Ban Quản trị (BQT) miếu Bà Kim Ngọc Thành (đường Lê Thị Riêng, phường Bến Thành, quận 1, TP HCM) có đơn gửi Báo Người Lao Động về việc phải chờ đợi ròng rã 6 năm vẫn chưa được giải quyết tranh chấp cho thuê mặt bằng.
Khởi kiện ra tòa
Miếu Bà Kim Ngọc Thành được xây dựng năm 1937. Năm 2002, BQT (cũ) ký hợp đồng cho thuê mặt bằng miếu với bà Phạm Thị Lệ Dung để ở và kinh doanh, thời hạn đến ngày 21-12-2009, giá thuê 3 triệu đồng/tháng. Đến tháng 4-2008, hai bên tiếp tục ký thỏa thuận cho thuê đến cuối năm 2016, giá thuê như cũ.
Tháng 3-2016, miếu được UBND quận 1 cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất, mục đích sử dụng đất tín ngưỡng.
Lúc này, BQT mới được thành lập. Cho rằng bà Dung vi phạm thỏa thuận thuê mặt bằng, sử dụng không đúng mục đích, ngày 31-3-2016, BQT (mới) thông báo về việc chấm dứt hợp đồng thuê mặt bằng trước thời hạn. Việc tranh chấp được UBND phường Bến Thành hòa giải ngày 7-4-2017 nhưng không thành. BQT (mới) khởi kiện bà Dung tại TAND quận 1, yêu cầu trả lại mặt bằng.
Bà Dung xác nhận có ký hợp đồng thuê mặt bằng với BQT (cũ) năm 2002. Tháng 4-2008, BQT (cũ) đồng ý cho bà tiếp tục sử dụng mặt bằng thuê trên để kinh doanh thu hồi vốn đến ngày 31-12-2016. Thời gian thuê, bà đã đầu tư tiền để trùng tu mặt bằng kinh doanh hết 125 lượng vàng (khoảng 4,7 tỉ đồng). Do kinh doanh không được thuận lợi, việc thu hồi vốn chưa đủ, phải được kinh doanh thêm 5 năm (đến năm 2023) mới thu đủ tiền đầu tư sửa chữa nên bà Dung không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của BQT (mới).
Xử sơ thẩm vào tháng 8-2018, TAND quận 1 cho rằng hợp đồng thuê mặt bằng tuân thủ các quy định của pháp luật dân sự về thuê tài sản nhưng thực chất đây là việc cho thuê quyền sử dụng đất. Theo điều 181 Luật Đất đai 2003, "cơ sở tôn giáo, cộng đồng dân cư sử dụng đất không được chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, tặng cho quyền sử dụng đất, không được thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất". Việc BQT (mới) yêu cầu bà Dung trả lại mặt bằng là có cơ sở nên tòa chấp nhận yêu cầu khởi kiện của BQT (mới), buộc bà Dung trả lại mặt bằng. Bà Dung kháng cáo.
Hủy án sơ thẩm
Tại phiên tòa phúc thẩm, VKSND TP HCM cho rằng cấp sơ thẩm thu thập chứng cứ chưa đầy đủ, không triệu tập Công ty CP Hue Plus (do bà Dung có ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với công ty về việc cùng sử dụng mặt bằng nói trên - PV) tham gia tố tụng làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bị đơn. HĐXX phúc thẩm tuyên hủy án sơ thẩm để xét xử lại.
Sau đó, bà Dung có đơn phản tố yêu cầu tòa án tuyên hủy GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất do UBND quận 1 cấp vì đã cấp khi đang có tranh chấp; cấp một phần tài sản của bà Dung (gồm các công trình sửa chữa, tôn tạo, xây dựng mới…) cho miếu. Liên quan nội dung trên, UBND quận 1 cho rằng việc cấp GCNQSDĐ cho miếu Bà là đúng theo quy định pháp luật.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hiền Lương, Trưởng BQT miếu Bà, cho biết 6 năm nay, BQT mòn mỏi đợi TAND TP HCM đưa vụ việc ra xét xử.
"Nhiều năm nay, tiếng ồn từ cơ sở kinh doanh của bà Dung gây bức xúc lớn (từ 0 giờ đến 4 sáng) cho người dân, chưa kể đã xảy ra nhiều vụ gây mất an ninh trật tự. Trước đó, BQT (cũ) chưa nhận thức đầy đủ về pháp luật đất đai nên đã cho thuê một phần miếu để lấy tiền lo nhang đèn, duy trì hoạt động miếu. Việc đề nghị bà Dung chấm dứt hợp đồng cho thuê là đúng quy định của Luật Đất đai 2003" - ông Lương nói.
Trong khi đó, bà Dung khẳng định không có việc cơ sở kinh doanh của bà gây ồn ào. Hầu hết tài sản hiện có của miếu là do bà xây dựng. Trước đây, bà cũng tham gia BQT (cũ), nay bà mong muốn được là thành viên chính thức của BQT (mới) bởi những gì đã đóng góp cho miếu Bà. Bà Dung cũng mong vụ việc sớm được TAND TP HCM đưa ra xét xử.
Cần sớm đưa vụ kiện ra xét xử
Luật sư Trần Thị Thanh Thảo, Giám đốc Công ty Luật TNHH Thảo Trần, đánh giá tranh chấp kéo dài, 6 năm không đưa ra xét xử là chưa tuân thủ đúng quy định pháp luật tố tụng dân sự năm 2015.
"Hợp đồng giữa bà Dung với BQT (cũ) kết thúc năm 2016 và BQT (mới) có quyền không ký mới và yêu cầu bà Dung trả mặt bằng là hoàn toàn phù hợp pháp luật dân sự. Việc bà Dung kinh doanh không thuận lợi, muốn gia hạn đến năm 2023 để thu hồi vốn đã đầu tư sửa chữa là không phù hợp, trừ khi trong hợp đồng có quy định cụ thể điều kiện gia hạn hợp đồng thuê mặt bằng. Hơn nữa, BQT (mới) không yêu cầu bà Dung trả tiền thuê từ năm 2015 đến nay cũng là đã chia sẻ khó khăn với bà. Tòa án cần nhanh chóng đưa vụ án ra xét xử để trả lại sự tôn nghiêm cần có của chốn tâm linh" - luật sư Thảo đề nghị.
Bình luận (0)