icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Quyết tâm đẩy lùi hàng giả

NHÓM PHÓNG VIÊN

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, các bộ, ngành, địa phương... tập trung đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất hàng giả

Ngày 23-5, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về đánh giá đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực y tế.

"Người dân rất hoang mang"

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhìn nhận thực trạng buôn bán thuốc giả, thực phẩm, mỹ phẩm... không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội, thương mại điện tử đang rất phức tạp. Nhiều đường dây buôn bán hàng giả đã bị phát hiện, trong đó có cán bộ tiếp tay. "Người dân rất hoang mang, ra đường không biết mặt hàng nào được phép lưu hành, mặt hàng nào là giả, nhái. Bộ Y tế đã và đang phối hợp Bộ Công an để xử lý nghiêm tình trạng này" - Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh.

Thượng tá Vũ Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra Tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an), cho biết từ đầu năm đến nay, cơ quan công an đã khởi tố 6 vụ án với hơn 104 bị can liên quan đến tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả. Từ các vụ án này, cơ quan chức năng xác định nhiều thủ đoạn sản xuất, hợp pháp hóa hàng giả tinh vi, như: Lợi dụng cơ chế tự công bố sản phẩm để đăng ký tiêu chuẩn cao nhưng sản xuất không đúng công bố; quảng cáo sai sự thật nhằm trục lợi; lập nhiều doanh nghiệp tại các địa điểm khác nhau để khép kín quy trình từ nhập nguyên liệu, sản xuất đến phân phối, tránh sự kiểm soát; móc nối với một số đơn vị để hợp thức hóa hồ sơ, như làm giả phiếu kiểm nghiệm...

Cũng theo thượng tá Vũ Thanh Tùng, Bộ Công an vừa khởi tố 5 bị can là nguyên lãnh đạo, cán bộ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vì có hành vi tiếp tay trong việc cấp giấy chứng nhận nhà máy sản xuất thực phẩm chức năng và hồ sơ công bố sản phẩm. Các đối tượng cũng lợi dụng kẽ hở trong công tác hậu kiểm. "Chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng điều tra" - thượng tá Tùng cho biết.

Ngoài các thủ đoạn tinh vi, ông Tùng cũng chỉ ra nhiều vướng mắc, bất cập trong hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực dược và an toàn thực phẩm. Việc chậm ban hành các quy định, hướng dẫn thi hành luật đã tạo ra kẽ hở để các đối tượng lợi dụng. "C03 đã kiến nghị Quốc hội tăng mức phạt tù, nâng mức xử phạt tiền nhằm tăng tính răn đe. Việc phòng chống thuốc và thực phẩm giả không chỉ là trách nhiệm của Bộ Y tế, mà cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ trung ương đến địa phương" - thượng tá Vũ Thanh Tùng nói.

Quyết tâm đẩy lùi hàng giả - Ảnh 1.

Đối với các mặt hàng thuốc, mỹ phẩm, người tiêu dùng rất khó phân biệt hàng thật, hàng giả, kém chất lượng Ảnh: TẤN THẠNH

Quyết liệt vào cuộc

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 65/CĐ-TTg ngày 15-5-2025 về mở đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, các cơ quan chức năng, địa phương đang tập trung đấu tranh nhằm ngăn chặn tình trạng này.

Theo đó, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Cao Bằng vừa phối hợp với lực lượng công an kiểm tra thu giữ 5.071 sản phẩm hàng hóa là mỹ phẩm không rõ nguồn gốc và thực phẩm nhập lậu tại hộ kinh doanh V.V.M có địa chỉ tại tổ 1, phường Đề Thám, TP Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng.

Tại Đà Nẵng, Chi cục QLTT triển khai đợt cao điểm từ ngày 15 đến 22-5. Lực lượng QLTT đã kiểm tra 14 vụ, trong đó xử lý 8 vụ vi phạm. Qua kiểm tra buộc tiêu hủy 419 sản phẩm vi phạm. Trong thời gian tới, QLTT Đà Nẵng sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng để ngăn chặn tình trạng vi phạm này.

Tại Đồng Nai, ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch UBND tỉnh, vừa ban hành văn bản, chỉ đạo các đơn vị, địa phương quyết liệt thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Y tế, Bộ Công Thương. Động thái mới nhất là giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp Sở Công Thương, Công an tỉnh, các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật xử lý nghiêm vi phạm của Công ty CP Nhà máy y tế EBC Đồng Nai (đóng tại huyện Trảng Bom). Trước đó, ngày 22-5, Sở Y tế có văn bản gửi UBND tỉnh Đồng Nai và Bộ Y tế đề nghị xử phạt vi phạm hành chính, đồng thời thu hồi, tiêu hủy 2 lô sản phẩm mỹ phẩm Hanayuki Shampoo và Hanayuki Sunscreen Body của EBD Đồng Nai do không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Ngày 6-5, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) ban hành văn bản đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy 2 lô mỹ phẩm này.

Tại TP HCM, đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được Chi cục QLTT triển khai từ ngày 15-5 đến 15-6. Đối với việc đấu tranh, ngăn chặn hàng giả là thực phẩm, bà Nguyễn Thị Lam Phương, Trưởng Phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm và thông tin truyền thông thuộc Sở An toàn thực phẩm TP HCM, nêu rõ sở này cũng sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa, lấy mẫu kiểm nghiệm đối chiếu với hồ sơ đăng ký chất lượng để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định pháp luật.

Không có "vùng cấm"

Liên quan đến quản lý nhà nước, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, nhìn nhận công tác hậu kiểm đang gặp nhiều khó khăn do các đối tượng cầm đầu đường dây hàng giả thường không trực tiếp tham gia sản xuất, mà chỉ đạo từ xa, thuê địa điểm ở khu vực hẻo lánh. Dù bị xử phạt hành chính, nhiều trường hợp vẫn tái phạm do lợi nhuận cao. Cũng theo ông Nam, hoạt động kinh doanh qua mạng xã hội diễn biến phức tạp, với tài khoản ảo và địa điểm cất giấu khó xác định, gây khó khăn cho việc xử lý vi phạm hành chính. Do đó, cần có hình phạt đủ sức răn đe.

Dẫn chứng hàng loạt chi nhánh doanh nghiệp sản xuất sữa giả vừa bị phát hiện ở tỉnh Hòa Bình, đại diện Sở Y tế tỉnh chỉ rõ chiêu thức vi phạm khi doanh nghiệp công bố sản phẩm tại địa phương nhưng không phân phối trên địa bàn, không bán tại siêu thị hay bệnh viện. Từ thực tế này, địa phương đề xuất sửa đổi Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của luật an toàn thực phẩm về an toàn thực phẩm. Trên cơ sở đó đẩy mạnh phân quyền quản lý; tăng trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc chứng minh chất lượng sản phẩm trước khi đưa ra thị trường.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết đã giao cơ quan thẩm quyền xây dựng hai nghị định nhằm phân định rõ trách nhiệm giữa trung ương và địa phương. Bộ Y tế cũng sẽ tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý về an toàn thực phẩm, siết chặt quản lý đăng ký, quảng cáo, lưu hành, đặc biệt với thực phẩm bảo vệ sức khỏe; kiểm tra chặt chẽ việc công bố sản phẩm và truy xuất nguồn gốc. Đặc biệt trên sàn thương mại điện tử, cần tăng chế tài xử phạt với hành vi sản xuất, kinh doanh thuốc giả, mỹ phẩm giả, thực phẩm chức năng giả và thiết bị y tế giả. Quan điểm của Bộ Y tế là không có "vùng cấm" trong xử lý hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả. 

Theo Bộ Y tế, từ năm 2020 đến tháng 5-2025, có hơn 400 cơ sở thực phẩm bị kiểm tra, 198 cơ sở vi phạm với tổng số tiền phạt gần 24 tỉ đồng. Riêng năm 2024, ngành y tế đã tổ chức gần 260 đoàn thanh, kiểm tra và ban hành 46 quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực dược với tổng số tiền trên 2,5 tỉ đồng. Bộ Y tế đã tăng cường phối hợp liên ngành, ký quy chế phối hợp với Bộ Công an để điều tra và xử lý 31 vụ liên quan thực phẩm chức năng giả, chất cấm, giấy tờ giả.

Ngăn, xử phạt thuốc giả, nhìn từ Malaysia

Hơn 6.000 đơn vị thực phẩm bổ sung chưa đăng ký trị giá 16 triệu ringgit (khoảng 98 tỉ đồng) đã bị tịch thu trong 5 năm qua tại Malaysia. Dù thuốc giả vẫn đang được bán rộng rãi trên thị trường nhưng cách làm của cơ quan y tế nước này cũng rất cần để Việt Nam tham khảo.

Nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng, cơ quan chức năng của Malaysia tăng cường giám sát các trang web, nền tảng truyền thông xã hội và thị trường trực tuyến để phát hiện, điều tra hoạt động buôn bán sản phẩm giả. Theo thông báo, bất kỳ liên kết hoặc danh sách sản phẩm nào được xác định sai phạm sẽ phải đối mặt hành động pháp lý. Cơ quan Thực thi Dược phẩm, bộ phận chịu trách nhiệm giám sát, kiểm tra và thực thi các quy định liên quan đến dược phẩm và thực phẩm bổ sung, cũng đang hợp tác chặt chẽ với các nền tảng thương mại điện tử và trang mạng xã hội lớn để bảo đảm các danh sách sản phẩm giả bị xóa nhanh chóng và những kẻ vi phạm sẽ bị xử lý thích đáng.

Bộ Y tế Malaysia cũng triển khai chiến dịch "Tolak Ubat Tidak Sah", một nỗ lực trên toàn quốc nhằm giáo dục công chúng về mối nguy hiểm khi sử dụng thuốc giả và thuốc chưa đăng ký. Người tiêu dùng cũng có thể truy cập trang web của Cơ quan Quản lý dược phẩm quốc gia Malaysia để xác minh tình trạng đăng ký của bất kỳ sản phẩm chăm sóc sức khỏe nào.

X.Mai


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo