Cuối tháng 10-2002, một phụ nữ trẻ tên Nguyễn Thị Nhàn (phường Tam Hòa, thành phố Biên Hòa – Đồng Nai) gởi đơn kêu cứu đến nhiều cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai nhờ can thiệp vì bị “ cò” lao động lừa đảo. Từ những thông tin ban đầu, chúng tôi đã điều tra và qua đó phát hiện đường dây “cò” lao động này đã ăn chặn tiền của hàng trăm lao động khác làm việc tại Công ty Nam Yang International Việt
Mất cho người ngoài 1,5 triệu đồng
Chị Nhàn cho biết, vào cuối tháng 9-2002, qua môi giới, chị quen với bà Lê Thị Cẩm Hồng, ngụ tại phường Tân Mai – TP Biên Hòa. Biết chị cần việc làm, bà Hồng nói, nếu đóng cho bà ta 1,5 triệu đồng thông qua một người tên Tâm, nhân viên của Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hợp Thành bà sẽ đưa chị vào làm việc tại Công ty Nam Yang. Ngày 24-9, chị Nhàn đã đóng đủ cho bà Hồng 1,5 triệu đồng. Trước đó, ngày 23-9, chị Nhàn vào phỏng vấn xin việc và được ông Lee Won Ho, Phó Tổng Giám đốc Công ty Nam Yang chấp thuận. Ông Lee viết một giấy mời chị Nhàn đến công ty nhận việc vào ngày 15-10, mức lương thử việc 420.000 đồng/tháng và lương chính 600.000 đồng/tháng. Khi biết được chị Nhàn đã có giấy mời nhận việc, bà Hồng chỉ giao cho ông Tâm 700.000 đồng, số còn lại bà giữ lấy. Đến ngày 15-10, chị Nhàn đến nhận việc thì bà Đào Vũ Lệ Hà, Giám đốc Nhân sự Công ty Nam Yang, từ chối. Ngay trong ngày, chị Nhàn đem vụ việc hỏi ông Tâm thì được ông Tâm cho biết, ông có mối quan hệ trực tiếp với bà Hà nên nếu không “chung” đủ thì sẽ không được vào làm việc.
Ba ngày sau, bà Hồng đến gặp chị Nhàn thông báo, ngày 21 – 10 tiếp tục đến gặp bà Hà để nhận việc “vì đã làm việc lại với bà Hà và ông Tâm rồi”. Bà Hồng còn viết một giấy cam kết “nếu không đi làm được thì bà Hồng sẽ bồi thường cho chị Nhàn 5 triệu đồng”.
Giấy “mời nhận việc” lại thành “giấy qua cổng” ?
Vụ việc trên đang được các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai tiếp tục điều tra, nhưng qua những dữ kiện trên đã phần nào hình dung được đường dây hoạt động đưa người vào Công ty Nam Yang để trục lợi. Hẳn nhiên, để đường dây này hoạt động, phải có sự tiếp tay trong ngoài.
Khi luật sư của chị Nhàn yêu cầu công ty trả lời tại sao chị đã có thư mời nhận việc của chính Phó Tổng Giám đốc Lee ký nhưng bà Hà không nhận vào làm việc, thì ông Lee biện bạch: Giấy mời mà chính ông cấp “chỉ là giấy phép để đi qua cổng”. Ông Lee còn cho rằng chị Nhàn có con nhỏ, “nên chúng tôi xem xét cẩn thận điều tốt nhất cho bà và chúng tôi quyết định là bà nên chăm sóc bé, tốt hơn là đi làm việc tại công ty”. Ngay khi phỏng vấn, ông Lee đã biết được chị Nhàn có con nhỏ và đã đồng ý nhận chị vào làm việc thì vì lẽ gì khi sự việc vỡ lở, ông lại viện lý do chị Nhàn có con nhỏ để biện minh cho cách hành xử của bà Hà ? Như thế là quá đủ để hiểu những quan hệ giữa các nhân vật có thế lực trong công ty và người ta đã chèn ép người lao động (NLĐ) như thế nào. Cũng không khó giải thích vì sao ông Lee làm ngơ trước hành vi của cấp dưới (là bà Hà) khi ngang nhiên phủ quyết cả quyết định của mình.
Hàng trăm công nhân phải chi tiền “cò”
Sau khi nhận được khiếu nại của chị Nhàn, Ban Quản lý Khu Công nghiệp Đồng Nai (Diza) đã gởi công văn đề nghị UBND có chỉ đạo xử lý vụ việc. Sau đó, Phòng An ninh kinh tế - Công an tỉnh Đồng Nai đã phối hợp cùng Diza và Công đoàn Khu Công nghiệp Đồng Nai tiến hành điều tra. Tin từ Ban quản lý Diza cho biết, qua điều tra ban đầu đã có trên một trăm công nhân thừa nhận phải mất tiền để được vào làm việc tại Công ty Nam Yang. Tiếp xúc với phóng viên Báo Người Lao Động, một số công nhân Công ty Nam Yang cho biết, họ phải chi tiền “cò” cho các trung tâm dịch vụ việc làm trên địa bàn tỉnh và chi trực tiếp cho người của công ty từ 1,5 triệu đồng đến 3 triệu đồng/người để có việc làm như hiện nay. Chỉ làm một phép tính đơn giản, thì thấy ngay số tiền mà NLĐ tại Công ty Nam Yang phải chi ra cho “cò” là rất lớn.
Vụ việc đang được các cơ quan chức năng mở rộng điều tra. Chúng tôi hy vọng những kẻ làm tiền trên quyền lợi chính đáng và hợp pháp của NLĐ sẽ sớm bị xử lý thích đáng để bảo đảm quyền lợi NLĐ theo pháp luật, đồng thời răn đe, ngăn chặn được các đường dây “cò” lao động khác và làm trong sạch môi trường đầu tư tại tỉnh Đồng Nai.
Bà Phạm Thị Hồng Cúc, Phó Ban quản lý Diza: “Phối hợp xử lý triệt để nạn “cò” lao động” Đây là vụ việc điển hình về “cò” lao động tại các khu công nghiệp Đồng Nai. Chúng tôi đang phối hợp với Công an tỉnh điều tra xử lý. Qua vụ việc này, đề nghị cơ quan cấp phép cho các trung tâm dịch vụ lao động phải có sự kiểm tra, quản lý chặt chẽ để NLĐ nghèo không phải bị lừa đảo khi tìm việc.
Quy định của pháp luật lao động hiện hành: “Bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự” Điều 19 Bộ Luật Lao động quy định rõ: “Cấm mọi hành vi dụ dỗ, hứa hẹn và quảng cáo gian dối để lừa gạt NLĐ hoặc lợi dụng dịch vụ việc làm để thực hiện những hành vi trái luật”. Khoản d, điều 2 chương II (tuyển lao động) Thông tư 16 của Bộ LĐ-TB-XH (ngày 5-9-1996) hướng dẫn thực hiện Nghị định 72/CP về việc làm, quy định: “Mọi chi phí về tuyển lao động (trừ hồ sơ xin việc làm) do người sử dụng lao động trả”. Nghị định 38/CP (ngày 25-6-1996) cũng quy định mức xử phạt hành chính 2 triệu đồng đối với hành vi dụ dỗ, hứa hẹn và quảng cáo gian dối để lừa gạt NLĐ quy định tại điều 19 của Bộ Luật Lao động hoặc với hành vi lợi dụng dịch vụ việc làm để thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật trái với quy định tại điều 19 của Bộ Luật Lao động”. Điều 26 của Nghị định 38/CP cũng quy định: Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính, bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại về vật chất thì phải bồi thường”. |
Bình luận (0)