icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Giám đốc bỏ trốn, NLĐ có nguy cơ mất trắng quyền lợi

Phạm Hồ

Tại TPHCM, tình trạng chủ doanh nghiệp biến mất không còn là cá biệt . Thiếu cơ chế giải quyết để bảo đảm quyền lợi cho người lao động

Ngày 15-11, mặt bằng của Công ty Karos đã bị Công ty Huy Hoàng thu hồi, 1.200 công nhân (CN) chính thức ngưng việc. Thế nhưng, đến nay giám đốc Công ty Karos vẫn chưa trở lại VN để giải quyết quyền lợi của người lao động (NLĐ). Thời gian gần đây, trên địa bàn TPHCM đã xảy ra hàng chục trường hợp tương tự mà hậu quả là CN mất hết quyền lợi. Đáng nói, đến nay cơ chế giải quyết vấn đề này để bảo đảm quyền lợi cho NLĐ vẫn bỏ ngỏ.

Giám đốc “biến mất”, CN lãnh đủ!

Vừa qua, 26 CN Công ty Stylis, 100% vốn đầu tư của Hàn Quốc (huyện Củ Chi –TPHCM), đề nghị các cơ quan chức năng can thiệp bảo vệ quyền lợi. Số CN trên cho biết, trước đây họ làm việc cho Công ty Modewin, sau đó công ty này cho Công ty Stylis thuê lại nhà xưởng sản xuất. Họ làm việc ở những phân xưởng cho thuê nên bị Công ty Modewin chấm dứt hợp đồng lao động và chuyển sang làm việc cho Công ty Stylis. Sau một năm, Công ty Stylis ngưng sản xuất, giám đốc bỏ về nước, không ai giải quyết quyền lợi cho họ.

Nghiêm trọng hơn là tại Công ty Hangvietco, 100% vốn Hàn Quốc (quận Tân Bình –TPHCM), 600 CN bị nợ lương và BHXH mà không biết đòi ai! Trước đó, giám đốc công ty bỏ trốn, người nhà của giám đốc dù còn ở lại VN nhưng lại thoái thác trách nhiệm. Đến nay, cơ hội để những lao động trên đòi lại quyền lợi hầu như không còn. Theo báo cáo của các cấp Công đoàn TP, tình trạng chủ doanh nghiệp (DN) đột ngột “biến mất” ngày càng phổ biến; kéo theo hàng ngàn NLĐ bị tước đoạt quyền lợi, không biết kêu ai!

Quyền lợi đầu tiên được giải quyết... sau cùng

Theo quy định của pháp luật hiện hành, khi DN phá sản thì quyền lợi của NLĐ là khoản nợ ưu tiên phải trả. Nhưng thực tế, hầu hết các trường hợp chủ DN bỏ trốn, quyền lợi của NLĐ thường được giải quyết sau cùng. Trở lại vụ việc ở Công ty Hangvietco, khi cơ quan chức năng quận yêu cầu bán tài sản để giải quyết chế độ cho NLĐ thì phía ngân hàng mà công ty vay nợ không đồng ý vì tài sản của công ty đã thế chấp cho ngân hàng.

Trước đây, tại quận Tân Bình, Công ty Marixon bị thua lỗ, giám đốc bỏ về nước, trên 200 lao động cũng lâm vào tình trạng khốn đốn. Ngân hàng và các đối tác buộc thanh lý tài sản để cấn trừ nợ. LĐLĐ quận kiến nghị UBND quận can thiệp, tìm nguồn kinh phí trả lương để các nhân viên bảo vệ canh giữ, không để tài sản bị thanh lý. Qua 6 tháng kiên trì đấu tranh, UBND quận cho thanh lý tài sản của công ty được gần 200 triệu đồng. Số tiền này chỉ trả được một phần nợ lương cho CN, còn các khoản trợ cấp thôi việc, BHXH bị mất trắng.

Đối với trường hợp Công ty Karos, dù các cơ quan chức năng TP đã có những biện pháp cần thiết như phong tỏa tài sản, tài khoản... của công ty nhưng trị giá tài sản không lớn, không đủ để giải quyết khoản nợ trên 3 tỉ đồng công ty còn nợ cơ quan BHXH và CN. Chưa kể, nếu công ty còn nợ ngân hàng hay đối tác khác, thì quyền lợi của NLĐ có bị gạt ra ngoài như đã từng xảy ra? Đây là vấn đề mà ngay từ bây giờ các cơ quan chức năng phải tính đến để sau này không xảy ra tranh chấp, dẫn đến thiệt thòi quyền lợi NLĐ.

Chẳng lẽ đành bó tay?

Ông Trần Minh Vũ, Chủ tịch LĐLĐ quận Tân Phú, nhận định: Nếu được tòa tuyên bố DN phá sản, thì LĐLĐ quận có thể đại diện NLĐ đề nghị các cơ quan chức năng ưu tiên giải quyết quyền lợi của NLĐ theo quy định. Nhưng trường hợp chủ DN bỏ trốn thì tòa án có thể tuyên bố DN phá sản được không? Vấn đề này chưa có tiền lệ và có nguy cơ rơi vào bế tắc. Thực tế còn phức tạp hơn: Nhiều DN, nhất là DN vừa và nhỏ thuê nhà xưởng để sản xuất, thậm chí cả máy móc cũng thuê nên khi thua lỗ, giám đốc bỏ trốn, chẳng có tài sản gì có thể thanh lý để trả nợ CN. Một cán bộ Công đoàn quận Gò Vấp cho biết: Nhiều DN đóng cửa, ông chủ bỏ trốn mà các cơ quan chức năng còn không biết thì làm sao can thiệp cho NLĐ!

Theo các chuyên gia lao động, cơ chế giám sát hoạt động của DN hiện nay quá lỏng lẻo nên khi có vụ việc xảy ra các cơ quan chức năng không thể can thiệp kịp thời. Điển hình như việc thu BHXH, cơ quan cấp phép kinh doanh và cơ quan BHXH không có sự phối hợp chặt chẽ nên chỉ riêng việc tìm số lượng DN đang hoạt động để thu BHXH đã quá khó khăn, huống chi là giám sát hoặc giải quyết hậu quả! Trường hợp giám đốc DN bỏ trốn, nếu không có sự hợp tác của cơ quan lao động và DN không khai báo thì cơ quan BHXH đành... bó tay!

Trong khi biện pháp giải quyết quyền lợi cho NLĐ còn quá mơ hồ thì quyền lợi bị mất của NLĐ đã quá rõ ràng. Không chỉ hiện tại, mà sau này đời sống của hàng ngàn lao động sẽ rất khó khăn nếu các cơ quan chức năng còn chưa xem vấn đề trên là quan trọng.

-------------------

DIỄN ĐÀN QUẢN LÝ

Luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn Luật sư TPHCM:

Vẫn tuyên phá sản nếu chủ DN bỏ trốn

Theo Luật Phá sản hiện hành, nếu chủ DN bỏ trốn, các cơ quan chức năng có thể cử người đại diện cho DN để tiến hành thủ tục phá sản. Sau khi tòa án tuyên phá sản, DN trả phí phá sản thì quyền lợi của NLĐ được giải quyết trước tiên rồi mới đến các khoản nợ khác.

Ông Trương Lâm Danh, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra, LĐLĐ TPHCM:

Công đoàn đại diện NLĐ đòi quyền lợi

Khi chủ DN bỏ trốn, nếu NLĐ có yêu cầu, Công đoàn sẽ đại diện để đòi quyền lợi cho NLĐ. Trường hợp DN chưa có Công đoàn, NLĐ có thể yêu cầu Công đoàn quận, huyện nơi DN đóng trụ sở đại diện.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo