Bài 1: Hao mòn sức lực, thêm bệnh vào người
Ông Nguyễn Tiến Phụng, công nhân (CN) Xí nghiệp Ắc-quy Cửu Long, vừa gởi đơn đến các cơ quan chức năng TP đề nghị can thiệp bảo vệ quyền lợi. Theo ông Phụng, sau 14 năm làm việc, do phải thường xuyên tiếp xúc với hóa chất độc hại, ông bị bệnh nghề nghiệp, sức khỏe suy giảm nghiêm trọng nhưng công ty không có chính sách trợ cấp hay bồi thường cho ông. Không chỉ ông Phụng, rất nhiều người lao động (NLĐ) đang bị bào mòn sức khỏe vì điều kiện, môi trường lao động không an toàn.
Biết nguy hiểm, vẫn làm
Theo các chuyên gia vệ sinh lao động, bụi phổi là căn bệnh phổ biến nhưng bào mòn sức khỏe NLĐ ghê gớm nhất. Các loại bụi cao su, nhựa, bụi than... đọng lại trong phổi của NLĐ trong quá trình sản xuất làm suy kiệt khả năng hô hấp của phổi. Đặc biệt, các loại bột tale (bột cao lanh) trong ngành chế biến cao su hiện vẫn được hàng trăm cơ sở chế biến cao su ở quận 5, quận 8, Tân Bình sử dụng. Loại bột này không hòa tan được nên khi nhiễm vào phổi rất khó chữa trị. Tại Công ty Chế biến vỏ ruột xe Shihfa (phường 10, quận Tân Bình - TPHCM), chúng tôi thấy hàng trăm CN làm việc trong môi trường bụi bặm, đen ngòm nhưng chỉ được trang bị một khẩu trang mỏng. Đa số họ là CN nhập cư nên tuy biết môi trường làm việc độc hại vẫn phải chấp nhận. Các CN cho biết, họ làm việc đến 12 giờ mỗi ngày trong môi trường như thế nhưng thu nhập hằng tháng chỉ khoảng 1,3 triệu đồng/người.
Còn tại các cơ sở thủy tinh ở phường 5, 11, 14 (quận 11 - TPHCM), hàng ngàn NLĐ phải làm việc trong điều kiện nóng bức ghê gớm. Nhiệt độ nấu thủy tinh tái chế phải đạt trên 8000- 1.3000C nên trong xưởng luôn nóng bức, xấp xỉ 600C. Do lò nấu hoạt động liên tục, NLĐ phải làm việc theo 3 ca, sức khỏe suy kiệt. Anh Nguyễn Thành Phong, CN thổi thủy tinh, cho biết khi làm việc, người luôn đổ mồ hôi. Cứ sau 2 giờ phải uống hàng lít nước để bù vào. Sau 3 năm làm nghề, anh Phong không chịu nổi đành tìm công việc khác. Tại phường 15 (quận 11), do phải thường xuyên tiếp xúc với chì, 2 người con chủ cơ sở tái chế vỏ bình ắc-quy bị nhiễm độc chì nặng. Dốc hết tài sản, chủ cơ sở chỉ cứu được 1 người. Độc hại như thế, nhưng hàng chục cơ sở nấu chì ở huyện Bình Chánh - TPHCM, các cơ sở tái chế dây chì ở quận 11 vẫn ngày đêm hoạt động. NLĐ cứ đối mặt với những căn bệnh nghề nghiệp hiểm nghèo.
Mắc nhiều bệnh nghề nghiệp
Vừa qua, một số CN một công ty thủy sản ở quận Bình Tân -TPHCM, khiếu nại vì làm việc trong môi trường khắc nghiệt. Công việc chế biến thủy sản bắt buộc CN phải đứng liên tục trong môi trường rất lạnh. Cứ bình quân 8 giờ làm việc họ được nghỉ 30 phút ăn cơm, nghỉ ngơi. Vào mùa hàng gấp, từ tháng 5 đến tết âm lịch, CN phải thường xuyên làm việc 12 giờ/ngày nhưng thu nhập cũng chỉ khoảng 1 triệu đồng/người/tháng. Theo thống kê của các cơ quan chức năng, do phải đứng thường xuyên, hầu hết CN chế biến thủy sản đều bị giãn tĩnh mạch chân. Nhiều người sau một ca làm việc bàn chân bị sưng phù. Tình trạng này kéo dài thì sức khỏe của NLĐ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Một kết quả nghiên cứu của Phân viện Bảo hộ Lao động tại TPHCM cho thấy, rất nhiều CN thủy sản mắc các loại bệnh viêm họng, viêm mũi, giãn tĩnh mạch... Điều này phù hợp với thực tế: Một xí nghiệp thủy sản của Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn, sử dụng 2.200 lao động nhưng hằng tháng, phòng y tế của xí nghiệp phải khám, điều trị cho trên 700 lượt lao động bị các loại bệnh trên.
Cải thiện môi trường: Không thể hay không muốn?
Ông Võ Văn Vạn, quản đốc Công ty Shihfa, cho biết: Thời gian qua, công ty đã cải thiện tình trạng phát tán bột tale bằng cách trang bị hệ thống phun hơi nước để bụi theo hơi nước ngưng tụ rơi xuống đất. Thế nhưng theo chúng tôi nhận xét, việc này chỉ tránh được tình trạng phát tán bụi lan ra khu dân cư lân cận chứ không cải thiện được tình trạng phát tán bột tale trong xưởng. Còn việc giảm giờ làm, giảm nguy cơ tiếp xúc với bụi thì công ty đành chịu vì phải tăng giờ sản xuất để kịp tiến độ giao hàng!
Còn ở ngành thủy sản, trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Thu, Trưởng Phòng Tổ chức Hành chánh Xí nghiệp Chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre, cho biết không thể thực hiện việc thay đổi tư thế làm việc vì sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất lao động. Các ngành nghề nhuộm, nấu chì, thủy tinh... việc khắc phục độc hại trong môi trường làm việc hầu như là không thể thực hiện. Nguyên nhân chính là các chủ cơ sở sản xuất không muốn tốn kém chi phí để thay đổi thiết bị công nghệ đã quá lạc hậu. Và, NLĐ cứ vậy mà bán rẻ sức khỏe của mình!
DIỄN ĐÀN QUẢN LÝ Bác sĩ Đỗ Khánh Dương, Phó Giám đốc Trung tâm Sức khỏe lao động và Môi trường TPHCM: Nhiều hóa chất độc hại không bị cấm sử dụng Hiện rất nhiều hóa chất độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe NLĐ vẫn không bị cấm sử dụng trong sản xuất. Những loại này có thể gây ngộ độc tức thời và lâu dài, gây quái thai, biến đổi gien... Ví dụ như bột tale trong ngành chế biến cao su gây bệnh bụi phổi hoặc khí các-bon khi đốt lò bằng than đá có thể gây tử vong tại chỗ... Nhiều chất nếu sử dụng riêng rẽ không gây độc nhưng khi kết hợp với các chất khác lại rất độc như một số chất trong ngành sản xuất phân bón. Ông Huỳnh Tấn Dũng, Trưởng Ban Thanh tra Kỹ thuật An toàn – Bảo hộ lao động, sở lđ-tbxh: Chưa có cơ chế thanh tra vệ sinh lao động Từ năm 2003, thanh tra vệ sinh lao động được sáp nhập vào thanh tra về an toàn lao động. Thế nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn về cơ chế hoạt động. Thực tế, việc thanh tra, kiểm tra, xử lý trong lĩnh vực này vẫn còn bỏ ngỏ. |
Bình luận (0)