- Ông Đinh Ngọc Long, Phó Giám đốc Công ty Bách Hoa, trả lời: Xí nghiệp may mới đi vào hoạt động nên còn phải chấn chỉnh lại cách làm việc. Qua tư vấn của các cơ quan lao động, công ty quy định nếu tăng ca sau 16 giờ 30 sẽ được tính phụ trội bằng 1,5 lần giờ làm việc bình thường; nếu tăng ca sau 20 giờ 30 thì tính bằng 1,8 lần. Đây là những quy định của pháp luật lao động. Qua phản ánh của công nhân (CN), chúng tôi sẽ cho kiểm tra lại tất cả hoạt động của xí nghiệp may để chấn chỉnh. Khi tăng ca sẽ thông báo trước cho CN và không quá 4 giờ/ngày; không quá 200 giờ/năm; trả tiền phụ trội như thông báo trên; xử lý những nhân viên quản lý xúc phạm CN.
Truy trả BHXH cho người lao động
* “Tôi làm việc đã nhiều năm, ngoài mức lương hàng tháng còn các khoản trợ cấp. Công ty không ký HĐLĐ nên cũng không tham gia BHXH. Khi nghỉ việc, tôi đã bị mất quyền lợi về BHXH và công ty không thanh toán trợ cấp thôi việc (TCTV) theo mức lương thực lãnh”.
Giắn Trân Hoài (Công ty TNHH Tân Phát Thịnh, Q.11- TPHCM)
- Ông Lâm Vĩnh Khanh, Trưởng Phòng Kinh doanh Công ty Tân Phát Thịnh, được ủy quyền trả lời: Anh Hoài làm việc cho công ty từ năm 1997. Công ty yêu cầu anh Hoài về quê chứng nhận hồ sơ để có cơ sở ký HĐLĐ nhưng anh Hoài không thực hiện được. Công ty cũng sai sót là không tham gia BHXH cho anh Hoài. Khi nghỉ việc, công ty đã thanh toán tiền TCTV cho anh Hoài theo mức mỗi năm làm việc là nửa tháng lương. Qua tham khảo ý kiến của các cơ quan chức năng, công ty đồng ý thanh toán tiền BHXH cho anh Hoài theo mức mỗi năm làm việc là một tháng lương. Các chế độ trên, công ty trả trên mức lương chính, còn tiền cơm và tiền xăng do công ty đài thọ thêm chứ không phải là lương nên không được tính vào để giải quyết các chế độ.
Không ký HĐLĐ vì thiếu sức khỏe ?
* “Tôi làm việc từ năm 1991, đến năm 2003 công ty giải thể và toàn bộ người lao động (NLĐ) được chuyển sang công ty mới (giám đốc là chủ tịch hội đồng quản trị công ty cũ). Thế nhưng công ty chỉ ký hợp đồng thử việc với thời hạn 3 tháng và sau đó viện lý do tôi không đủ sức khỏe để không ký HĐLĐ mới. Tôi đi khám ở Trung tâm Y khoa – Medic thì không có bệnh gì. Công ty làm vậy có công bằng?”.
Lương Thái Hùng (Công ty Cổ phần Hóa – Dược phẩm Mekophar – TPHCM)
- Ông Lê Quang Đáng, Trưởng Phòng Tổ chức Công ty Mekophar, trả lời: Trước đây anh Hùng làm việc cho Công ty Cổ phần Dược phẩm Mêkông. Đến tháng 4-2003, công ty này giải thể và NLĐ được chuyển sang làm việc cho Công ty Cổ phần Hóa Dược phẩm Mekophar (đây là công ty mới thành lập, không liên quan gì đến công ty cũ). Toàn bộ NLĐ mới được ký hợp đồng thử việc và được yêu cầu khám sức khỏe tại Bệnh viện Trưng Vương để sau đó ký HĐLĐ chính thức. Qua đợt khám sức khỏe này, phát hiện anh Hùng bị bệnh tim và chúng tôi cho tiến hành khám lại một lần nữa vẫn có cùng kết quả. Căn cứ vào đó và không thể bố trí việc làm khác phù hợp, chúng tôi đành không ký tiếp HĐLĐ với anh Hùng. Các chế độ của anh Hùng đã được giải quyết. Riêng BHXH, chúng tôi đang hoàn tất hồ sơ để trả sổ cho anh Hùng.
Đã trả đủ các chế độ thôi việc
* “Tôi làm việc trên 10 năm, đến tháng 6-2003 xin nghỉ việc. Ngoài các khoản trợ cấp, những người nghỉ việc như tôi được nhận thêm 2,5 triệu đồng gọi là tiền thỏa thuận. Nhưng tôi không được nhận khoản tiền này. Vì sao ?”.
Nguyễn Văn Tài (Công ty Cổ phần Nước giải khát Sài Gòn - Tribeco – TPHCM)
- Ông Nguyễn Hữu Lộc, Giám đốc Hành chánh – Nhân sự Công ty Tribeco, trả lời: Khi ông Tài nghỉ việc, công ty đã thanh toán TCTV: Cứ mỗi năm làm việc là nửa tháng lương. Riêng BHXH công ty đã hoàn tất thủ tục, ông Tài có thể nhận sổ hoặc chờ nhận trợ cấp BHXH một lần. Ngoài các chế độ theo quy định, công ty không hề thỏa thuận gì đối với các trường hợp xin nghỉ việc. Trường hợp của ông Tài đã nhận đủ các chế độ, công ty không có trách nhiệm thanh toán các khoản khác.
Thủ tục đi lao động ở Nhật Bản, Hàn Quốc
* “Tôi có nghề chính là xây dựng, muốn đi làm việc ở Nhật Bản hoặc Hàn Quốc. Để tránh bị lừa, tôi có thể đăng ký đi qua công ty xuất khẩu lao động nào? Giấy tờ và thủ tục ra sao? Chi phí trọn gói là bao nhiêu? Từ lúc nộp hồ sơ đến khi đi mất bao lâu?”.
Trần Đình Cổn (152A Hồ Học Lãm, An Lạc, Bình Chánh - TPHCM)
- Ông Trần Văn Thạnh, Phó Giám đốc Công ty Dịch vụ XKLĐ & Chuyên gia Suleco, trả lời: Anh có thể đăng ký qua Công ty Suleco. Đối tượng được tuyển đi Nhật Bản phải có nghề và có bằng THPT. Riêng ở Hàn Quốc không đòi hỏi lao động có tay nghề cao. Anh đủ tiêu chuẩn để đi hai nước trên làm việc. Hồ sơ đăng ký và các giấy tờ liên quan đến thủ tục đều thực hiện theo mẫu quy định của Suleco. Về chi phí, ở Nhật Bản, ngoài thế chấp tài sản, chi phí trước khi đi mà NLĐ phải nộp là 1.200 USD trong đó tiền đặt cọc 500 USD, phí môi giới 700 USD. Phía đối tác đài thọ toàn bộ chi phí vé máy bay, đi lại, lệ phí visa, hộ chiếu, khám sức khỏe, học ngoại ngữ... Ở Hàn Quốc, được miễn thế chấp tài sản, chi phí trọn gói là 2.800 USD, bao gồm tiền đặt cọc 1.400 USD và các chi phí liên quan. Hiện Suleco đang có đợt tuyển đưa tu nghiệp sinh đi tu nghiệp ngành xây dựng ở Hàn Quốc. Từ khi đăng ký đến lúc được đi Nhật mất khoảng 6 tháng trở lại, còn Hàn Quốc thường là 4 – 5 tháng. Việc đi sớm hay muộn phụ thuộc vào kết quả tuyển chọn của đối tác. Mọi thắc mắc liên quan đến thủ tục đăng ký liên hệ với Phòng Tuyển dụng của Suleco, tại: 635A Nguyễn Trãi, quận 5 - TPHCM; ĐT: 8.558543.
Mời đến công ty nhận TCTV
* “Tôi xin nghỉ việc đã gần một năm, công ty đồng ý nhưng chỉ làm hồ sơ nhận trợ cấp BHXH một lần mà không có chế độ TCTV?”.
H.T.L.H (Công ty TNHH Tango Candy, Khu Công nghiệp Tân Bình – TPHCM)
- Ông Lê Thanh Hải, Trưởng Phòng Nhân sự Công ty Tango Candy, trả lời: Khi NLĐ nghỉ việc, công ty làm thủ tục BHXH và trả đủ TCTV theo quy định. Riêng trường hợp của chị H. không hiểu sao đến nay vẫn chưa giải quyết đầy đủ, chúng tôi sẽ cho kiểm tra lại hồ sơ sổ sách để giải quyết dứt điểm cho NLĐ. Chị H. liên hệ với Phòng Nhân sự của công ty để được nhận quyền lợi còn lại.
Đã tăng lương cho người lao động
* “Chúng tôi làm việc từ tháng 3- 2000, đến tháng 5-2000 được ký HĐLĐ chính thức với mức lương từ 650.000 đồng đến 750.000 đồng. Đến nay, ngoài khoản lương trên, không được nhận các chế độ nào khác và cũng không được tăng lương”.
Một số lao động (Công ty TNHH Tân Hưng Thịnh, Khu Công nghiệp Tân Thới Hiệp – TPHCM)
- Đại diện Ban Giám đốc Công ty Tân Hưng Thịnh trả lời: Trong thỏa ước lao động trước đây, không có thỏa thuận về việc tăng lương và cả trong HĐLĐ cũng vậy. Vừa qua, công ty đã ký thỏa ước lao động mới, trong đó đã có quy định tăng lương sau 24 tháng làm việc. Tuy thỏa ước lao động mới chưa được cơ quan chức năng thông qua, nhưng đầu tháng 6-2003 công ty đã tăng lương 10% cho CN làm việc từ năm 2000. Thực tế, công ty đang gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Lãnh đạo công ty mong được sự thông cảm của NLĐ.
Không buộc CN tăng ca
* “Chúng tôi thường xuyên tăng ca, kể cả ngày chủ nhật, nhưng công ty trả phụ trội không tương xứng. Nếu không làm ngày chủ nhật sẽ bị trừ lương. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm, đến nay vẫn không biến chuyển”.
Một số CN (Công ty May Phúc Yên, Q. Tân Bình – TPHCM)
- Ông Lăng Xuân Bình, Giám đốc Công ty May Phúc Yên, trả lời: Chúng tôi khẳng định là không hề buộc CN tăng ca. Vì tính lương sản phẩm nên công ty chỉ yêu cầu CN phải là việc mỗi ngày đủ 8 giờ, không định mức sản phẩm. Ngoài sản phẩm trong ngày, CN tự ý làm thêm để tăng thu nhập. Những lúc làm thêm, công ty đài thọ một bữa ăn chiều và trả tiền làm thêm sản phẩm. Nếu quản đốc buộc CN tăng ca yêu cầu báo lại ban giám đốc để kịp thời xử lý. Tiền lương được trả trên sản phẩm làm ra nên nếu CN không làm ngày chủ nhật thì không có sản phẩm (của ngày chủ nhật) chứ không có chuyện trừ lương.
Điều chỉnh tên để nhận BHXH
* “Do không có hộ khẩu TPHCM, tôi đã mượn tên một người họ hàng tại TP để đi làm việc đã 6 năm nay. Nếu tôi xin điều chỉnh lại tên thật của mình, tôi có được bảo lưu toàn bộ thời gian tham gia BHXH trước đây không?”.
Nguyễn Thị Nga (Công ty Dệt, may Thành Công- TPHCM)
- Ông Cao Văn Sang, Phó Giám đốc BHXH TPHCM, trả lời: Chị có thể làm thủ tục xin chỉnh lại tên tham gia BHXH như sau: Người cho chị mượn tên để đi làm có đơn trình bày rõ lý do và cam kết không khiếu nại về quyền lợi BHXH (có xác nhận của địa phương), công văn của đơn vị sử dụng lao động xác nhận trường hợp của chị và đề nghị chỉnh sửa. Nếu có vướng mắc, đề nghị liên hệ Phòng Thu-BHXH TP để được hướng dẫn.
Người hoạt động kháng chiến không hưởng trợ cấp theo Nghị định 69
* “Trong kháng chiến tôi có thời gian giúp đỡ cách mạng trước khi trực tiếp tham gia kháng chiến. Tôi đã được công nhận là người hoạt động kháng chiến, vậy thời gian giúp đỡ cách mạng có được hưởng trợ cấp theo Nghị định 69/2003/NĐ-CP không ?”
Trần Vĩnh (Chung cư Ngô Tất Tố, Q. Bình Thạnh – TPHCM)
- Ông Đặng Văn Minh, Trưởng Phòng Chính sách có công Sở LĐ-TB-XH TPHCM, trả lời: Thông tư số 18 hướng dẫn Nghị định 69 của Chính phủ có quy định rõ: Người có thành tích giúp đỡ cách mạng trước ngày 19-8-1945 hoặc trong thời kỳ kháng chiến, sau đó trực tiếp tham gia cách mạng đã được công nhận là người hoạt động kháng chiến hoặc đang công tác, hoặc đang hưởng chế độ BHXH thì không được hưởng trợ cấp theo Nghị định 69. Căn cứ theo quy định trên, trường hợp của ông không được hưởng trợ cấp theo Nghị định 69.
Bình luận (0)