Trong đơn gởi đến Báo Người Lao Động ngày 25-12, tập thể công nhân (CN) Công ty Nidec Copal (Khu Chế xuất Tân Thuận, TPHCM) thắc mắc: “Theo quy định của Bộ Luật Lao động (BLLĐ) đã được sửa đổi, tiền lương trả cho những ngày phép năm mà người lao động (NLĐ) chưa nghỉ phải là 300% nhưng công ty chỉ trả 100%. Giám đốc nói nếu chúng tôi xin nghỉ mà công ty không cho nghỉ thì mới tính 300%, song muốn nghỉ phép thì phải có lý do như cưới hỏi, ma chay...”. Một thông tin khác mà chúng tôi vừa nhận được ngày 29-12 là bước sang năm 2004, nhiều doanh nghiệp (DN) tại các khu chế xuất và khu công nghiệp (KCX-KCN) TPHCM sẽ bố trí cho NLĐ nghỉ bù phép năm 2003 để không phải thanh toán tiền lương với mức 300%. Một cán bộ CĐ các KCX-KCN TP nói: “Tôi hình dung mới đầu năm mà hàng loạt DN đóng cửa, ngừng sản xuất vì CN nghỉ phép mà không khỏi giật mình lo lắng!”.
NLĐ nghỉ phép không cần lý do
Pháp luật lao động quy định NLĐ được nghỉ hưởng nguyên lương vào các ngày lễ trong năm, ngày nghỉ hằng năm (thường gọi là phép năm), ngày phép năm tăng lên theo thâm niên làm việc và nghỉ việc riêng do cưới hỏi, ma chay. Như vậy, hằng năm, NLĐ có quyền được nghỉ tối thiểu 12 ngày phép mà vẫn được trả 100% tiền lương. Tuy nhiên, kết quả một cuộc khảo sát của chúng tôi tại 6 DN có đông lao động tại huyện Bình Chánh và quận Tân Bình (cũ) cho thấy: Hầu hết NLĐ không được nghỉ phép năm. Khi có việc cần nghỉ, họ chỉ được DN giải quyết nghỉ việc riêng không hưởng lương.
Theo ông Võ Văn Đời, Chủ nhiệm Văn phòng Tư vấn Pháp luật LĐLĐ TPHCM, phép năm là những ngày NLĐ mặc nhiên được nghỉ khi có nhu cầu, không cần phải có lý do theo yêu cầu của DN song phải báo trước để DN chủ động bố trí người thay thế, không làm ảnh hưởng sản xuất, kinh doanh. Trường hợp giám đốc Công ty Nidec Copal chỉ giải quyết phép năm cho NLĐ khi có cưới hỏi, ma chay là không đúng quy định.
Người sử dụng LĐ có quyền quy định lịch nghỉ
Trong năm 2003, rất nhiều vụ tranh chấp, đình công của NLĐ có liên quan đến vấn đề phép năm. Mới đây, CN Công ty Youg Sheng (huyện Hóc Môn –TPHCM) khiếu nại: Công ty thông báo từ 1-9 đến 31-12, CN phải nghỉ hết phép năm, không được nghỉ vào thời gian khác. Những ngày nghỉ phép năm lại không được hưởng lương. Ông Ngô Văn Hoàng, phụ trách nhân sự công ty, cho biết thời gian này ít hàng nên công ty bố trí cho CN nghỉ phép. Khi nghỉ, CN được hưởng nguyên lương.
Người sử dụng lao động có quyền quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo ý kiến CĐ cơ sở và phải thông báo trước cho mọi người trong DN. Song, thực tế, rất ít DN thực hiện quy định này. Mặt khác, nhiều NLĐ cũng không có nhu cầu nghỉ phép. Ông Phan Văn Hưng, Giám đốc Công ty Hiệp Nguyên (quận 11 - TPHCM), cho biết: “Để tránh tranh chấp, chúng tôi đưa nội dung này vào thỏa ước tập thể. Theo đó, nếu NLĐ không nghỉ phép sẽ được thanh toán tiền vào đầu năm sau”.
Thanh toán tiền phép năm: Bao nhiêu là đúng?
Ông Nguyễn Văn Khải, Phó Ban Thi đua Chính sách LĐLĐ TPHCM, cho biết nếu vì lý do nào đó mà NLĐ chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì phải được trả lương những ngày chưa nghỉ. Mức tiền lương làm căn cứ trả cho NLĐ là tiền lương theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) của tháng trước liền kề, chia cho số ngày làm việc tiêu chuẩn trong tháng. Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Mai, Chủ tịch CĐ Công ty Hưng Việt, trong trường hợp DN đã bố trí lịch nghỉ mà NLĐ không có nhu cầu thì ngoài tiền lương thực tế của ngày làm việc, NLĐ phải được trả thêm 100% tiền lương thời gian theo HĐLĐ. Ngược lại, nếu NLĐ không thể nghỉ phép do yêu cầu của DN thì phải được trả lương bằng 300% tiền lương của ngày làm việc bình thường theo quy định tại Điều 61 BLLĐ.
Ngoài ra, nếu bố trí cho NLĐ nghỉ bù những giờ làm thêm như nhiều DN đang làm hoặc như dự kiến của các DN tại các KCX-KCN TP, thì vẫn phải trả phần chênh lệch 200% so với tiền lương của ngày làm việc bình thường (theo quy định về việc trả lương làm thêm giờ vào ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương).
Bình luận (0)