Mới đây, tại diễn đàn Quốc hội, khi góp ý cho Dự luật Tố tụng dân sự, ông Đặng Ngọc Tùng, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ VN, đã phát biểu: “Đình công không phải là tranh chấp lao động tập thể, mà là cách thức giải quyết tranh chấp của tập thể lao động”. Phát biểu này hoàn toàn chính xác bởi tại Điều 172 Bộ Luật Lao động quy định, khi xảy ra tranh chấp lao động tập thể, nếu tập thể lao động không đồng ý với quyết định của Hội đồng Trọng tài lao động cấp tỉnh thì có quyền yêu cầu TAND giải quyết hoặc đình công.
Đường đi không đến...
Thế nhưng, trong một cuộc họp bàn về đình công trên địa bàn TPHCM mới đây, bà Trần Thị Thanh Mai, Chánh Tòa Lao động- TAND TPHCM, cho biết từ khi Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động có hiệu lực thi hành ngày 1-7-1996 đến nay, đình công là giải pháp duy nhất được người lao động (NLĐ) lựa chọn để giải quyết tranh chấp lao động tập thể. Lý do cũng dễ hiểu: Đình công, dù sai trình tự luật định nhưng vì đụng chạm đến lợi ích của doanh nghiệp nên yêu sách sẽ được chủ giải quyết ngay. Còn kiện ra tòa, nếu không đúng các bước thủ tục theo quy định (tương tự thủ tục đình công là phải thu thập chữ ký, thông qua hòa giải cơ sở, trọng tài lao động...) thì đơn kiện sẽ không được thụ lý.
Mặt khác, với chức năng xét xử khi có yêu cầu của các bên tranh chấp, tòa án không thể tự mình đi đến nơi có tranh chấp để phân xử như cơ quan lao động hoặc Công đoàn. Kết quả là, gần 10 năm qua, Tòa Lao động TPHCM đành phải “đứng nhìn” các vụ tranh chấp lao động tập thể... từ xa!
Đình công phải do Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở quyết định khi được quá nửa tập thể lao động tán thành bằng cách bỏ phiếu hoặc lấy chữ ký. Sau đó, Ban Chấp hành Công đoàn phải cử đại diện trao bản kiến nghị cho người sử dụng lao động; đồng thời gởi thông báo cho cơ quan quản lý lao động cấp tỉnh và LĐLĐ cấp tỉnh, nêu rõ vấn đề bất đồng, yêu cầu giải quyết, kết quả bỏ phiếu và thời điểm bắt đầu đình công. Cuộc đình công vi phạm quy định nêu trên là đình công bất hợp pháp. Việc kết luận đình công bất hợp pháp thuộc thẩm quyền của TAND. (Trích Điều 173, 176 Bộ Luật Lao động)
Trình tự, thủ tục đình công
Công đoàn và cơ quan lao động làm thay tòa án
Dù đình công không phải là tranh chấp lao động như đã nói, nhưng Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động lại quy định: Thẩm quyền giải quyết các cuộc đình công thuộc về TAND. Tòa án có quyền yêu cầu ngừng cuộc đình công, buộc người sử dụng lao động phải giải quyết các yêu sách của NLĐ, trả lương và các quyền lợi khác cho NLĐ trong thời gian tham gia đình công... Trên thực tế, khi xảy ra đình công, các cấp Công đoàn và cơ quan quản lý lao động đã làm thay tòa án những phần việc này- chủ yếu bằng hòa giải.
Hoàn toàn có thể chia sẻ được băn khoăn của bà Chánh Tòa Lao động TPHCM: Cuộc đình công đã giải quyết xong rồi, NLĐ đã trở lại làm việc, chủ đã đồng ý bồi thường, chấp nhận các yêu sách. Vậy tòa án giải quyết cuộc đình công thì giải quyết cái gì? Quy định như vậy, chẳng phải đã đem “cái cày đặt trước con trâu” hay sao? Có nghĩa, đây là nhiệm vụ bất khả thi của tòa án!
Phải có luật riêng về đình công
Mới đây, giám đốc một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại huyện Củ Chi - TPHCM, sau nhiều lần bị thiệt hại vì NLĐ đình công mà không phải do lỗi của doanh nghiệp, đã “hạ quyết tâm” kiện NLĐ ra tòa để phân xử đúng sai. Nhưng tòa án chưa thụ lý vì phải chờ xin ý kiến của TAND Tối cao. Hẳn là TAND Tối cao cũng đang “rối”, bởi thủ tục khởi kiện để kết luận cuộc đình công hợp pháp hay bất hợp pháp cũng vô cùng rắc rối. Đó là phải có bản sao các yêu cầu, bản thông báo về cuộc đình công, quyết định của hội đồng trọng tài cấp tỉnh... Ông giám đốc doanh nghiệp nói trên chỉ còn biết... giậm chân kêu trời vì những thứ ấy tìm đâu ra?
Chúng tôi đã tham khảo ý kiến một số giám đốc doanh nghiệp cổ phần, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và ngoài quốc doanh, hầu hết đều đồng tình với ý kiến ông Đặng Ngọc Tùng: Không nên đưa tố tụng lao động vào chung với tố tụng dân sự mà cần phải có luật riêng về đình công và giải quyết đình công vì đây là một dạng quan hệ đặc thù. Nó không giống các quan hệ dân sự khác ở chỗ những thỏa thuận này được hình thành trên cơ sở pháp luật lao động và thỏa thuận cũng phải tuân thủ pháp luật.
Bình luận (0)