UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 thuyền trưởng tàu cá với số tiền xử phạt 175 triệu đồng/người vì đã đánh bắt thủy sản trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Khu Bảo tồn biển vịnh Nha Trang.
Xử nặng vi phạm
Theo đó, ngày 23-1, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Đinh Văn Can (ngụ đảo Hòn Tre, phường Vĩnh Nguyên) - thuyền trưởng tàu cá KH-99344-TS, vì đã có hành vi khai thác thủy sản bằng lưới vây tại vùng nước đảo Hòn Mun, phường Vĩnh Nguyên, thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Khu Bảo tồn biển vịnh Nha Trang. Cùng ngày, UBND tỉnh đã có quyết định xử phạt ông Lê Thái Khanh (ngụ phường Phước Long, TP Nha Trang) - thuyền trưởng tàu cá KH-92369-TS, với hành vi tương tự.
Theo Ban Quản lý (BQL) vịnh Nha Trang, ngày 2-1, khi Đội tuần tra phát hiện 2 tàu cá KH-99344-TS và KH-92369-TS có hành vi khai thác thủy sản ở vùng nước gần đảo Hòn Mun, đã yêu cầu dừng việc khai thác thủy sản, chấm dứt hành vi vi phạm. Tuy nhiên, thuyền trưởng 2 tàu cá vẫn cho tàu tiếp tục khai thác. Do đó, đội tuần tra đã phối hợp với lực lượng biên phòng tiến hành kiểm tra và lập biên bản về hành vi khai thác thủy sản trái phép đối với 2 tàu cá trên. Tại thời điểm phát hiện, 2 tàu cá này đều đang đánh bắt ở vị trí cách mép nước chân đảo Hòn Mun khoảng 200 m, nằm trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Khu Bảo tồn biển vịnh Nha Trang.
Theo BQL vịnh Nha Trang, có nhiều trường hợp khai thác bằng các ngư cụ mang tính chất hủy diệt trong Khu Bảo tồn biển vịnh Nha Trang được phát hiện. Năm 2023 đã thu giữ tổng cộng 478 bao dụng cụ bẫy nhử tôm hùm, 80 sợi lờ dây, 3 tay lưới ba màng trong khu bảo tồn biển này.
Ngoài ra, BQL cũng đã xử lý đối với các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh dịch vụ lặn biển chưa đúng nơi quy định, lập biên bản vi phạm, xử phạt 4 trường hợp vi phạm trong dịch vụ lặn biển với hơn 85 triệu đồng.
Ông Huỳnh Bình Thái, Trưởng BQL vịnh Nha Trang, cho biết ranh giới vịnh từ Mũi Kê Gà ở phía Bắc xuống đến núi Cù Hin (mũi Đồng Ba) ở phía Nam với diện tích 249,65 km2. Hiện nay có 4 nhóm vấn đề cần quan tâm là: Nhóm các vấn đề về môi trường và xây dựng của các dự án trên và ven vịnh Nha Trang; hoạt động nuôi trồng và khai thác thủy sản trên vịnh; hoạt động phát triển du lịch và các dịch vụ kèm theo; hoạt động giao thông thủy nội địa.
San hô phục hồi tốt
Trước đó, Báo Người Lao Động đã có loạt bài điều tra về tình trạng suy giảm san hô tại Khu Bảo tồn biển vịnh Nha Trang. Sau đó, tháng 11-2022, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Quyết định 3028 về Kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang đến năm 2030 với 16 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Đến đầu năm 2024, UBND TP Nha Trang đã có báo cáo kết quả 1 năm thực hiện Quyết định 3028 nói trên. Tại báo cáo này, UBND TP Nha Trang đã triển khai đồng bộ 16 yêu cầu nhiệm vụ như: nâng cao nhận thức, kiến thức về cách ứng xử thân thiện với môi trường vịnh Nha Trang; tạm dừng các hoạt động có nguy cơ gây hại đến môi trường và rạn san hô tại khu vực biển Hòn Mun và vịnh Nha Trang; phục hồi san hô tại khu vực Hòn Mun và vịnh Nha Trang; xây dựng sinh kế bền vững của cộng đồng gắn với bảo tồn rạn san hô khu vực Hòn Mun, vịnh Nha Trang; hỗ trợ phục hồi và bảo tồn rùa biển trong Khu Bảo tồn biển vịnh Nha Trang và vùng biển lân cận...
Qua đó, thả tái tạo 12.000 con cá giống các loại và hải sâm xuống vịnh Nha Trang; trồng 2,5 ha rừng ngập mặn ở đảo Đầm Bấy, bãi bồi ven sông Cái, sông Tắc, sông Quán Trường.
Đặc biệt, trong việc phục hồi san hô, BQL vịnh Nha Trang thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát hệ sinh thái rạn san hô, bắt sao biển gai và nhặt rác đáy biển Hòn Mun. Qua đó, hệ sinh thái rạn san hô xung quanh Hòn Mun đang trong quá trình phục hồi với nhiều tín hiệu đáng mừng. Phía Tây Bắc và Bắc Hòn Mun có thành phần của loài san hô tạo rạn, tập trung chủ yếu các loài của giống Porites. San hô loài Millepora dichotoma cũng tồn tại với số lượng lớn. Độ che phủ của san hô dao động trong khoảng từ 30% đến 50%.
Ông Đàm Hải Vân, Phó BQL vịnh Nha Trang, cho biết khu vực phía Tây Hòn Mun là nơi bị ảnh hưởng bão, san hô bị gãy đổ nhiều hiện cũng đang phục hồi, có nhiều mầm non san hô mọc trên nền san hô gãy, các loài thuộc giống Acropora chiếm ưu thế. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng chậm do đặc điểm sinh học của các loài san hô cứng tạo rạn chỉ tăng khoảng 1 cm/năm.
Quy hoạch bãi đẻ cho rùa
UBND TP Nha Trang đã đề xuất đưa khu vực Đầm Tre - Hòn Tre (phường Vĩnh Nguyên) vào phương án điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố, làm cơ sở thành lập bãi rùa đẻ thuộc Khu Bảo tồn biển vịnh Nha Trang. Trong năm 2024, UBND TP Nha Trang sẽ xây dựng Đề án bảo tồn rùa biển trên vịnh Nha Trang, bảo vệ bãi rùa đẻ Bãi Bàng Lớn - nơi rùa đã từng lên đẻ trứng; phối hợp Vườn Quốc gia Côn Đảo chuyển trứng rùa về ấp ở Bãi Bàng Lớn; tổ chức cuộc thi rung chuông vàng chủ đề bảo tồn rùa biển cho học sinh.
Bình luận (0)