Sáng 18-8, tỉnh Đắk Lắk, Hội đồng thi đua khen thưởng Trung ương đã tổ chức Lễ phát động đợt thi đua cao điểm "500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc". Chương trình cũng kết nối với các điểm cầu trên toàn quốc, nơi có các dự án đường cao tốc đi qua.
Khâu đột phá chiến lược
Tham dự lễ phát động có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng thi đua - khen thưởng Trung ương; ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP HCM, cùng lãnh đạo Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ cho biết đây là sự kiện đầy ý nghĩa, diễn ra trong không khí cả nước thi đua lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước và phấn đấu hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII và chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV. Đặc biệt, sự kiện càng có ý nghĩa khi Đắk Lắk là trung tâm kết nối của Tây Nguyên, vùng trọng điểm về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng nhưng lại là "vùng trũng" về phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi.
Điểm lại các phòng trao thi đua, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh các phòng trao này đã góp phần quan trọng bảo vệ chủ quyền, giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước.
Thủ tướng Chính phủ cho biết Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII xác định việc phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại là 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược. Trong đó, phát triển hạ tầng giao thông là trụ cột quan trọng, đặt ra mục tiêu đến năm 2025 đưa vào khai thác 3.000 km đường bộ cao tốc và đến năm 2030 phấn đấu đưa vào khai thác 5.000 km.
Do đó, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp và đã đạt những kết quả quan trọng, nổi bật. Đến nay, cả nước đã hoàn thành trên 1.000 km đường bộ cao tốc, đi qua 15 tỉnh, thành phố, nâng tổng số đường bộ cao tốc lên gần 2.100 km.
"Chỉ bàn làm, không bàn lùi"
Để triển khai thành công đợt thi đua này, Thủ tướng đề nghị các cấp ủy Đảng phải chỉ đạo quyết liệt, sát sao, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, chính quyền phải hành động quyết liệt. Đồng thời, vân động người dân, doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ, phát huy tính chủ động, sáng tạo, trách nhiệm với cộng đồng.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, các ngành, địa phương phải coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Thực hiện với tinh thần, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm. Làm việc nào dứt việc đó, làm dự án nào dứt dự án đó. Khi phân công là phải rõ việc, rõ người, rõ trách nhiệm, thời gian, tiến độ, kết quả. Phải thường xuyên kiểm tra, giám sát và tháo gỡ khó khăn ngay tại công trường.
"Trong mọi khó khăn phải đồng tâm hiệp lực tháo gỡ, chỉ bàn làm, không bàn lùi, không nói không, không nói khó, không nói khó mà không làm, cùng làm, cùng thắng…" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Tại lễ phát động, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải thu xếp nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, nguồn vốn ODA đảm bảo kịp thời đáp ứng tiến độ dự án. Bộ Tài nguyên và Môi trường phải đảm bảo nguồn vật liệu xây dựng. Các cơ quan chức năng phải tăng cường công tác thanh tra, phòng chống tham nhũng, lãng phí, không để xảy ra thông thầu, mua bán thầu.
Bộ Nội vụ phải theo dõi, kiểm tra, đôn đốc để phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức, không phát động xong để đấy. Các tỉnh, thành phố có dự án phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tuyên truyền vận động giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật. Chú trọng đầu tư các khu tái định cư, đảm bảo người dân có nơi ở, canh tác bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ…
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự quyết tâm, đồng lòng vượt qua khó khăn, thách thức của các bộ, ngành trung ương, địa phương, doanh nghiệp, Thủ tướng tin tưởng sẽ đạt được mục tiêu đến năm 2025 đưa vào khai thác 3.000km đường bộ cao tốc.
Khó khăn, vướng mắc
Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư gần 22.000 tỉ đồng, dài 116,577km, được khởi công ngày 18-6-2023.
Theo báo cáo của Ban quản lý dự án 6 (Bộ GTVT), dự án thành phần 2 dài gần 37km, với tổng mức đầu tư hơn 10.000 tỉ đồng. Đến nay, giá trị thực tế thực hiện đạt hơn 769 tỉ đồng, đạt 9,21% giá trị hợp đồng. Hiện dự án thành phần 2 đang gặp một số khó khăn, vướng mắc về vị trí đổ thải, thiếu nguồn vật liệu, công tác giải phóng mặt bằng.
Còn tại dự án thành phần 3, theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, hiện còn 1,6 ha rừng chưa khai thác tận thu. Công tác di dời hạ tầng của huyện Krông Pắk thực hiện rất chậm nên chưa thể thi công được một số vị trí.
Bình luận (0)