"Mới đây, hiệu trưởng thông báo, từ năm học này, các nhân viên bảo mẫu, cấp dưỡng sẽ bị trừ 24% tiền lương. Gồm các khoản bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) và trợ cấp thôi việc. Không phải chúng tôi không muốn đóng BHXH nhưng vì tiền lương vốn đã rất thấp, giờ lại bị trừ như vậy, làm sao sống nổi...”. Đây là một đoạn thư của nhân viên bảo mẫu một trường tiểu học ở quận 3 - TPHCM gởi Báo Người Lao Động tháng 10-2003.
Cùng thời gian này, Phòng Giáo dục- Đào tạo (GD-ĐT) quận 5 - TPHCM cũng nhận được đơn của tập thể nhân viên bảo mẫu Trường Tiểu học T.B.T thắc mắc: “Nhà trường yêu cầu chúng tôi đóng BHXH, BHYT với mức 23% tổng số lương. Nếu chúng tôi không đồng ý thì có quyền làm đơn xin từ chối tham gia BHXH không?”. Ông Trần Đức Khanh, Phó Trưởng Phòng GD-ĐT quận 5, thừa nhận ngành giáo dục quận đang “tiến thoái lưỡng nan” khi triển khai thực hiện đóng BHXH cho những người lao động (NLĐ) không hưởng lương từ ngân sách, chủ yếu là đội ngũ bảo mẫu, cấp dưỡng ở các trường bán trú.
Mỗi năm chỉ được hưởng lương 9 tháng
Cô Lê Thị Thanh Lan (Trường N.T.H, quận 1 – TPHCM) cho biết đã làm bảo mẫu từ năm 1994. Công việc cực nhọc, nhưng đơn điệu: Sáng sớm, phải có mặt để dọn dẹp vệ sinh trước khi học sinh vào lớp, sau đó giúp cấp dưỡng chuẩn bị bữa ăn. Khi các em ăn xong, phải thu dọn dụng cụ, vệ sinh phòng ốc và “canh” học sinh ngủ trưa. Hết giờ ngủ thì đánh thức các em, hò hét chúng đi đánh răng, rửa mặt; sau đó chuẩn bị quà xế cho chúng... Cô nói: “Suốt ngày cứ loay hoay như thế, không được chợp mắt, ngả lưng dù chỉ vài phút. Nhiều hôm, đến tận 17 giờ 30 mới được về”.
Trung bình, các cô bảo mẫu làm việc 10 giờ mỗi ngày với tiền lương từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng/người/tháng. Tuy nhiên, theo CĐ ngành giáo dục TPHCM, rất nhiều trường bán trú, thu nhập của bảo mẫu chỉ khoảng 500.000 đồng/người/ tháng. Đáng nói là dù thu nhập thấp như vậy nhưng tuyệt đại đa số bảo mẫu chỉ được ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) và hưởng lương 9 tháng trong năm. Những tháng hè, học sinh nghỉ, các cô phải tự bươn chải tìm kế sinh nhai. Nhiều người làm việc 5-10 năm, quyền lợi cũng chỉ có vậy!
Những người lao động “ba không”
Đó là không BHXH, BHYT và trợ cấp thôi việc. Nhiều nhân viên bảo mẫu bức xúc vì làm việc trong khu vực Nhà nước nhưng họ lại bị đối xử như “con ghẻ”. Các cô Nguyễn Thị Kim Thu, Nguyễn Thị Hải (Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học, quận 1-TPHCM) cho biết, họ làm bảo mẫu đã nhiều năm, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên xin nghỉ việc nhưng không được trợ cấp thôi việc. Bà Nguyễn Thị Thanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học niên học 2002-2003, lý giải: “Nhân viên bảo mẫu làm việc thời vụ, tiền lương được trả từ quỹ học phí của các lớp bán trú, không phải từ ngân sách nên khi họ nghỉ việc, trường phải xin ý kiến của quận mới dám chi trả”. Ở Trường Nguyễn Thái Bình, nhân viên bảo mẫu không được đóng BHXH nên nhiều người nghỉ thai sản không được trợ cấp. Ông Trương Công Vũ, hiệu trưởng trường, cho biết sẽ xem xét, trích nộp BHXH cho nhân viên theo quy định kể từ năm học 2003-2004.
Trừ 24%: Tiền lương sẽ không đủ sống
Ông Đỗ Văn Trí, Chủ tịch CĐ Giáo dục quận 3 - TPHCM, cho biết hiện nay, mức thu bán trú phí 30.000 đồng/học sinh/tháng; trong đó 65% dành trả lương nhân viên phục vụ. Mức thu như vậy rất thấp nên từ trước đến nay, phần lớn các trường đều chi toàn bộ khoản này để trả lương cho bảo mẫu. Nay, nếu phải nộp BHXH bắt buộc, các trường chỉ còn cách là phải trích lại 24% quỹ lương!
Theo một cán bộ Sở GD-ĐT TP, việc làm này không sai nhưng trước mắt, tiền lương của nhân viên bảo mẫu, cấp dưỡng sẽ giảm với tỉ lệ tương ứng. Trao đổi với chúng tôi, các nhân viên bảo mẫu Trường Tiểu học Trần Bình Trọng lo ngại: Với mức lương 700.000 đồng/tháng, nếu đóng 23% thì chúng tôi chỉ còn nhận 532.000 đồng. Với tiền lương như vậy, không thể bảo đảm cuộc sống hiện tại thì nói chuyện lợi ích lâu dài có nghĩa lý gì?
Bình luận (0)