thế nào tập trung giải phóng mặt bằng (GPMB), phải tính ngay từ ban đầu thì các dự án này mới triển khai thực hiện được. Rút kinh nghiệm một số dự án vay ODA, khi triển khai thực hiện bị thu hồi lại vốn do GPMB không được. Chúng ta làm trước khâu GPMB sẽ tạo điều kiện thuận lợi sau này" – ông Dũng đặt vấn đề.
Theo báo cáo của Ban Quản lý dự đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam (chủ đầu tư), dự án Phát triển tích hợp thích ứng tỉnh Quảng Nam được triển khai trên địa bàn TP Tam Kỳ và các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 2.722 tỉ đồng, trong đó vốn vay ODA từ Ngân hàng Thế giới (WB) khoảng 1.838 tỉ đồng, vốn đối ứng khoảng 884,196 tỉ đồng.
Dự án ảnh hưởng khoảng 1.068 hộ gia đình do thu hồi đất. Trong đó, 796 hộ sẽ bị ảnh hưởng trên 20% tổng diện tích đất canh tác và ảnh hưởng vĩnh viễn khoảng 159 căn nhà chính, dẫn đến phải di dời 272 hộ dân. Trong đó, 126 hộ phải xây dựng lại nhà trên diện tích đất còn lại, 146 hộ cần di dời đến các khu tái định cư.
Chủ đầu tư tính toán sẽ hoàn tất các thủ tục và công tác chuẩn bị, dự kiến khởi công công trình đầu tiên vào tháng 9-2025.
Ông Trần Nam Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho rằng dự án sử dụng vốn vay ODA, vì vậy khâu bồi thường, GPMB là hết sức quan trọng để dự án triển khai theo đúng tiến độ, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Ông Hưng nhấn mạnh đây là dự án "trọng điểm của trọng điểm", các địa phương phải xem đây là nhiệm vụ rất quan trọng, cần phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc chỉ đạo quyết liệt.
Kết luận cuộc họp, ông Lê Văn Dũng biểu dương Ban Quản lý dự đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam và các địa phương đã chủ động triển khai công việc bước đầu, nhất là quản lý hiện trạng.
Tuy nhiên, đây chỉ là bước khởi đầu, công việc còn lại rất nhiều, đòi hỏi quyết tâm chính trị cao. Ông Dũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương hành động quyết liệt, tập trung thực hiện đền bù, GPMB để sớm khởi công dự án vào tháng 10-2025, chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXIII.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam lưu ý quá trình thực hiện phải đảm bảo ít tác động đến cuộc sống người dân; tránh tình trạng di dời, GPMB khiến đời sống người dân khó khăn. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận thực hiện dự án; tập trung quản lý hiện trạng, không để xảy ra tình trạng cơi nơi, xây dựng công trình trái phép để chờ đền bù…
Đối với việc xây dựng các cây cầu, ông Lê Văn Dũng yêu cầu phải đảm bảo cả về mặt kỹ thuật lẫn mỹ thuật, công trình phải đẹp, gắn với phát triển đô thị, du lịch…
Bình luận (0)