Bảo hiểm xã hội (BHXH) TPHCM vừa làm công văn đề nghị Sở LĐ-TB-XH trình UBND TPHCM lập đoàn kiểm tra liên ngành để làm việc với các doanh nghiệp (DN) nợ BHXH kéo dài. Nếu như đầu năm 2002, danh sách DN đề nghị thanh tra là 7 với tổng số nợ trên 15,4 tỉ đồng, thì nay nguồn tin mới nhất cho biết: DN nợ kéo dài, nợ nghiêm trọng dự kiến thanh tra lần này lên đến 62 DN và số tiền nợ lên đến hàng chục tỉ đồng.
Ba bảy đường nợ, nguy hại nhất là đường “lừa đảo”
Người có trách nhiệm của cơ quan BHXH TPHCM cho biết, nợ BHXH cũng có ba bảy đường. Hoặc là DN làm ăn khó khăn, việc đóng BHXH bị chậm lại một vài quý nhưng sau đó nộp đủ; hoặc DN có tình hình tài chính nguy ngập, nợ kéo dài BHXH hàng năm trời, thậm chí mất khả năng truy nộp. Song nguy hại nhất là tình trạng chiếm dụng BHXH của người lao động (NLĐ): Trên sổ lương hàng tháng vẫn khấu trừ 5% BHXH của NLĐ, nhưng thực tế DN không nộp. NLĐ không biết sự thể, đến khi thôi việc không làm được sổ sách, không được nhận trợ cấp mới hay mình đã bị lừa.
Những DN có số nợ khổng lồ
Có 62 DN nợ trong đó 5 DN đứng đầu bảng với tổng số nợ từ 1 - 7 tỉ đồng là: Giày Hiệp Hưng (trên 7,2 tỉ đồng), Da Sài Gòn (3,7 tỉ đồng), Giày Phú Lâm (1,7 tỉ đồng), Nạo vét đường thủy II (1,24 tỉ đồng), Hừng Sáng (trên 1,15 tỉ đồng)... Liên tiếp mấy năm qua, tình trạng tài chính bê bết ở nhiều công ty khiến cho NLĐ thua thiệt mọi bề. Họ không chỉ bị chiếm dụng tiền BHXH, mà mồ hôi công sức đổ ra làm việc, đóng góp vào quỹ bị tước đoạt, quãng thời gian làm việc và tham gia BHXH tại DN không được ghi nhận. Một DN đang là điển hình của vi phạm này là Công ty Thiên Hộ, công ty này sử dụng gần 2.000 lao động song chỉ đóng BHXH cho 800 người và hiện vẫn đang nợ BHXH trên 800 triệu đồng. Đáng lưu ý là Thiên Hộ làm ăn với đối tác nước ngoài, nước ngoài đồng ý trả lương và BHXH cho tập thể lao động. Thế nhưng những người điều hành công ty vừa ăn chặn của đối tác, vừa chiếm dụng tiền BHXH của đông đảo NLĐ.
Phát sinh những thỏa thuận ngoài luật
Công luận cũng đã nhiều lần đặt vấn đề về tình trạng trên, song xử thường không đến nơi đến chốn. Theo Nghị định 38/CP về xử lý hành chính với các vi phạm về Bộ Luật Lao động, DN không đóng hoặc chậm đóng BHXH kéo dài mức phạt cũng chỉ là 2 triệu đồng, nếu có yếu tố tăng nặng thì mức phạt cao nhất cũng chỉ 6 triệu đồng. Phạt như thế, so với số nợ hàng tỉ đồng nêu trên, rõ ràng là chẳng bõ bèn gì, nên không phải ngẫu nhiên mà tình trạng nợ BHXH, chiếm dụng BHXH ngày càng gia tăng.
2 cách đối phó với Nhà nước
Nếu như chấp nhận bị xử phạt là hình thức đối phó với cơ quan Nhà nước, thì gần đây xuất hiện cách đối phó với NLĐ qua những thỏa thuận ngoài luật định. Tại một số công ty khi NLĐ thôi việc, quyền lợi BHXH được thỏa thuận bằng cách DN chi trả lại phần đã chiếm dụng của NLĐ. Dù là thỏa thuận ngoài luật định, song trong chừng mực nào đó, NLĐ cũng được nhận lại khoản tiền, còn hơn bị mất trắng, nên nhiều người chấp nhận; cơ quan chức năng có biết cũng... bỏ qua. Thậm chí Tòa Lao động khi xét xử, gặp những trường hợp tương tự cũng phán quyết DN trả lại 20% BHXH cho NLĐ nhằm đem lại quyền lợi cho NLĐ. Nhưng những trường hợp trên chỉ giải quyết cho ít ỏi NLĐ có tranh chấp, khiếu nại, còn lại hàng ngàn NLĐ bị nợ, bị chiếm dụng BHXH nhưng vì thế yếu đành chấp nhận thua thiệt, mất cả thời gian tham gia BHXH và tiền bạc công sức đổ ra.
Cần giải pháp mạnh để hạn chế vi phạm
Với tinh thần thượng tôn pháp luật, không nên nương nhẹ, cho phép hợp thức hóa trong những trường hợp nói trên vì lâu dài sẽ bị lợi dụng, tạo thành tiền lệ không tốt. Trong lúc chờ đợi sửa đổi Điều lệ BHXH ban hành kèm theo Nghị định 12/CP về chính sách BHXH. Các chuyên gia lao động đề nghị: Cần chuyển hồ sơ DN vi phạm sang Viện Kiểm sát để truy tố.
Giám đốc BHXH TPHCM, ông Nguyễn Hồng Thy nói: Chiếm dụng số tiền hàng trăm triệu, hàng tỉ đồng nên xem là hành vi chiếm đoạt tài sản công dân.
Bình luận (0)