Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là quy hoạch khoáng sản) trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có tổng diện tích hơn 70.191 ha, lớn nhất là bauxite với 65.014 ha.
Không thể xây dựng, sửa chữa
Huyện Bảo Lâm là địa phương ảnh hưởng lớn từ quy hoạch này khi chiếm đến gần 52.900 ha, hơn 1/3 diện tích tự nhiên của huyện với tổng số dân bị ảnh hưởng là hơn 65.500 người. Trong đó, nhiều xã bị quy hoạch này "bao trùm" gần hết diện tích tự nhiên như Lộc Ngãi, Lộc Quảng, thị trấn Lộc Thắng.
Còn TP Bảo Lộc có gần 4.300 ha đất nằm trong quy hoạch khoáng sản, trong đó xã Đam B'ri chiếm gần 2/3 diện tích tự nhiên, số còn lại nằm rải rác ở các phường như Lộc Tiến, Lộc Châu, phường 2 với tổng số dân bị ảnh hưởng hơn 27.000 người.
Căn nhà nhỏ đã xây dựng 27 năm của ông Hồ Xuân Ruật (52 tuổi; xã Lộc Quảng, huyện Bảo Lâm) đầy vết nứt chằng chịt trên tường. "Mưa xuống là nước chảy ào vào vì dột khắp nơi, trong nhà cũng như ngoài sân" - ông Ruật nói. Đêm qua mưa lớn, cả nhà phải dồn lại trong căn phòng khách chừng 10 m2 để ngủ. Chỉ vào gần chục bao xi măng để ngoài sân, ông Ruật nói: "Năm ngoái gia đình gom góp mua vật liệu về sửa chữa ngôi nhà nhưng xã không cho sửa vì nằm trong quy hoạch khoáng sản. Tới đây thì chịu rồi".
Cách nhà ông Ruật không xa, tình cảnh của gia đình bà Trần Thị Nga (45 tuổi) càng éo le hơn. Nơi ở của 4 người trong nhà chỉ là căn chòi che tạm bằng những tấm tôn đã mục nát, thủng lỗ chỗ. "Cuối năm ngoái chúng tôi bán bớt đất để làm nhà nhưng có tiền rồi mới biết là quy hoạch bauxite, không được làm gì nên phải tiếp tục cảnh sống tạm bợ như thế này không biết đến bao giờ" - bà Nga cho biết. Nhà không được xây nên có con lớn nhưng bà Nga cũng chưa dám dựng vợ gả chồng.
Đại diện một doanh nghiệp đang đầu tư bất động sản tại huyện Bảo Lâm cũng than thở: "Khách vào xem đất rồi hỏi: Mua xong có được xây nhà không? Khi biết đang "dính" quy hoạch bauxite thì khách lắc đầu không quay lại nữa".
Cản đường phát triển đô thị
Tại TP Bảo Lộc cũng tương tự. Nhiều ý kiến cử tri kiến nghị về quy hoạch khoáng sản đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân và sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư và thu ngân sách liên quan đến lĩnh vực đất đai, xây dựng.
Cử tri kiến nghị cần có giải pháp tạo điều kiện cho người dân sửa chữa, xây dựng nhà ở đã xuống cấp. Đồng thời đề xuất sớm điều chỉnh những nơi quy hoạch không phù hợp với thực tế như khu dân cư hiện hữu, cơ quan, trụ sở đơn vị nhà nước, trường học, y tế, cơ sở tôn giáo…
Theo báo cáo của UBND tỉnh Lâm Đồng, diện tích nằm trong quy hoạch khoáng sản tại TP Bảo Lộc, các huyện Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh là rất lớn, đa phần thuộc khu vực tập trung dân cư đông đúc đã được đầu tư hạ tầng như trung tâm hành chính, trường học, bưu điện, chợ, trạm y tế… Điều này ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và các tổ chức sử dụng đất như việc xây dựng nhà ở, công trình công cộng, công trình tôn giáo. Nằm trong quy hoạch khoáng sản nhưng lại có rất nhiều khu dân cư sinh sống ổn định nên việc di dời để khai thác khoáng sản sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống người dân và trật tự xã hội.
Ngoài ra, thời gian quy hoạch khoáng sản có tầm nhìn đến năm 2050 trùng với thời gian quy hoạch xây dựng vùng huyện nên không thể triển khai các đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị đã được phê duyệt. Do đó, các địa phương không thể triển khai thu hút đầu tư xây dựng phát triển đô thị.
Bên cạnh đó, hiện nay các dự án trọng điểm của tỉnh Lâm Đồng như các đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương, khu tái định cư phường Lộc Phát, nhà máy cấp nước Bảo Lộc (TP Bảo Lộc), khu tái định cư thị trấn Lộc Thắng, hệ thống cấp nước hồ Lộc Thắng (huyện Bảo Lâm) cũng đang bị ảnh hưởng việc triển khai vì chồng lấn diện tích với quy hoạch khoáng sản.
Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Chính phủ do Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã trình bày những khó khăn, vướng mắc của địa phương trong việc chồng lấn diện tích với quy hoạch khoáng sản và mong được các bộ, ngành, Chính phủ có phương án tháo gỡ.
Phải giải quyết dứt điểm trong tháng 9 tới
Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, vướng mắc của quy hoạch khoáng sản hiện nay nằm ở Luật Khoáng sản. Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường nhanh chóng nghiên cứu rà soát, xem những vấn đề này đã đưa vào sửa Luật Khoáng sản chưa. Nếu chưa thì phải đưa vào sửa vì đây không phải chỉ giải quyết riêng cho tỉnh Lâm Đồng mà còn nhiều tỉnh khác. "Vấn đề này thuộc lĩnh vực Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nên tôi đề nghị Phó Thủ tướng mời các bộ, ngành, tỉnh Lâm Đồng để rà soát và cho ý kiến chỉ đạo, giải quyết dứt điểm trong tháng 9-2024" - Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo tại buổi làm việc với tỉnh Lâm Đồng mới đây.
Bình luận (0)