Thông tư quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh giáo dục ĐH và chỉ tiêu tuyển sinh CĐ ngành giáo dục mầm non có nhiều điểm mới được đánh giá là gỡ khó cho các trường ĐH, CĐ
Dự thảo thông tư Quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh giáo dục đại học (ĐH) và chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng (CĐ) ngành giáo dục mầm non mà Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đang lấy ý kiến có nhiều quy định mới với mục đích tăng cường tính minh bạch, công khai các điều kiện bảo đảm chất lượng của các cơ sở đào tạo, nâng cao chất lượng tuyển sinh và đào tạo…
Xác định chỉ tiêu riêng đến từng phân hiệu và trụ sở
Cụ thể, trong khi quy định hiện hành chưa yêu cầu bắt buộc các cơ sở đào tạo phải xác định chỉ tiêu riêng đến từng phân hiệu và trụ sở đào tạo chính thì dự thảo thông tư đã đưa ra quy định này. Dự thảo thông tư cũng đã điều chỉnh quy định về các tiêu chí xác định chỉ tiêu, trong đó chỉ tiêu tuyển sinh được xác định theo người học quy đổi đối với tất cả các trình độ/hình thức đào tạo trên năng lực đào tạo tối đa của giảng viên (40 người học quy đổi/1 giảng viên) và diện tích xây dựng phục vụ đào tạo (2,8 m2/người học quy đổi). Thông tư hiện hành chưa xác định trên năng lực đào tạo tối đa của giảng viên mà đang tính chỉ tiêu riêng theo từng trình độ/lĩnh vực/hình thức đào tạo.
Theo quy định hiện hành, việc xác định chỉ tiêu được thực hiện theo lĩnh vực đào tạo, dự thảo thông tư đưa ra quy định xác định chỉ tiêu theo năng lực đào tạo của từng nhóm ngành đào tạo. Riêng đối với trình độ ĐH, ngoài các ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên phải xác định theo từng ngành, dự thảo bổ sung thêm nhóm Ngôn ngữ, văn học và văn hóa Việt Nam; Ngôn ngữ, văn học và văn hóa nước ngoài là những ngành đòi hỏi năng lực ngôn ngữ nước ngoài khác nhau. Lý giải về quy định này, Bộ GD-ĐT cho rằng việc điều chỉnh này để bảo đảm việc bố trí đội ngũ giảng viên tham gia xác định chỉ tiêu có chuyên môn phù hợp, gắn sát hơn với ngành đào tạo.
Dự thảo cũng đã bỏ quy định hạn chế việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh trình độ ĐH đối với các trường hợp có tỉ lệ thực tuyển thấp hơn 70%. Trước những băn khoăn về quy định này, lãnh đạo Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT cho rằng thực tế có nhiều ngành nghề hiện nay nhu cầu xã hội rất cao như các ngành thuộc lĩnh vực nông lâm thủy sản, kỹ thuật - công nghệ, văn hóa nghệ thuật... nhưng thực tế kết quả tuyển sinh chưa cao do không hấp dẫn người học.
Thay vào đó, Bộ GD-ĐT đưa ra quy định, chỉ tiêu tuyển sinh của một ngành, nhóm ngành tại trụ sở chính và phân hiệu không được tăng so với chỉ tiêu và số thực tuyển của năm trước liền kề nếu tỉ lệ người tốt nghiệp có việc làm thấp hơn 70% hay có tỉ lệ sinh viên thôi học năm đầu cao hơn 15%. Bộ GD-ĐT cho biết quy định này để khuyến khích cơ sở đào tạo tăng cường công tác truyền thông tư vấn hướng nghiệp cho các thí sinh, đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo ngay từ năm đầu tiên chứ không phải chỉ đào tạo chuyên ngành.
Xem xét lại một số tỉ lệ chưa phù hợp
Đánh giá chung về dự thảo, đại diện nhiều trường ĐH cho rằng dự thảo đã thoáng hơn, "cởi trói" hơn cho các trường nhưng một số chỉ tiêu cần xem xét lại.
PGS-TS Tô Văn Phương, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Nha Trang, đánh giá dự thảo báo cáo xác định chỉ tiêu tuyển sinh có nhiều điểm mới theo hướng tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các trường, phát huy được tính tự chủ học thuật. Cụ thể, Điều 5 - Quy trình xác định chỉ tiêu tuyển sinh - quy định công tác xác định chỉ tiêu tuyển sinh đều được triển khai hoàn toàn trên hệ thống phần mềm. Các cơ sở đào tạo hoàn thành cập nhật số liệu trên hệ thống cơ sở dữ liệu về giáo dục ĐH (HEMIS). Thời gian hoàn thành cũng được định trong quy chế rất cụ thể, sớm hơn so với các năm trước đây (chậm nhất ngày 31-3 hằng năm).
Ngoài ra, dự thảo có quy định cho phép các cơ sở đào tạo được điều chỉnh, bổ sung chỉ tiêu tuyển sinh và công bố lại trước khi tổ chức tuyển sinh theo thời hạn quy định trong quy chế tuyển (Điều 6)... đây là điểm thuận lợi cho các cơ sở đào tạo trong quá trình tuyển sinh.
Phó hiệu trưởng một trường ĐH tại TP HCM cho rằng dự thảo quy định chỉ tiêu tuyển sinh của một ngành, nhóm ngành trình độ ĐH, ngành chuyên sâu đặc thù trình độ bậc 7 tại trụ sở chính và phân hiệu không được tăng so với chỉ tiêu và số thực tuyển của năm trước liền kề khi tỉ lệ người tốt nghiệp có việc làm thấp hơn 70% là hoàn toàn hợp lý, buộc các cơ sở đào tạo phải có trách nhiệm hơn với người học - sản phẩm của đào tạo.
"Riêng về quy định không được tăng so với chỉ tiêu và số thực tuyển của năm trước liền kề khi tỉ lệ thôi học năm đầu cao hơn 15% (của một ngành, nhóm ngành) là không phù hợp vì chuẩn cơ sở giáo dục ĐH không quy định tỉ lệ thôi học tối đa của từng ngành, nhóm ngành" - vị này nhấn mạnh.
TS Nguyễn Quốc Anh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP HCM (HUTECH), cho rằng ngành học khi được lựa chọn để tiến hành tuyển sinh đều đã trải qua quá trình khảo sát nghiêm túc về các yếu tố phù hợp với nhu cầu thực tế của người học cũng như nhu cầu nguồn nhân lực của thị trường lao động. Hiệu quả đào tạo của ngành học đó sẽ được thể hiện qua số lượng sinh viên theo học ở mức bảo đảm, tỉ lệ sinh viên nghỉ học hoặc chuyển ngành ở mức thấp, tương đối cũng như tỉ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp đạt mức cao, bảo đảm duy trì.
Tuy nhiên, khi các chỉ số trên ở mức chưa hợp lý, chưa bảo đảm, chẳng hạn tỉ lệ thôi học năm đầu cao hơn 15% hay tỉ lệ người tốt nghiệp có việc làm thấp hơn 70% thì rất cần có sự xem xét lại.
Điều này có thể xuất phát từ một số hạn chế nhất định như hoạt động đào tạo chưa đạt kết quả cao như mong đợi, hoặc là nhu cầu nhân lực của xã hội đã có sự thay đổi… Chính vì vậy, việc rà soát kể cả hoạt động đào tạo cũng như xác định chỉ tiêu tuyển sinh của ngành/nhóm ngành này là rất cần thiết để bảo đảm cho cả cơ sở đào tạo và người học.
Tuyển sinh không vượt quá 20% chỉ tiêu
Một điểm mới quan trọng trong dự thảo là để tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở đào tạo trong công tác tuyển sinh, chỉ tiêu chỉ là kế hoạch dự kiến. Dự thảo cho phép các cơ sở đào tạo thực hiện tuyển sinh phù hợp với chỉ tiêu đã công bố, bảo đảm số lượng thực tuyển của từng ngành, nhóm ngành, trình độ và hình thức đào tạo không được vượt quá 20% chỉ tiêu đã công bố nhưng phải bảo đảm năng lực đào tạo quy định tại Điều 4 của dự thảo thông tư.
Một chuyên gia tuyển sinh của ĐHQG Hà Nội đánh giá đây là điểm mới quan trọng được các trường rất quan tâm. Trên thực tế, quy định hiện hành yêu cầu thực tuyển không vượt quá chỉ tiêu công bố dẫn đến việc triển khai tổ chức xét tuyển tại các cơ sở đào tạo rất khó khăn để xác định được chính xác.
Bình luận (0)