Mới có 610/4.014 đơn vị hoàn tất việc chuyển xếp lương
. Phóng viên: Tại TPHCM, có bao nhiêu người lao động (NLĐ) phải thực hiện việc chuyển xếp lương mới, thưa ông?
- Ông Đỗ Quang Khánh: Đối tượng chuyển xếp lương mới theo Nghị định 204, 205-CP ngày 14-12-2004 của Chính phủ gồm các đơn vị hành chính sự nghiệp, cơ quan Đảng, đoàn thể, lực lượng vũ trang và các doanh nghiệp (DN) Nhà nước. Hiện có 4.014 đơn vị với 430.700 lao động thuộc đối tượng này đang tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tại Cơ quan BHXH TPHCM, chiếm gần 40% tổng số tham gia lao động BHXH ở TP với số thu chiếm 32% tổng số thu BHXH của TP.
. Được biết việc chuyển xếp lương tiến hành rất chậm. Ông có thể cho biết thêm?
- Mới chỉ có 406 đơn vị thuộc các cơ quan hành chính sự nghiệp, Đảng, đoàn thể (chiếm khoảng 15%) và 204 DN Nhà nước (16%) hoàn tất việc chuyển xếp lương. Tiến độ như vậy là rất chậm. Theo tôi biết, TP cũng chưa đưa ra được thời hạn cuối cùng để kết thúc việc chuyển xếp lương.
. Theo ông, nguyên nhân việc chuyển xếp lương chậm là do đâu?
- Việc chuyển xếp lương chậm có nhiều nguyên nhân. Trước tiên, đó là do khối lượng công việc phải làm quá lớn bởi liên quan đến chức danh công việc, diễn tiến tiền lương của từng người. Hệ thống thang bảng lương mới có nhiều điểm khác biệt so với thang bảng lương cũ, cho nên khi rà soát để xếp lại cho đúng phải mất nhiều thời gian. Bên cạnh đó còn nhiều quy định mà các đơn vị chưa hiểu rõ, phải hỏi đi hỏi lại nhiều lần, nhiều trường hợp trước đây xếp theo lương cũ và diễn biến lương không đúng, nay phải xếp lại theo lương cũ xong mới có căn cứ chuyển xếp lương mới. Hoặc một số DN hoạt động theo Luật DN, không thuộc diện bắt buộc chuyển xếp lương nên họ còn đắn đo giữa việc chuyển theo Nghị định 205/CP hay tự xác định thang bảng lương, điều này cũng góp phần làm chậm tiến độ chuyển xếp lương.
. Việc chuyển xếp lương chậm như vậy ảnh hưởng thế nào đến quyền lợi BHXH của NLĐ?
- Nếu NLĐ làm việc bình thường thì việc chuyển xếp lương nhanh hay chậm không ảnh hưởng nhiều đến quyền lợi BHXH của NLĐ. Bởi vì với các đơn vị chưa chuyển xếp lương mới thì cơ quan BHXH vẫn tiếp tục thu BHXH của các đơn vị theo mức lương cũ. Khi nào đơn vị chuyển xếp xong đăng ký mức lương mới thì cơ quan BHXH sẽ thu bổ sung.
Ưu tiên cho NLĐ nghỉ việc, chuyển công tác...
. Đối với các DN đang hoạt động theo Luật DN, việc trích nộp và chi trả BHXH ra sao?
- Như đã nói, các DN này được quyền lựa chọn hoặc chuyển xếp lương theo Nghị định 205/CP hoặc tự xây dựng thang bảng lương. Sau khi đơn vị lựa chọn thang bảng lương và đăng ký với cơ quan lao động địa phương, chỉ cần gửi thông báo cho cơ quan BHXH biết. Khi có ý kiến chính thức công nhận của cơ quan lao động thì gửi cho cơ quan BHXH một bản để làm cơ sở pháp lý thực hiện trích nộp BHXH và chi trả cho NLĐ. Dĩ nhiên, trong khi chờ văn bản đồng ý của cơ quan lao động thì việc trích nộp BHXH vẫn thực hiện theo thông báo mà đơn vị gửi cho cơ quan BHXH.
. Trong trường hợp NLĐ chuyển công tác, nghỉ việc, hưởng trợ cấp BHXH mà đơn vị chưa kịp chuyển xếp lương mới thì BHXH giải quyết ra sao?
- Cơ quan BHXH đã có chủ trương: Ở các đơn vị chưa chuyển xếp lương mới, nếu có người thôi việc, chuyển công tác, hay nghỉ hưởng chế độ BHXH thì BHXH hướng dẫn đơn vị ưu tiên chuyển xếp lương mới trước cho đối tượng này và BHXH sẽ giải quyết chính sách cho họ theo lương mới. Tuy nhiên, vẫn có nhiều đơn vị không thực hiện được điều này cho nên việc giải quyết chế độ vẫn phải thực hiện theo mức lương cũ, khi nào đơn vị bổ sung quyết định chuyển xếp lương và đóng bổ sung thì cơ quan BHXH sẽ truy trả phần chênh lệch cho NLĐ.
. Xin cảm ơn ông.
Bình luận (0)