Liên hoan Kịch nói toàn quốc năm 2024 khai mạc tối 11-6 và đang diễn ra tại TP Thái Nguyên. Liên hoan lần này có một số thay đổi về quy chế khiến nhiều sân khấu kịch bức xúc vì không thể tham gia.
Theo đó, Ban Tổ chức Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2024 quy định: "Nghệ sĩ, diễn viên đóng vai chính, thứ chính phải là những người được đào tạo chuyên môn, chuyên ngành hoặc đã tham gia biểu diễn nghệ thuật kịch nói liên tục từ 3 năm trở lên của đơn vị nghệ thuật có tư cách pháp nhân".
Quy định này đã khiến các đơn vị sân khấu thuộc Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP HCM và Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội không thể tham gia, do không thuộc đối tượng trong quy chế.
NSƯT Huy Thục tâm tư: "Nhà hát Thế giới trẻ TP HCM (thuộc Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP HCM) vốn có bề dày tham gia các liên hoan, hội diễn. Sân khấu thực nghiệm của nhà hát này đã giới thiệu nhiều vở diễn hay đến công chúng nhưng phải đứng ngoài cuộc chơi Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2024, quả là điều đáng tiếc".
Ban Tổ chức Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2024 còn quy định không sử dụng kịch bản sáng tác trước năm 2005 và kịch bản nước ngoài. Tuy vậy, trong 23 vở diễn của 19 đơn vị nghệ thuật tham gia liên hoan, "Hồn Trương Ba da hàng thịt" (Sân khấu Việt Nữ) và "Đêm trắng" (Nhà hát Kịch Việt Nam) là kịch bản sáng tác trước năm 2005.
Theo NSND Trần Ly Ly, quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn, Liên hoan Kịch nói toàn quốc là hoạt động định kỳ, tổ chức 3 năm/lần. Mỗi kỳ liên hoan, Ban Tổ chức đều ban hành một bộ quy chế, gồm quy chế tổ chức và quy chế chấm, xét giải. Quy chế được xây dựng kế thừa từ các liên hoan trước, trong đó có việc đánh giá, rút kinh nghiệm và nếu thấy cần thiết thì sẽ điều chỉnh cho phù hợp.
Quy chế tổ chức Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2024 được xây dựng trên tinh thần nêu trên. Việc chọn mốc thời gian không sử dụng kịch bản sáng tác trước năm 2005 bởi đây là năm đánh dấu sự ra đời của Công ước 2005. Công ước này được Đại Hội đồng UNESCO bỏ phiếu thông qua, chính thức có hiệu lực, trở thành nguồn cảm hứng và cơ sở pháp lý để ban hành các quy định liên quan.
Về quy định nghệ sĩ, diễn viên đóng vai chính, thứ chính phải là những người được đào tạo chuyên môn, chuyên ngành hoặc đã tham gia biểu diễn nghệ thuật kịch nói liên tục từ 3 năm trở lên của đơn vị nghệ thuật có tư cách pháp nhân, Ban Tổ chức cho hay việc quy định 3 năm liền gắn bó với sân khấu là nhằm động viên, khuyến khích, tạo điều kiện cho những nghệ sĩ yêu nghề, thường xuyên có hoạt động chuyên môn. Quy định này còn nhằm để tránh tình trạng vay mượn nghệ sĩ chỉ để dự thi lấy giải, lấy huy chương.
Theo Ban Tổ chức Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2024, đây là hoạt động định kỳ do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tổ chức, đối tượng tham gia là các đơn vị nghệ thuật trong và ngoài công lập có tư cách pháp nhân. Với diễn viên là sinh viên ở các trường văn hóa nghệ thuật, dù không thể tham gia liên hoan nhưng họ đã có các sân chơi riêng, như hội thi tài năng học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật toàn quốc do Bộ VH-TT-DL tổ chức nhiều năm qua.
"Ban Tổ chức mong nhận được những ý kiến đóng góp từ các cơ quan quản lý, đơn vị truyền thông, nhà sáng tạo cũng như từ các nghệ sĩ trực tiếp tham gia Liên hoan Kịch nói toàn quốc để rút kinh nghiệm, có sự điều chỉnh phù hợp cho các kỳ tổ chức sau" - NSND Trần Ly Ly nhấn mạnh.
Theo NSND Trần Ly Ly, 2 kịch bản "Hồn Trương Ba da hàng thịt" và "Đêm trắng" dù sáng tác trước 2005 song các vấn đề đặt ra chưa hề cũ. Các đơn vị khi tiến hành dàn dựng năm 2024 đã có sự chỉnh lý, bồi đắp để 2 kịch bản này không lạc hậu với cuộc sống hiện nay.
Bình luận (0)