Ông Lê Đức Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, khẳng định như vậy trong cuộc trao đổi với Báo Người lao Động về chiến lược phát triển hạ tầng giao thông của tỉnh này.
* Phóng viên: Tiến độ các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh Quảng Trị hiện nay ra sao, thưa ông?
- Ông Lê Đức Tiến: Tỉnh có 5 dự án hạ tầng giao thông trọng điểm được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất danh mục cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện.
Cụ thể, Dự án Khu bến cảng Mỹ Thuỷ, có tổng vốn đầu tư dự án 14.234 tỉ đồng, đang triển khai giao khu vực biển và vị trí đổ chất nạo vét, thu hồi cát nạo vét trong quá trình thi công dự án. Địa phương đang giải phóng mặt bằng và các thủ tục liên quan.
Dự án Cảng hàng không Quảng Trị với quy mô sân bay dân dụng cấp 4C và sân bay quân sự cấp II, tổng diện tích 316,6 ha. Trong đó, giải phóng mặt bằng được đầu tư theo hình thức đầu tư công có tổng vốn là 233,103 tỉ đồng; Xây dựng Cảng hàng không theo hình thức PPP có tổng mức đầu tư là 5.821,073 tỉ đồng. Hiện công tác giải phóng mặt bằng đã được UBND tỉnh giao cho UBND huyện Gio Linh thực hiện, dự kiến bàn giao cho nhà đầu tư vào quý I-2024.
Đơn vị trúng thầu dự án này là Liên danh Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển hạ tầng giao thông T&T - Công ty Cổ phần Tập đoàn CIENCO4.
Dự án đường ven biển kết nối hành lang kinh tế Đông - Tây có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là hơn 2.000 tỉ đồng, thực hiện từ 2021 đến 2026. Quy mô đầu tư là 48km. Các địa phương đang đẩy nhanh công tác áp giá, công khai, phê duyệt phương án đề bù, phấn đấu hoàn thành bàn giao mặt bằng từng đợt cho nhà thầu thi công.
Dự án đường tránh phía Đông TP Đông Hà, đoạn 4,2 km từ nút giao đường Nguyễn Hoàng đến Nam cầu sông Hiếu, đã hoàn thành bàn giao cọc giải phóng mặt bằng cho chính quyền địa phương và Trung tâm phát triển quỹ đất TP Đông Hà.
Dự án đường cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo có chiều dài dự kiến là 70km, quy mô mặt cắt ngang 4 làn xe và tiến trình đầu tư là trước năm 2030. Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). UBND tỉnh đã giao Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Công ty này đang nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ đề xuất dự án để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét.
* Tỉnh Quảng Trị đang khẩn trương huy động các nguồn lực xây dựng Cảng Hàng không Quảng Trị. Đến nay, việc triển khai thực hiện ra sao và dự án này có ý nghĩa như thế nào trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh?
- Dự án thành phần 2 - Xây dựng Cảng hàng không thuộc dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà đầu tư. Hiện nay, Nhà đầu tư và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh đang gấp rút tiến hành các thủ tục thành lập doanh nghiệp dự án; đàm phán, hoàn thiện hợp đồng theo quy định. UBND tỉnh đang tích cực chỉ đạo UBND huyện Gio Linh khẩn trương hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, đôn đốc nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục để khởi công xây dựng đầu năm 2024. Thời gian chuẩn bị dự án và đầu tư xây dựng là 24 tháng, dự kiến đưa vào khai thác sử dụng vào cuối năm 2026.
Cảng hàng không Quảng Trị là một dự án trọng điểm của tỉnh Quảng Trị, có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Khi đi vào hoạt động, Cảng hàng không Quảng Trị sẽ là cầu nối quan trọng giữa Quảng Trị với các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế; tạo thuận lợi cho giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội và thu hút đầu tư, du lịch. Ngoài ra, cảng hàng không cũng giúp kết nối Quảng Trị với các trung tâm du lịch lớn trong nước và quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển công nghiệp, nông nghiệp của tỉnh.
Bên cạnh đó, cảng hàng không sẽ tạo ra hàng nghìn việc làm trực tiếp và hàng chục nghìn việc làm gián tiếp cho người dân trên địa bàn tỉnh.
* Cảng Mỹ Thủy sau nhiều năm vẫn chưa thể khởi công, ông có thể cho biết lý do và giải pháp gì để dự án sớm triển khai? Khi cảng này đi vào hoạt động sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với tỉnh?
- Nguyên nhân dẫn đến chậm triển khai xây dựng Cảng Mỹ Thủy là do nhà đầu tư phải tái cấu trúc doanh nghiệp; tình hình dịch bệnh COVID-19 phức tạp gây khó khăn trong việc tiếp cận các đối tác, cơ quan để hoàn thành thủ tục đầu tư. Sau đó, bộ máy mới của doanh nghiệp sẽ tiếp tục triển khai các thủ tục tiếp theo như chuyển mục đích sử dụng rừng, báo cáo đánh giá tác động môi trường, giao khu vực biển...
Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ chưa phê duyệt chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, Bộ TNMT chưa có quyết định giao khu vực biển. Công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn do công tác quản lý đất đai ở địa phương còn nhiều bất cập.
UBND tỉnh đang chỉ đạo Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh chủ trì làm việc với chủ đầu tư; đồng thời phối hợp với các bộ, ngành trung ương và địa phương tập trung hoàn thành thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng, giao khu vực biển, giải phóng mặt bằng, thuê đất, cấp giấy phép xây dựng để triển khai thi công dự án. Thời gian thi công dự án sẽ bắt đầu vào ngày 26-2-2024.
Khi Khu bến cảng Mỹ Thủy đi vào hoạt động sẽ hình thành khu bến cảng biển, cung cấp các dịch vụ logistics của địa phương nói riêng, khu vực Bắc Trung Bộ nói chung. Cảng này cũng thu hút lượng hàng hóa quá cảnh cho Lào, Đông Bắc Thái Lan trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây, góp phần thu hút đầu tư, làm động lực thúc đẩy quá trình dịch chuyển cơ cấu kinh tế địa phương, giải quyết việc làm cho người lao động.
* Vai trò, ý nghĩa của dự án đường ven biển kết nối hành lang kinh tế Đông Tây giai đoạn 1? Hiện dự án này có gặp khó khăn gì trong quá trình triển khai không?
- Đây là tuyến đường chiến lược và động lực, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Dự án sẽ tạo động lực thu hút đầu tư, phát huy các tiềm năng, thế mạnh và hình thành các nguồn lực mới để tỉnh phát triển kinh tế biển.
Sau khi dự án hoàn thành sẽ tạo ra trục giao thông kết nối liên vùng, cùng với hệ thống Quốc lộ 1, đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đường ven biển sẽ là hệ thống giao thông liên tỉnh để phát triển kinh tế, tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch về với biển.
Hiện công tác giải phóng mặt bằng chưa đạt yêu cầu do nguồn lực ở các địa phương còn nhiều hạn chế, phải tập trung triển khai đồng loạt nhiều dự án cùng thời điểm.
Quy trình thực hiện công tác chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng sang mục đích khác tại dự án này mất nhiều thời gian. UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo chủ đầu tư, chính quyền địa phương liên quan tuyên truyền, vận động để các hộ dân đồng thuận với chủ trương giải phóng mặt bằng của dự án. Tỉnh cũng giao các sở ngành làm việc với bộ, ngành Trung ương để đẩy nhanh công tác thẩm định chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
* Nhiều nhà đầu tư vẫn nhận xét rằng hạ tầng giao thông Quảng Trị vẫn còn yếu kém. Phải chăng đó là một trong những nguyên nhân kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương? Giải pháp nào để khắc phục hạn chế đó?
- Tỉnh Quảng Trị có vị trí địa lý quan trọng ở khu vực Trung Bộ, được kết nối với hạ tầng giao thông khá đầy đủ, nằm trên các trục giao thông huyết mạch Bắc - Nam. Với lợi thế đó, trong thời gian vừa qua tỉnh đã chủ động, tranh thủ các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế để đẩy mạnh hợp tác phát triển, liên kết vùng, khu vực và quốc tế trên nhiều lĩnh vực với các địa phương trên các tuyến hành lang kinh tế.
Thời gian qua, tỉnh đã tập trung huy động tối đa các nguồn lực, ưu tiên đầu tư xây dựng và từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông, góp phần thu hút đầu tư trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó, đáng lưu ý là các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp đều nằm trên những tuyến giao thông thuận lợi như: Khu kinh tế thương mại Lao Bảo, Khu công nghiệp Nam Đông Hà có tuyến đường Quốc lộ 9, thuộc hành lang kinh tế Đông Tây đi qua, nối từ cửa khẩu quốc tế Lao Bảo về Quốc lộ 1; Khu công nghiệp Quán Ngang có tuyến Quốc lộ 1 đi qua; Khu công nghiệp Tây Bắc Hồ Xá có tuyến đường Quốc lộ 9D đi qua.
Một số công trình giao thông quan trọng của tỉnh như: Cảng hàng không Quảng Trị, đường ven biển kết nối hành lang kinh tế Đông Tây, đường tránh phía Đông TP Đông Hà, Quốc lộ 15D nối từ cảng biển Mỹ Thủy đến cửa khẩu quốc tế La Lay, cảng biển Mỹ Thủy và nhiều công trình trọng điểm khác… được quan tâm đầu tư xây dựng, góp phần tạo diện mạo mới, thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư đến với tỉnh.
Mặc dù đạt được những kết quả tích cực nhưng thực tế, hạ tầng giao thông của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế và đầu tư chưa đồng bộ, việc liên kết với các tỉnh xung quanh còn bị hạn chế. Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung huy động tối đa các nguồn lực, tăng cường đẩy mạnh hơn nữa công tác giải phóng mặt bằng, chuẩn bị quỹ đất để thực hiện các công trình giao thông trọng điểm, tạo tiền đề để hoàn thành, đưa vào khai thác các dự án giao thông quan trọng để đảm bảo theo đúng lộ trình quy hoạch đã đề ra.
Bình luận (0)