Đảng, Nhà nước ta hết sức quan tâm đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Ngay từ những ngày đầu đất nước bước vào công cuộc đổi mới, năm 1987, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành quyết định về triệt để tiết kiệm. Năm 1993, Quốc hội khóa IX ban hành nghị quyết về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; chống tham nhũng, buôn lậu. Năm 1998, Chính phủ ban hành nghị định quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Năm 2005, Quốc hội khóa XI thông qua Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết 74/2022/QH15 về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Sau đó, Chính phủ đã ban hành nghị quyết thực hiện Nghị quyết 74/2022/QH15 của Quốc hội…
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: "Chúng ta chỉ có thể xây dựng chủ nghĩa xã hội bằng cách tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm, sản xuất mà không tiết kiệm thì khác nào gió vào nhà trống".
Những năm qua, việc thực hiện chủ trương của Đảng về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã tạo được chuyển biến tích cực. Hầu hết các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, đều nghiêm túc quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, góp phần quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại.
Tuy vậy, bên cạnh kết quả đạt được, nhận thức về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn có nơi chưa sâu sắc, chưa đầy đủ; có lúc tổ chức chưa tốt, chấp hành chưa nghiêm. Một số cơ quan, đơn vị, địa phương và một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa gương mẫu trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tình trạng lãng phí, thất thoát còn nhiều, một số trường hợp rất nghiêm trọng.
Minh chứng là tại một số tỉnh, thành, nhiều cơ sở nhà đất công bị bỏ hoang. Tình trạng lãng phí xảy ra phổ biến trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, gây những thiệt hại khó đo đếm và khó thu hồi.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong mỗi cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu. Các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường siết chặt kỷ luật, kỷ cương, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí; nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực để phát triển nhanh và bền vững.
Tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án liên quan việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Xử lý nghiêm minh, kịp thời về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Bên cạnh đó, cần kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng điển hình tiên tiến trong thực hiện công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Bình luận (0)