icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Các quy định về Hợp động lao động

Ký hợp đồng, đóng bảo hiểm cho CN

*“Chúng tôi làm việc hơn 6 tháng nhưng chưa được ký hợp đồng lao động (HĐLĐ). Từ đầu năm 2003 đến nay, mỗi tháng công ty đều trừ lương công nhân (CN) nhưng không cho biết lý do. Nhiều người bị trừ trên 100.000 đồng/ tháng...”.

CN Công ty Lâm Sơn (quận Tân Bình- TPHCM)

- Bà Nguyễn Thị Ánh Loan, phó giám đốc công ty, trả lời: Sau Tết Nguyên đán, công ty tiến hành ký kết HĐLĐ với toàn bộ CN. Tuy nhiên, có một phân xưởng ở huyện Bình Chánh chưa hoàn tất thủ tục. Do vậy, việc ký hợp đồng với CN ở phân xưởng này bị chậm trễ. Công ty cam kết, dù HĐLĐ ký vào thời điểm nào thì hiệu lực vẫn có giá trị từ ngày 1-1-2003. Để bảo đảm quyền lợi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho CN, từ đầu năm đến nay, công ty đã trích lại tiền lương CN theo quy định. Số tiền này công ty sẽ nộp cho cơ quan BHXH sau khi hoàn tất việc ký HĐLĐ. Chúng tôi sẽ giải thích rõ để CN yên tâm làm việc.

Ký hợp đồng dài hạn với người lao động

* “Trước đây do công việc không thường xuyên nên công ty chỉ ký HĐLĐ thời vụ với chúng tôi. Nay công việc đã ổn định, chúng tôi muốn được ký HĐLĐ dài hạn nhưng không được giải quyết”.

CN Công ty Diệp Bình (quận 6 - TPHCM)

- Ông Quách Hồng Tài, phó giám đốc công ty, trả lời: Công ty đang mở rộng nhà xưởng, phải tập trung cho việc xây dựng cơ sở vật chất nên có sơ suất trong việc xem xét, ký HĐLĐ với CN. Công ty đã phân công 1 cán bộ tổ chức chịu trách nhiệm rà soát lại danh sách lao động thời vụ đã làm việc cho công ty từ trước đến nay. Người lao động nào đáp ứng đầy đủ yêu cầu của công ty sẽ được ký HĐLĐ thời hạn 1 năm. HĐLĐ sẽ có giá trị từ ngày 1-1-2003.

Ký HĐLĐ và trả trợ cấp thôi việc

* “Chúng tôi làm việc từ 5 năm đến 9 năm nhưng không được ký HĐLĐ. Vừa qua công ty di dời ra ngoại thành, nhiều CN không có phương tiện đi lại nên nghỉ việc nhưng không được trả tiền trợ cấp thôi việc”.

Một số CN Công ty Tân Quang Minh (Khu Công nghiệp Vĩnh Lộc, TPHCM)

- Bà Lê Thị Lệ, phụ trách hành chánh – nhân sự Công ty Tân Quang Minh, trả lời: Trước đây công ty chỉ là cơ sở sản xuất nhỏ, chuyển thành công ty từ tháng 12-2002. Chúng tôi nhận sai sót là chưa ký HĐLĐ với CN. Hiện công ty đã ổn định sản xuất, sẽ tiến hành ký HĐLĐ với CN trong tháng 4-2003. Trường hợp CN nghỉ việc vì không có phương tiện đi làm, đề nghị làm đơn xin nghỉ việc để được giải quyết các chế độ: trợ cấp thôi việc, trả trực tiếp BHXH... theo thâm niên làm việc, kể cả thời gian còn là cơ sở sản xuất.

Giao kết hợp đồng với người đã nghỉ hưu

* “Tôi đã về hưu, nhưng đơn vị muốn tôi tiếp tục làm việc. Trong trường hợp này, HĐLĐ của tôi với doanh nghiệp sẽ được giao kết như thế nào, các chế độ có gì khác trước? ”.

Ông Nguyễn Văn Ổi (quận 4 – TPHCM)

- Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM, trả lời: Theo điều 27 của Luật Sửa đổi Bổ sung một số điều của Bộ Luật Lao động thì HĐLĐ phải được giao kết một trong 3 loại sau: a. HĐLĐ không xác định thời hạn; b. HĐLĐ có thời hạn (từ đủ 12 tháng đến 36 tháng); c. HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng. Khi HĐLĐ quy định tại điểm a và b hết hạn mà người lao động (NLĐ) vẫn tiếp tục làm việc thì trong thời hạn 30 ngày (kể từ ngày HĐLĐ hết hạn) hai bên phải ký kết HĐLĐ mới; nếu không ký kết HĐLĐ mới, hợp đồng đã giao kết trở thành HĐLĐ không xác định thời hạn. Trường hợp ký kết HĐLĐ mới là hợp đồng xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm một thời hạn, sau đó nếu NLĐ vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết HĐLĐ không xác định thời hạn. Không được giao kết HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định mà thời hạn dưới 12 tháng để làm công việc có tính chất thường xuyên từ 12 tháng trở lên trừ trường hợp phải tạm thời thay thế người đi làm nghĩa vụ quân sự, nghỉ theo chế độ thai sản hoặc nghỉ có tính chất tạm thời khác. Trường hợp giao kết HĐLĐ với người nghỉ hưu, thì ngoài tiền lương, NLĐ còn được người sử dụng lao động thanh toán các quyền lợi khác bằng 30% của tiền lương (tiền công) ghi trong HĐLĐ gồm: BHXH 15%, BHYT 2%, nghỉ hằng năm 4%. Riêng tiền tàu xe, đi lại khi nghỉ phép do 2 bên thỏa thuận, được ghi trong HĐLĐ hay thỏa ước lao động tập thể, nhưng không quá 9% tiền lương.

Thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ

* “Tôi ký HĐLĐ thời hạn một năm, với công việc là bảo vệ. Tuy nhiên làm việc được 5 tháng, công ty đơn phương chấm dứt HĐLĐ và không giải quyết thỏa đáng quyền lợi cho tôi theo quy định”.

Kiều Hữu Hạnh (Công ty TNHH Khải Thành, Khu Công nghiệp Vĩnh Lộc – TPHCM)

- Ông Phan Thụy Thiên Hùng, Trưởng Phòng Tổ chức – Hành chánh Công ty Khải Thành, trả lời: Khi ký HĐLĐ, ông Hạnh được giao nhiệm vụ là tổ trưởng tổ bảo vệ, nhưng sau một thời gian, ông Hạnh không hoàn thành công việc được giao. Công ty nhiều lần nhắc nhở nhưng tình hình không được cải thiện. Sau 5 tháng làm việc, công ty yêu cầu ông Hạnh chấm dứt công việc và trả trợ cấp thôi việc, tiền phép năm và tiền lương 30 ngày cho thời hạn báo trước. Sau khi tham khảo ý kiến các cơ quan chức năng, chúng tôi được biết xử lý như thế là chưa đúng quy định hiện hành. Nay mời ông Hạnh trở lại công ty để thỏa thuận lại việc chấm dứt HĐLĐ trước thời hạn.

Tạm hoãn đơn phương chấm dứt HĐLĐ

* “Công ty vừa cho thôi việc 3 nữ CN vì nghỉ việc 5 ngày trong tháng không có lý do chính đáng, trong số này có hai người đang mang thai. Công ty xử lý như vậy là quá nặng...”.

Một số CN (Công ty Matai, Khu Chế xuất Tân Thuận - TPHCM)

- Bà Đinh Thị Hoàng Mỹ, Trưởng Phòng Nhân sự Công ty Matai, trả lời: Ngày 13-2, giám đốc công ty có cho nghỉ việc 3 nữ CN. Những người này đã tự ý nghỉ việc từ 7 đến 10 ngày trong tháng 1-2003. Khi làm thủ tục cho nghỉ việc, công ty không biết trong số họ có người mang thai; sau đó mới được báo lại có một người. Do không nắm vững quy định về việc tạm hoãn đơn phương chấm dứt HĐLĐ và kéo dài thời hiệu xử lý kỷ luật lao động đối với lao động nữ đang có thai nên công ty đã sơ suất như trên. Hiện cả 3 nữ CN đã nhận đầy đủ trợ cấp thôi việc. Nếu nữ CN đang mang thai có yêu cầu trở lại làm việc, chúng tôi sẽ giải quyết đúng theo luật định.

Hợp đồng lao động có hiệu lực từ 1-1-2003

* “HĐLĐ của chúng tôi hết hạn vào 31-10-2002. Trước đó, công ty có thông báo chuẩn bị ký lại nhưng đến nay chưa ai được ký HĐLĐ. Chúng tôi được trả lời còn chờ quy định mới nhưng không cho biết cụ thể quy định như thế nào”.

CN Công ty Việt Thành Công (quận 8 - TPHCM)

- Ông Tạ Quốc Cang, Trưởng Phòng Tổ chức Công ty Việt Thành Công, trả lời: Có sự chậm trễ như vậy là do cuối năm, có nhiều đơn hàng đột xuất, công ty phải tập trung cho sản xuất nên chưa tiến hành xem xét để ký lại HĐLĐ cho CN. Tuy nhiên, công ty vẫn bảo đảm đầy đủ quyền lợi về tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... cho CN và xem như HĐLĐ được gia hạn đến cuối năm 2002. Hiện phòng tổ chức đang rà soát, phân loại để ký lại HĐLĐ cho toàn bộ CN theo quy định của Luật Sửa đổi bổ sung Bộ Luật Lao động. Công ty sẽ có buổi làm việc với toàn bộ CN để giải đáp các thắc mắc và thông báo cho CN biết rõ, dù việc ký HĐLĐ có chậm nhưng hiệu lực của hợp đồng sẽ được tính từ thời điểm 1-1-2003.

Bị kéo dài thời gian thử việc

* “Chúng tôi làm việc 3 tháng nhưng không được ký HĐLĐ. Tuy là công ty nước ngoài nhưng mức lương chỉ 480.000 đồng/tháng. Có tháng hàng ít, lương chỉ từ 240.000 đồng – 300.000 đồng/người. Chúng tôi xin nghỉ việc sang công ty khác làm thì giám đốc công ty tìm cách ngăn cản, không cho công ty kia tiếp nhận”.

Một số CN (Công ty Tasco Sài Gòn, Khu Công nghiệp Tân Thới Hiệp – TPHCM)

- Ông Nguyễn Văn Chí, phụ trách tổ chức – nhân sự Công ty Tasco Sài Gòn, trả lời: Chúng tôi thừa nhận đã kéo dài thời gian thử việc và chậm ký hợp đồng với người lao động. Thời gian tới, công ty sẽ có biện pháp khắc phục. Sở dĩ thu nhập của CN thấp là vì CN nào có thể may trong chuyền thì công ty ký HĐLĐ, với mức lương 690.000 đồng/tháng (tương đương 45 USD). Những CN chưa ký HĐLĐ chỉ được trả bằng 80% mức lương trên. Vì trả lương thời gian nên CN nghỉ việc ngày nào sẽ không hưởng lương ngày đó. Khi chưa ký HĐLĐ, CN không đồng ý điều kiện làm việc ở công ty có thể xin nghỉ việc, công ty không ngăn cản hoặc gây khó khăn.

Tùy tiện buộc thôi việc người lao động

* “Do công ty ít việc, tôi làm đơn xin nghỉ không hưởng lương 1 tháng để về quê ở Nam Định giải quyết việc riêng. Phòng tổ chức nhận đơn nhưng không trả lời, tôi nghĩ công ty đã chấp thuận nên nghỉ. Ba tuần sau, khi tôi còn ở quê thì nhận được quyết định buộc thôi việc do trưởng phòng tổ chức ký...”.

Nguyễn Đình Sơn (Công ty Gia Quảng, quận 7 - TPHCM)

- Bà Trần Thị Minh Yến, phó giám đốc công ty, trả lời: Khi anh Sơn xin nghỉ việc, cả ban giám đốc công ty đều đi công tác nước ngoài nên đơn bị giữ lại ở phòng tổ chức, không được giải quyết. Chúng tôi xin nhận thiếu sót vì chưa làm hết trách nhiệm với người lao động. Việc trưởng phòng tổ chức tùy tiện ra quyết định buộc thôi việc anh Sơn là sai. Công ty sẽ thu hồi quyết định, khôi phục quyền lợi cho anh Sơn; đồng thời sẽ có hình thức xử lý kỷ luật thích đáng đối với cán bộ sai phạm.

Bồi thường cho người lao động theo luật

* “Công ty đơn phương cho tôi nghỉ việc khi HĐLĐ của tôi chưa hết hạn. Công ty không cho nghỉ phép năm, không đóng BHXH cho người lao động dù hằng tháng vẫn trích 5% của người lao động”.

Trần Hữu Hào (Công ty TNHH Thương mại Triệu Ích, quận 10- TPHCM)

- Ông Triệu Tiêu Hà, Giám đốc Công ty Triệu Ích, trả lời: Do chưa hiểu luật nên chúng tôi chấm dứt hợp đồng với anh Hào không đúng quy định. Nếu luật quy định phải bồi thường tiền lương những tháng anh Hào không được làm việc, công ty sẽ tuân thủ. Công ty sẽ trả trợ cấp thôi việc cho anh Hào: cứ mỗi năm làm việc là nửa tháng lương. Riêng BHXH, chúng tôi thừa nhận là có thu tiền của NLĐ nhưng không đóng cho cơ quan BHXH. Chúng tôi sẽ trả trực tiếp BHXH cho anh Hào 20% trên tổng số lương anh Hào đã nhận. Chúng tôi cũng cho kiểm tra lại phép năm của anh Hào, nếu còn ngày nào chưa được nghỉ, công ty sẽ trả lại tiền phép năm.

Xét ký hợp đồng với nhân viên công nhật

* “Tôi là nhân viên cứu hộ, có đầy đủ bằng cấp nhưng làm việc gần một năm vẫn không được công ty ký hợp đồng lao động (HĐLĐ). Các chế độ thưởng lễ, tết cũng rất thấp so với các nhân viên có HĐLĐ”.

Nguyễn Hoàng Tùng (Nhân viên cứu hộ Công viên nước Đầm Sen – TPHCM)

- Ông Nguyễn Hoàng Thạch, Chủ tịch Công đoàn Công viên nước Đầm Sen, trả lời: Hiện công viên có 35 nhân viên cứu hộ đã được ký HĐLĐ. Vào dịp lễ, chủ nhật lượng khách tăng đột biến, cần thêm một số nhân viên cứu hộ nên công viên hợp đồng với 7 nhân viên công nhật làm việc vào những ngày này hoặc thay thế nhân viên cứu hộ nghỉ phép, ốm đau... Anh Tùng cũng ký hợp đồng theo dạng này. Các chế độ khen thưởng căn cứ đóng góp của từng người nên các nhân viên công nhật không thể có mức khen thưởng như các nhân viên làm việc thường xuyên. Khi công viên cần thêm nhân viên cứu hộ thường xuyên, sẽ ưu tiên xét ký HĐLĐ dài hạn với những nhân viên công nhật.

Hợp đồng mặc nhiên được gia hạn

* “HĐLĐ của chúng tôi hết hạn từ tháng 4-2003 nhưng công ty không ký lại, cũng không gia hạn thêm. Có thông tin cho rằng công ty chuẩn bị cho CN nghỉ việc hàng loạt để tuyển người mới. Chúng tôi rất hoang mang nhưng không dám hỏi...”.

Một số CN (Công ty Cơ khí Quang Trung, quận Gò Vấp - TPHCM)

- Ông Võ Văn Thanh, trưởng phòng tổ chức, trả lời: Thỏa ước lao động tập thể của công ty được bổ sung vào tháng 3-2003 có điều khoản quy định: Sau khi HĐLĐ hết hạn, nếu hai bên không tiến hành ký lại mà CN vẫn tiếp tục làm việc thì HĐLĐ đã ký trước đó sẽ được gia hạn thêm một thời hạn tương đương. Như vậy, những bản HĐLĐ thời hạn 1 năm hết hạn vào tháng 4-2003, sẽ được gia hạn đến tháng 4-2004. Có một số trường hợp nghỉ việc là do HĐLĐ hết hạn mà đơn vị không có nhu cầu. Chúng tôi sẽ phổ biến lại quy định này để CN yên tâm.

HĐLĐ trở thành không xác định thời hạn

* “HĐLĐ của tôi hết hạn vào ngày 31-12-2002, sau đó không ký lại nhưng tôi vẫn tiếp tục làm việc. Nếu tôi xin nghỉ bây giờ thì có được trợ cấp BHXH một lần không? Tôi được đóng BHXH đến thời điểm nào?”

N. T. H (Công ty Mai Dung, quận 1 - TPHCM)

- Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM, trả lời: Bộ Luật Lao động đã sửa đổi bổ sung có hiệu lực từ 1-1-2003 quy định, khi HĐLĐ hết hạn mà NLĐ vẫn tiếp tục làm việc thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày HĐLĐ hết hạn, hai bên phải ký kết HĐLĐ mới. Nếu không ký kết HĐLĐ mới thì HĐLĐ đã giao kết trở thành HĐLĐ không xác định thời hạn. Như vậy, HĐLĐ của chị mặc nhiên thành HĐLĐ không xác định thời hạn. Công ty phải đóng BHXH, bảo hiểm y tế cho chị. Nếu chị muốn nghỉ việc thì phải báo trước 45 ngày. Khi nghỉ việc, chị sẽ được bảo lưu BHXH. Nếu hiện nay chị đau yếu, muốn nhận trợ cấp BHXH một lần thì phải có chứng nhận của bệnh viện.

Gia hạn HĐLĐ với công nhân

*“Chúng tôi làm công việc có tính chất thường xuyên nhưng công ty chỉ ký HĐLĐ ngắn hạn. Nhiều CN gia nhập Công đoàn, mua bảo hiểm tai nạn nhưng không có thẻ”.

Một số CN (Công ty Cổ phần Nhựa Tân Hóa, quận 6-TPHCM)

- Bà Lâm Thục Châu, Chủ tịch Công đoàn Công ty Nhựa Tân Hóa, trả lời: Do đầu năm, công việc nhiều, công ty chưa ký lại HĐLĐ với những người đã hết hạn. Những trường hợp này được gia hạn thêm một lần HĐLĐ. Riêng những CN mới, công ty ký hợp đồng 6 tháng, sau thời gian này, sẽ ký HĐLĐ có thời hạn 1 năm. Việc làm thẻ đoàn viên công đoàn, thẻ bảo hiểm tai nạn chậm trễ là do nhiều CN chưa nộp hình đầy đủ. Chúng tôi sẽ khẩn trương hoàn tất.

Không có hợp đồng học nghề, không buộc bồi hoàn

* “Tôi làm việc được trên 6 tháng, vì lý do gia đình xin nghỉ việc nhưng công ty lại viện lý do tôi vi phạm cam kết nên trừ phí đào tạo vào lương tháng cuối của tôi. Công ty làm có đúng luật không?”.

Lê Thị Thu Thủy (Công ty TNHH SPM – Khu Công nghiệp Tân Tạo – TPHCM)

- Ông Phan Thành Khanh, Phó Giám đốc Công ty SPM, trả lời: Công ty chuyên về sản xuất dược phẩm nên phải tuân thủ các nguyên tắc hành nghề khắt khe của Bộ Y tế: Bằng cấp chuyên môn của nhân viên, tay nghề, kinh nghiệm của các phòng nghiệp vụ... Tuy hoạt động hơn 6 tháng nhưng hiện công ty đang trong giai đoạn sản xuất thử và thuê chuyên viên ngành dược tập huấn tay nghề cho nhân viên. Cô Thủy có cam kết với công ty: Sau khi tham dự khóa huấn luyện, đào tạo tại công ty sẽ làm việc trong thời hạn tối thiểu là 2 năm. Trong thời gian này tự ý nghỉ việc sẽ bồi thường chi phí đào tạo. Căn cứ vào cam kết trên, công ty yêu cầu cô Thủy bồi thường chi phí đào tạo. Tuy nhiên, sau khi tham khảo ý kiến các cơ quan chức năng, được biết công ty không ký hợp đồng học nghề với NLĐ nên không có cơ sở để buộc NLĐ bồi hoàn phí đào tạo. Do đó, công ty trả đủ lương tháng cuối, không trừ tiền vi phạm thời hạn báo trước và làm thủ tục BHXH cho cô Thủy.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo