Ngày 20-11, nhiều người từng nắm giữ vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước đã đứng trước bục xét hỏi của tòa án để trả lời về những hành vi sai trái của bản thân. Họ đối diện với lương tri và công lý trong đại án liên quan Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (Công ty Xuyên Việt Oil).
Vỏ bọc
Khi tiếng máy ảnh liên tiếp xé toạc không gian yên tĩnh của phòng xử án cũng là lúc nhiều bị cáo cúi đầu sâu hơn tránh ống kính của truyền thông, dù ai cũng che kín khuôn mặt sau lớp khẩu trang.
Giữa đám đông bị cáo, ông Lê Đức Thọ, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, dõi ánh mắt lên vòm nhà cao vời vợi của phòng xét xử. Tâm trạng ông chắc hẳn nặng nề bởi phải đối mặt cáo buộc nhận hối lộ hàng chục tỉ đồng khi đương chức.
Trong mắt nhiều người, ông Thọ từng là một cán bộ được tin tưởng và kính trọng. Ở tình cảnh hiện tại, dù đã biết trước nhưng bất cứ ai chứng kiến hình ảnh ông trước tòa vẫn không khỏi hụt hẫng. Dễ dàng nhận ra ông cố gắng giữ vẻ điềm tĩnh nhưng ánh mắt không giấu nổi sự đau đớn.
Tại phần thẩm tra lý lịch, được chủ tọa hỏi về việc có bị khai trừ khỏi Đảng hay không, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre tỏ rõ lúng túng, khai rằng trước khi bị bắt chỉ bị đình chỉ sinh hoạt Đảng... Biểu hiện lúng túng trong câu trả lời gián tiếp nói lên bản thân ông chưa muốn chấp nhận những gì xảy ra.
Ông Thọ bị cáo buộc nhận hối lộ 13,8 tỉ đồng từ giám đốc Công ty Xuyên Việt Oil Mai Thị Hồng Hạnh. Những cuộc gặp gỡ mà ông trần tình để "giúp đỡ" dự án bất động sản, cảng biển hay du lịch tại Bến Tre bị cáo buộc thực chất là lợi dụng chức quyền để trục lợi. Những cam kết hỗ trợ mở chi nhánh, giúp tăng thu ngân sách cho tỉnh... giờ đây phần lớn hiển hiện là vỏ bọc cho hành vi tiêu cực.
Cáo trạng chỉ rõ ông Thọ không chỉ nhận hối lộ mà còn lợi dụng quyền lực để thao túng nhiều dự án kinh tế. "Món quà cảm ơn" mà bà Hạnh đưa đến, dù được bao biện với hình thức quà tặng dịp lễ, Tết, thực chất là "thù lao" cho những ưu ái mà ông đã dành cho doanh nghiệp này.
Bóc trần vẻ "ngây thơ"
Cũng tại phiên xét xử, cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải bộc lộ nỗi ngượng ngùng khi đối diện hàng loạt chứng cứ và chất vấn sắc sảo từ chủ tọa phiên tòa cùng kiểm sát viên.
Ông Hải - người từng nắm vai trò quan trọng trong việc cấp phép cho Công ty Xuyên Việt Oil - nói đã nhận hơn 1 tỉ đồng từ bà Hạnh. Ông giải thích bản thân không yêu cầu quyền lợi gì và quả quyết rằng số tiền là "món quà cảm ơn", song hồ sơ vụ việc phủ nhận lời lẽ đầy bao biện ấy.
Giống như đồng phạm, cựu Cục trưởng Cục Thuế TP HCM Lê Duy Minh phản ứng yếu ớt trước cáo buộc. Ông thừa nhận đã tiếp đón bà Hạnh với lý do "hướng dẫn nộp thuế", song sự thật đằng sau mỗi cuộc gặp gỡ ấy lại là những khoản tiền lớn núp bóng "quà tặng lễ, Tết".
Trái ngược hoàn toàn với thái độ của các cựu quan chức, bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh thẳng thắn nói "món quà" chính là khoản hối lộ. "Bà trùm Xuyên Việt Oil" xác nhận dù được ngụy trang dưới danh nghĩa quà biếu trong các dịp lễ, Tết hay ngày Doanh nhân Việt Nam, song thực tế nó chỉ là phương tiện để đạt được mục đích chính: Hối lộ!
Niềm tin với công lý
Dân gian thường nói "vải thưa che mắt thánh" và dường như điều đó ứng nghiệm rất sát trong vụ án này. Những vỏ bọc "quà tặng lễ, Tết" dù khéo léo che đậy đến đâu cũng phơi bày trong quá trình tố tụng và sự trừng phạt như một lẽ tất yếu.
Quà tặng không phải điều hiếm gặp, nhất là vào dịp lễ, Tết hay sự kiện ý nghĩa. Tuy nhiên, khi chúng xen vào mối quan hệ giữa doanh nghiệp và quan chức, đặc biệt là liên quan dự án hay lợi ích tài chính, thì ranh giới phân định vô tư và trục lợi trở nên mờ nhạt.
Với lý do thực hành văn hóa giao tiếp, việc lợi dụng quà tặng để hối lộ trở thành hình thức vi phạm pháp luật tinh vi. Vụ án gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về tính minh bạch và đạo đức khi mỗi món quà, mỗi cuộc gặp gỡ tiềm ẩn nguy cơ lạm dụng quyền lực, lợi dụng sự ưu ái cũng như nhăm nhe những đặc quyền không chính đáng.
Một trong số vài điểm sáng hiếm hoi trong vụ án là đối lập với hành vi gian trá, lòng dũng cảm của 3 nhân viên Công ty Xuyên Việt Oil rất đáng quý. Họ đã bất chấp nỗi sợ hãi, đối mặt với nguy cơ bị trả thù và những áp lực vô hình từ cả công ty lẫn các quan chức liên quan để tố cáo sai phạm.
Sự thẳng thắn phơi bày hành vi sai trái ấy cho thấy trong bối cảnh không ít nơi coi "im lặng để an toàn", vẫn có những cá nhân bất chấp nguy cơ bản thân, sẵn sàng đứng lên sát cánh cùng công lý.
Lãnh án
Ngày 29-11, TAND TP HCM đã tuyên án với bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh, cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty Xuyên Việt Oil, cùng 14 đồng phạm.
Bị cáo Hạnh bị xác định lợi dụng quyền hạn, chiếm đoạt 1.244 tỉ đồng tiền thuế bảo vệ môi trường từ kinh doanh xăng dầu, gây thất thoát 219 tỉ đồng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, đưa hối lộ để được "ưu ái" trong kinh doanh. Sau khi phạm tội, bị cáo chỉ khắc phục 100 triệu đồng. HĐXX tuyên phạt bị cáo này 30 năm tù về các tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và "Đưa hối lộ".
Bị tuyên mức án cao thứ 2 là bị cáo Lê Đức Thọ, với tổng hợp hình phạt 28 năm tù cho hai tội "Nhận hối lộ" và "Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi". Cũng với tội "Nhận hối lộ", bị cáo Đỗ Thắng Hải lãnh 3 năm tù.
HĐXX xác định các bị cáo nhận hối lộ không có hành vi "sách nhiễu". Việc đưa hối lộ là do Hạnh tự nguyện. Trong đó, ông Thọ nhận số tiền hối lộ lớn nhất. Tuy nhiên, xét bị cáo cũng có động cơ xuất phát từ lợi ích chung của địa phương nên được xem xét khoan hồng tình tiết này.
Với những bị cáo phạm tội "Nhận hối lộ" còn lại, HĐXX tuyên mức án từ 2-7 năm tù. Nhóm bị cáo phạm tội "Đưa hối lộ" bị tuyên phạt từ 1 năm 6 tháng tù cho hưởng án treo đến 4 năm tù giam. Về trách nhiệm dân sự, HĐXX buộc bị cáo Hạnh nộp hơn 1.700 tỉ đồng cho ngân sách nhà nước.
Bình luận (0)