Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Quảng Ngãi, toàn tỉnh có 110 dự án chậm tiến độ, trong đó có 28 dự án chưa được giao đất. Còn lại 81 dự án chậm (14 dự án trong khu kinh tế Dung Quất, 67 dự án ngoài khu kinh tế) có 24 dự án đã cho thuê đất, 57 dự án chưa cho thuê đất.
Dự án ngàn tỉ bỏ hoang
Dự án khu đô thị (KĐT) Dung Quất (có vốn đầu tư 2.025 tỉ đồng) trong nhiều năm qua chỉ là bãi đất trống, dù dự án đã được chính quyền cấp đất gần chục năm trước.
Ông Nguyễn Hiếu Trung (ngụ thôn Trung An, xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), cho biết trước đây toàn bộ bãi đất trống rộng hàng trăm ha này là đất canh tác của bà con ở xã Bình Thạnh. Cách đây 7-8 năm, địa phương thu hồi, bàn giao cho chủ đầu tư thực hiện dự án. "Nhưng từ khi thu hồi đất, không thấy ai triển khai xây dựng dự án. Trong khi đất đai bỏ từ năm này sang năm khác, bà con xung quanh lại không có đất canh tác" - ông Trung nói.
Ông Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh, cho biết dự án KĐT Dung Quất có diện tích 496 ha. Trong đó, giai đoạn 1 hơn 319 ha, giai đoạn 2 hơn 176 ha, thời gian hoạt động dự án là 50 năm. Hiện địa phương đã thu hồi gần 170 ha giao cho Công ty CP Hoàng Thịnh Đạt (chủ đầu tư) từ năm 2015. "Từ đó đến nay, chủ đầu tư hầu như không triển khai. Nhiều lần trong các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân kiến nghị đưa dự án trên địa bàn vào hoạt động càng sớm càng tốt. Bà con ủng hộ dự án nhưng mong đẩy nhanh tiến độ, giải quyết công ăn việc làm, tránh lãng phí đất đai" - ông Dũng cho biết.
Tương tự, dự án khu du lịch (KDL) Thiên Đàng (vốn đầu tư trên 1.800 tỉ) dù đã được cấp phép gần 20 năm, trên diện tích hơn 100 ha hiện cũng đang bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm.
Theo Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi, dự án KDL Thiên Đàng triển khai giai đoạn 1 gần 200 tỉ đồng và đã đưa vào sử dụng, khai thác vào các năm 2006 và 2007 rồi dừng hoạt động. Còn giai đoạn 2 của dự án thực hiện vào năm 2007 và 2008, dự kiến đưa vào khai thác năm 2009 đã không thành nên điều chỉnh hoàn thành vào năm 2012. Từ 2018 đến nay, nhà đầu tư chỉ xây dựng một số công trình trên diện tích hơn 74 ha, không như cam kết nên không hoàn thành dự án.
Đáng nói, dự án KDL Thiên Đàng được tỉnh Quảng Ngãi thay đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hàng chục lần. Năm 2021, Quảng Ngãi quyết định thanh tra toàn bộ dự án này. Thanh tra xác định, doanh nghiệp vi phạm tiến độ liên tục trong 11 năm nhưng Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất không lập thủ tục xử lý vi phạm hoặc kiến nghị cơ quan thẩm quyền xử lý, dẫn đến hệ quả dù dự án tiếp tục vi phạm tiến độ nhưng khó xử lý chấm dứt.
Gặp nhiều vướng mắc
Ông Nguyễn Văn Trọng, Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Quảng Ngãi, cho biết nguyên nhân khách quan khiến các dự án chậm tiến độ là vướng mắc đất đai, một số dự án Nhà nước thu hồi đất vướng thủ tục dẫn đến kéo dài; số khác quy hoạch xây dựng thay đổi, phải thực hiện theo kết luận của thanh tra, kiểm tra... Một số dự án chậm tiến độ do nhà đầu tư chây ì.
Theo thống kê, từ năm 2021 đến nay, tỉnh Quảng Ngãi đã thu hồi 61 dự án chậm tiến độ. Tuy nhiên, việc xử lý các dự án chậm tiến độ còn gặp vướng mắc bởi Luật Đầu tư năm 2014 quy định các dự án sau 12 tháng không thực hiện sẽ thành lập tổ kiểm tra, tham mưu chấm dứt dự án. Nhưng Luật Đầu tư 2020 lại không có điều khoản này. Từ đó, nhiều dự án không thực hiện nhưng cũng chẳng thể chấm dứt. Ngoài ra, một số dự án chậm, nhà đầu tư đã thi công trên đất rất lớn, cần có thời gian để giải quyết hệ quả thấu tình đạt lý.
Ông Nguyễn Đức Trung, quyền Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh Quảng Ngãi, cho biết thực tế việc thu hồi đất đối với các dự án quá thời hạn không hề đơn giản. Từ năm 2019 đến nay, Sở TN-MT đã thanh tra 13 dự án, chấm dứt 3 dự án. 10 dự án đề nghị xem xét gia hạn vì chậm khách quan do vướng mặt bằng... Về quy trình chấm dứt dự án chậm tiến độ, luật quy định nhà đầu tư được gia hạn 24 tháng. Do đó, muốn xử lý phải thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch.
"Hàng loạt dự án ở Khu kinh tế Dung Quất chậm tiến độ, có dự án chậm 4-5 năm, có dự án trên 10 năm. Đơn cử, dự án KDL Thiên Đàng, nhiều năm qua tỉnh đã bàn giải pháp xử lý nhưng vẫn chưa "chốt" được là hỗ trợ nhà đầu tư tiếp tục hoạt động hay chấm dứt dự án" - ông Trung nói.
Ông Trần Phước Hiền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, thừa nhận hơn 100 dự án chậm tiến độ là những tồn tại, hạn chế trong quản lý nhà nước của tỉnh Quảng Ngãi. "Tỉnh đã tổ chức làm việc với từng dự án cụ thể. Đối với dự án đang trong giai đoạn thực hiện nhưng phát sinh vướng mắc, tỉnh sẽ đồng hành với nhà đầu tư, giải quyết vướng mắc, bảo đảm đúng quy định pháp luật. Còn những dự án nhà đầu tư không bảo đảm năng lực, không thực hiện, tỉnh sẽ kiên quyết xử lý" - ông Hiền nói.
Bà Bùi Thị Quỳnh Vân, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, cho biết Tỉnh ủy đã có chỉ đạo xử lý, giải quyết các dự án chậm tiến độ. Quan điểm của tỉnh, các dự án gặp vướng mắc thủ tục, pháp lý cần được rà soát lại, để có hướng xử lý. "Không để đến thời điểm thanh tra, kiểm tra mới xác định, công bố dự án chậm tiến độ. Phải kiểm tra, công bố công khai đối với những dự án chậm triển khai thực hiện... và có giải pháp xử lý" - bà Vân nói.
Bình luận (0)