xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Những quy định làm khó cả đôi bên

Trường Hoàng

Rất nhiều quy định lỗi thời, không phù hợp thực tế nhưng chậm được sửa đổi, gây khó cho cả doanh nghiệp và người lao động

“Chỉ sau khi nhân viên viện dẫn điều 59 Bộ Luật Lao động (BLLĐ) để bắt bẻ, chúng tôi mới biết luật quy định phải trả lương cho người lao động (NLĐ) tại nơi làm việc và trả bằng tiền mặt. Hiện nay, việc trả lương qua thẻ đã trở nên phổ biến, thậm chí là bắt buộc nhưng điều 59 BLLĐ vẫn chưa được sửa đổi. Vô hình trung, rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp (DN) đang phạm luật”. Bà Trần Thị Quỳnh Chi, Phó Giám đốc Công ty Quốc Khang (quận 3- TPHCM), đã than thở như vậy khi nhận được đơn khiếu nại của nhân viên do các cơ quan chức năng chuyển đến. Trong thực tế, không chỉ vấn đề tiền lương mà rất nhiều quy định khác của BLLĐ đã không còn phù hợp nhưng chậm được sửa đổi, gây khó khăn cho cả NLĐ lẫn người sử dụng lao động (NSDLĐ).
img
Lao động nữ vẫn còn chịu nhiều thiệt thòi vì chính sách không khả thi. Ảnh: Hồng Đào

Luật có nhưng khó thực hiện

Một cán bộ Thanh tra Lao động TPHCM kể: BLLĐ có nhiều quy định về việc NSDLĐ phải bảo đảm nơi làm việc đạt tiêu chuẩn về không gian, độ thoáng, độ sáng, đạt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép về bụi, hơi, khí độc, phóng xạ, điện từ trường, nóng, ẩm, ồn, rung và các yếu tố có hại khác. Các yếu tố đó phải được định kỳ kiểm tra đo lường. Trong thực tế, tại TPHCM, có đến hơn 70% các DN nhỏ và vừa được kiểm tra không bảo đảm điều kiện làm việc cho NLĐ về ánh sáng, nhiệt độ, tiếng ồn... Đối với quy định NLĐ tham gia quản lý DN thì rất khó, nếu không nói là không thể thực hiện. Còn đình công thì không có vụ nào theo đúng trình tự pháp luật kể từ năm 1995 đến nay.

Ông Lại Văn Lâm, Trưởng Phòng Nhân sự Công ty Việt Đại (quận 6- TPHCM), lại kể một câu chuyện khác khiến ông “dở khóc dở mếu”: Một nhân viên của công ty sau khi nghỉ việc đã khiếu nại khắp nơi để đòi sổ lao động. “Từ trước tới nay, công ty có làm sổ cho NLĐ đâu nên lấy gì mà trả như quy định tại điều 43 BLLĐ? Tôi biết nhiều công ty khác cũng không làm...”.

Quy định thiếu rõ ràng

Một quy định khác của BLLĐ cũng khiến cả hai bên khó xử là vấn đề giao kết hợp đồng lao động “bằng miệng”. Bà Hoàng Thanh Trang, Giám đốc Công ty Phúc Thịnh (quận Tân Phú- TPHCM), phân tích: “Ông bà ta nói lời nói gió bay. Giao kết bằng miệng được pháp luật thừa nhận nhưng trong thực tế lại không có cơ sở pháp lý để thực hiện. Gặp chủ DN tử tế thì NLĐ được nhờ, ngược lại, NLĐ sẽ chịu muôn phần thua thiệt”.

Thời gian gần đây, LĐLĐ TP nhận được nhiều đơn thư của NLĐ khiếu nại về việc đột ngột bị “cấm cửa” khi chỉ còn vài ngày nữa là hết hạn thử việc. Làm việc với các cơ quan chức năng, DN viện dẫn điều 32 BLLĐ quy định “Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền hủy bỏ thỏa thuận làm thử mà không cần báo trước và không phải bồi thường...”.  Ông Lê Ngọc Minh, ngụ tại quận 3 - TPHCM, bức xúc: “Tôi có bằng đại học, 8 năm kinh nghiệm làm nhân viên kinh doanh, được Công ty Khang An nhận vào thử việc ở chức danh trợ lý trưởng phòng kinh doanh. Làm được 58 ngày, sang ngày thứ 59, khi đến công ty, bảo vệ không cho vào. Sau đó, tôi được thông báo lý do là công ty hủy bỏ thỏa thuận thử việc”.

Chính sách lao động nữ: Có cũng như không!

Đối với lao động nữ, BLLĐ có rất nhiều quy định để ưu đãi, bảo vệ nhưng trong thực tế, hầu như rất khó thực hiện. Chẳng hạn quy định về việc “các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm mở rộng nhiều loại hình đào tạo thuận lợi cho lao động nữ để ngoài nghề đang làm, lao động nữ còn có thêm nghề dự phòng và để việc sử dụng lao động nữ được dễ dàng, phù hợp với đặc điểm về cơ thể, sinh lý và chức năng làm mẹ của phụ nữ”. Hay quy định “Nghiêm cấm NSDLĐ có hành vi phân biệt đối xử với phụ nữ... NSDLĐ phải thực hiện nguyên tắc bình đẳng nam nữ về tuyển dụng, sử dụng, nâng bậc lương và trả công lao động”. “Việc các DN chỉ tuyển lao động nam công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nếu không phải phân biệt đối xử thì là gì?” - bà Thạch Thị Nhàn, cán bộ nữ công một công ty may tại quận 12 - TPHCM, cho biết. 

Cũng về chính sách lao động nữ, có rất nhiều quy định “đặt ra cho có”. Chẳng hạn quy định “NLĐ nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút (điều 115); nơi có sử dụng lao động nữ, phải có chỗ thay quần áo, buồng tắm và buồng vệ sinh nữ; ở những nơi sử dụng nhiều lao động nữ, NSDLĐ có trách nhiệm giúp đỡ tổ chức nhà trẻ, lớp mẫu giáo (điều 116); các DN sử dụng nhiều lao động nữ phải phân công người trong bộ máy quản lý điều hành DN làm nhiệm vụ theo dõi vấn đề lao động nữ (điều 118)...

“Chưa có vụ nào người lao động được xin lỗi công khai”

Một vấn đề được rất nhiều NLĐ quan tâm, đồng tình nhưng “từ khi có luật đến giờ, chưa thấy NSDLĐ nào thực hiện”. Đó là quy định tại điều 94 BLLĐ: Khi cơ quan có thẩm quyền kết luận về quyết định xử lý của NSDLĐ là sai thì NSDLĐ phải hủy bỏ quyết định đó, xin lỗi công khai, khôi phục danh dự cho NLĐ. Một luật sư chuyên tham gia bảo vệ NLĐ tại các cấp tòa án TPHCM cho biết: “Rất nhiều vụ NLĐ thắng kiện, tòa tuyên buộc phải hủy quyết định kỷ luật, sa thải... nhưng trong tất cả các vụ kiện mà tôi tham gia, chưa có vụ nào NLĐ được xin lỗi công khai. Trầy trật lắm  thì cũng chỉ đòi được tiền lương, trợ cấp...”. 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo