Cơn bão số 3 (siêu bão Yagi) là cơn bão lớn gây ra những thiệt hại nặng về cơ sở vật chất phục vụ du khách, khiến việc đón tiếp khách tham quan trên vịnh Hạ Long phải tạm dừng.
Những ngày qua, Ban Quản lý Vịnh đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương khẩn trương tập trung lực lượng khắc phục thiệt hại do cơn bão gây ra.
Đến nay, một số điểm tham quan đã đủ điều kiện đón tiếp, phục vụ khách du lịch. Ban Quản lý vịnh Hạ Long thông báo việc tổ chức đón tiếp, phục vụ khách tham quan tại các điểm đủ điều kiện là: Tuyến 1 (Điểm tham quan Thiên Cung - Đầu Gỗ); tuyến 2 (Điểm tham quan Sửng Sốt, Hang Luồn, Ti Tốp); tuyến 5 (trừ Ba Hang).
Bên cạnh đó, các điểm lưu trú nghỉ đêm cũng đã đủ điều kiện để đón khách là: Hòn 587 - nhà Lát - hang Luồn; điểm trung chuyển xuồng cao tốc Hòn Cát Lán.
Cũng theo Bản Quản lý vịnh Hạ Long, hiện các điểm tham quan còn lại trên vịnh Hạ Long, Ban Quản lý Vịnh đang tiếp tục huy động tối đa lực lượng để khẩn trương khắc phục hậu quả sau bão và sẽ thông báo tổ chức đón tiếp khách trở lại trong thời gian sớm nhất.
Cũng trong ngày 13-9, nhằm phục hồi ngành du lịch nhanh chóng sau bão, tại cuộc họp với các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn, ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, khẳng định tất cả những khó khăn của doanh nghiệp du lịch, tỉnh sẽ chỉ đạo tháo gỡ ngay. Sẽ tổ chức chiến dịch 3 ngày làm sạch vịnh Hạ Long để đón khách du lịch trở lại sau bão số 3.
Theo báo cáo, hầu hết các cơ sở lưu trú trên bờ đều bị thiệt hại liên quan đến vỡ kính, vỡ ngói, hỏng, đổ cây xanh, cột đèn trong khuôn viên; hệ thống điện, điều hòa, nước của nhiều cơ sở bị thiệt hại nặng, tập trung nhiều ở địa bàn Hạ Long, Vân Đồn, Cẩm Phả, Cô Tô; có 27 tàu du lịch và 4 tàu chuyển tải bị đắm; hạ tầng tại Cảng Tàu khách quốc tế Tuần Châu hư hỏng phần mái, các văn phòng trụ sở làm việc, đón tiếp khách của các doanh nghiệp tại cảng đều bị hư hỏng. Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long bị trôi dạt toàn bộ phần pontong bến số 3…
Để sớm khôi phục hoạt động dịch vụ - du lịch, ngay sau bão, các đơn vị đã bắt tay ngay vào khắc phục, mục tiêu sớm nhất là đảm bảo các điều kiện để đón khách. Tuy nhiên, công tác tổ chức khắc phục gặp khó khăn do chưa có điện, nước; hệ thống viễn thông…
Các doanh nghiệp đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo, hỗ trợ công tác khắc phục sau bão; tiếp tục tổ chức các chương trình xúc tiến du lịch, rà soát đưa thêm một số điểm tham quan mới vào khai thác nhằm giảm tải cho các khu vực truyền thống. Bên cạnh đó, tiến hành trục vớt ngay các tàu chìm đắm nhằm đảm bảo hoạt động vận tải ổn định, an toàn; có các chính sách giãn, hoãn các khoản nợ từ ngân hàng, chậm nộp bảo hiểm xã hội…
Chia sẻ với những khó khăn của các đơn vị, doanh nghiệp, để lĩnh vực dịch vụ - du lịch phục hồi nhanh nhất, tạo điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn đối với du khách; khẳng định tinh thần tự lực, tự cường của tỉnh, ông Cao Tường Huy mong muốn các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ - du lịch chung tay, đồng hành cùng tỉnh tập trung khắc phục trong giai đoạn khó khăn này.
"Ngay sau bão, UBND tỉnh đã trực tiếp gặp gỡ các doanh nghiệp dịch vụ - du lịch, điều này thể hiện sự trăn trở, lo lắng của tỉnh đối với ngành kinh tế mũi nhọn này. Quan điểm xuyên suốt đó là mục tiêu, chỉ tiêu về dịch vụ - du lịch sẽ kiên định, giữ nguyên theo kế hoạch để đóng góp vào tăng trưởng chung của tỉnh" - ông Cao Tường Huy nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các sở, ngành liên quan tập trung khắc phục ngay các sự cố; ưu tiên cấp điện, viễn thông, kịp thời xử lý các vấn đề về vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm để thực hiện việc đón khách. Đặc biệt, triển khai ngay chiến dịch 3 ngày làm sạch Vịnh Hạ Long để thu gom rác thải, chỉnh trang hạ tầng, thực hiện trục vớt ngay các tàu bị chìm, huy động các tổ chức, đoàn thể cùng vào cuộc.
Đồng thời, thực hiện rà soát, quản lý chặt chẽ các loại giá, đảm bảo việc cung cấp thực phẩm, nhu yếu phẩm; khôi phục ngay các hoạt động tham quan, lưu trú tại các khu vực đủ điều kiện trên vịnh Hạ Long, hoạt động vận tải chở khách du lịch ra các tuyến đảo; tăng cường quảng bá tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh.
Đối với các đề nghị từ các doanh nghiệp dịch vụ - du lịch, yêu cầu Sở Tài chính xây dựng phương án hỗ trợ giá nước; Sở GTVT hỗ trợ công tác trục vớt tàu du lịch bị chìm đắm. Thông tin ngay các chính sách miễn thuế, giảm thuế theo quy định hiện hành của Nhà nước.
Để đồng hành cùng doanh nghiệp, Quảng Ninh sẽ kiến nghị ngay với Chính phủ các chính sách về ngân hàng bao gồm khoanh nợ, giãn nợ, hoãn nợ, giảm lãi suất cho vay, cho vay mới đối với các doanh nghiệp thiệt hại; đề nghị giảm giá điện, thuế, bảo hiểm…
Bình luận (0)