Thế nhưng NĐ 44/CP (ngày 9-5-2003, thay thế NĐ 198/CP), ngoài một số nội dung phù hợp, vẫn còn nhiều điều khoản bất hợp lý, chưa đáp ứng sự mong đợi đó.
Thế nào là NSDLĐ chấm dứt hợp đồng trái luật?
Khoản 1 điều 14 NĐ 44/CP quy định: “NLĐ chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật theo quy định tại điều 41 Luật SĐBS là chấm dứt không đúng lý do tại khoản 1 hoặc không báo trước theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 điều 37 Luật SĐBS, thì không được trợ cấp thôi việc (TCTV). Theo các chuyên gia lao động, quy định như trên là không rõ ràng, chưa đầy đủ, vì chỉ đề cập một phía là NLĐ, mà không đề cập trường hợp NSDLĐ chấm dứt HĐLĐ với NLĐ trái pháp luật.
Lẽ ra, NĐ phải làm rõ điều ấy, để dễ vận dụng khoản 1 điều 41 Luật SĐBS. Nếu không, sự lập lờ trên sẽ đem đến sự tùy tiện, thậm chí tạo tiền lệ không tốt. Trong thực tế có nhiều doanh nghiệp (DN), nhất là DN có vốn đầu tư nước ngoài, lấy lý do cạnh tranh, bảo đảm bí mật kinh doanh, đường đột đưa ra quyết định chấm dứt HĐLĐ và lập tức thu dọn đồ đạc, tư trang của NLĐ, yêu cầu NLĐ ra khỏi công ty, thậm chí có nơi còn “áp tải” NLĐ rời nơi làm việc. Hành vi này có được xem là chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật hay không?
Chưa lấp được những điểm sơ hở trước đây
Một trong những điểm vướng mắc tồn tại nhiều năm qua là “cửa” chi trả TCTV trong trường hợp cơ quan, DN mà NLĐ làm việc trước đây là đơn vị Nhà nước nhưng khi NLĐ thôi việc thì đã chấm dứt hoạt động. NĐ 198/CP nói chung chung trong trường hợp trên là “ngân sách chi trả” thì nay NĐ 44/CP chỉ thay bằng cụm từ “ngân sách Nhà nước sẽ hoàn trả”. Ngân sách thuộc cơ quan nào, cũng lại tiếp tục không có hướng dẫn của Bộ Tài chính, nên có rất nhiều trường hợp xảy ra phiền hà, bế tắc cho NLĐ thuộc đối tượng trên khi nhận TCTV.
Một điểm sơ hở khác trước đây vẫn chưa được khắc phục là quy định về TCTV. Khoản 1 điều 14 NĐ 44/CP xác định: NLĐ bị sa thải theo điểm c, khoản 1, điều 85 Luật SĐBS (tự ý bỏ việc 5 ngày cộng dồn trong tháng, 20 ngày cộng dồn trong một năm mà không có lý do chính đáng) vẫn được TCTV. Như vậy sẽ là bất hợp lý, khi NLĐ làm đơn xin chấm dứt HĐLĐ (theo điều 37) nhưng không được đồng ý, nếu tự ý nghỉ việc thì sẽ không được TCTV; còn trường hợp vô kỷ luật, không chấp hành nội quy lao động, tùy tiện nghỉ việc nhiều ngày dẫn đến phải sa thải lại được TCTV. Tại nhiều hội thảo, góp ý, không ít lần vấn đề này được mổ xẻ, đề nghị sửa đổi, song NĐ 44/CP vẫn không điều chỉnh.
Thời gian làm việc chưa rõ ràng
Theo pháp luật hiện hành, thời gian làm việc tiêu chuẩn là 8 giờ/ngày hoặc 48 giờ/tuần. Điều 71 Luật SĐBS quy định: NLĐ làm việc 8 giờ liên tục thì được nghỉ ít nhất nửa giờ, tính vào giờ làm việc. Có thể hiểu điều trên là thời gian làm việc chính thức của NLĐ là 7 giờ 30 phút/ngày được hay không? Song, lại có DN thực hiện như sau: Sáng công nhân (CN) làm việc liên tục 4 giờ, nghỉ trưa 1 giờ; sau đó làm việc liên tục 4 giờ nữa. Theo cách trên, có thể thấy rõ NLĐ làm việc liên tục 8 giờ, thậm chí là 9 giờ nếu tính cả 1 giờ được cho là nghỉ trưa. Nhiều CN cho biết: làm liên tục như vậy, chịu không nổi, khối văn phòng hành chính còn có thể đi ra vào thư giãn, CN đứng máy đành chịu. Đây cũng là vấn đề cần được Bộ LĐ-TB-XH làm rõ để không thiệt thòi quyền lợi hợp pháp, chính đáng của NLĐ và giúp NSDLĐ vận dụng dễ dàng.
DIỄN ĐÀN QUẢN LÝ |
Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM Mai Đức Chính:
Phải sòng phẳng trong quan hệ lao động
Trong quan hệ lao động có nhiều diễn biến đa dạng và phức tạp, vì vậy pháp luật phải thể hiện sự bình đẳng, sự sòng phẳng giữa hai chủ thể là NSDLĐ và NLĐ; đồng thời các văn bản dưới luật nên rõ ràng, chi tiết để dễ vận dụng, thực hiện suôn sẻ. Những dẫn chứng nêu trên cho thấy có nhiều vấn đề các nghị định hướng dẫn thực hiện Luật SĐBS chưa điều chỉnh, sửa đổi. Tại sao không làm rõ trường hợp nào là NSDLĐ chấm dứt HĐLĐ với NLĐ trái luật, để chính NSDLĐ hiểu hơn, kịp điều chỉnh hành vi để không sai phạm? Không nên chỉ đưa ra một phía là NLĐ mà thôi.
Ông Nguyễn Văn Nam, Giám đốc Công ty Minh Thành:
Bỏ khái niệm “liên tục” sẽ dễ thực hiện
Hiện nay, phần nhiều DN tổ chức làm việc theo giờ hành chính: buổi sáng làm việc 4 giờ, nghỉ trưa khoảng 1 giờ, sau đó tiếp tục làm thêm 4 giờ của buổi chiều. Nếu hiểu một cách máy móc như quy định thì đây không phải là thời gian làm việc liên tục nên DN không bắt buộc phải cho NLĐ nghỉ 30 phút tính vào thời gian làm việc. Trong thực tế, với thời gian nghỉ trưa 1 giờ, NLĐ ăn trưa xong, ngồi vật vạ đâu đó vài phút rồi tiếp tục làm việc, xem như không được nghỉ. Tôi cho rằng, nên bỏ hai từ “liên tục” thì sẽ dễ cho DN và có lợi cho NLĐ.
Bình luận (0)