Non sông gấm vóc đẹp vô cùng. Đã qua một đợt rét đậm, trời nắng ráo, hanh khô, gió đem theo cái rét dịu dàng. Núi non trùng điệp phía giáp biên giới nước bạn Lào trải dài về những cung đường Quốc lộ 6.
Những địa danh vừa lạ vừa quen
Nhiều đoạn đường núi cheo leo, đèo dốc ngoằn ngoèo nối nhau xuất hiện sau những thung lũng hun hút, những bình nguyên xanh ngắt trải dài… Và mây, mây ôm ấp núi, mây đuổi bắt nhau trên những triền núi cao, mây lững lờ bên lưng đèo, che mờ cảnh vật nhuốm thêm màu hư ảo.
Bắt đầu những địa danh vừa lạ vừa quen. Lạ với người miền xuôi, ít có dịp đi xa, xê dịch. Quen với người bản địa, Mường, Thái, H'mông, Lào sống dọc biên giới các tỉnh Tây Bắc. Những "chiềng", "mường", "luông", "huổi"…, những địa danh văn hóa, lịch sử của một thời đọng lại trong tâm thức bao người. Từ thị trấn Mường Khén, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, về đến Điện Biên gặp những Mường Áng, Mường Phăng, Mường Thanh rồi thị xã Mường Lay giáp ranh tỉnh Lai Châu. Quanh TP Sơn La là Chiềng Lề, Chiềng An, Chiềng Xôm, Chiềng Cọ…, nhất là con dốc Chiềng Đi, những nếp nhà dưới thung lũng đẹp như tranh.
Đi qua đó, lòng người cũng nao nao, tìm hiểu từ nguyên đã thú vị, nghe thêm nhiều câu chuyện, giai thoại của những vùng đất, con người càng thú vị hơn. Và những con rồng của miền Tây Bắc, nơi chúng tôi đi qua, là những ngọn núi uốn lượn trải dài, với khí thế dũng mãnh. Rồng trong mây, mây bay qua những thân rồng uốn lượn. Nắng mưa trên những non cao này là biến thiên thời tiết từng ngày từng giờ…
Nếu như ở miền Nam, người xưa gọi hàm long (hàm rồng) chệch đi thành Hàm Luông để tránh phạm húy thì với người Campuchia, Loeang cũng có nghĩa là rồng (long) - bến phà Neak Loeang ở tỉnh Prey Veng chẳng hạn, nghĩa là "hàm rồng". Cũng như ở Hà Giang của nước ta, Lũng Cú có nghĩa là "long cư" - nơi rồng sinh sống. Chữ Luông trong chừng mực nào đó, theo cư dân địa phương, nghĩa là to lớn, là sự mạnh mẽ như rồng. Rồng trong tâm thức người Việt và một số quốc gia lân cận là biểu tượng của quyền uy, sức mạnh, sự thịnh vượng.
Dọc Quốc lộ 6, những Lóng Luông, Phà Luông, Phu Luông, Phiêng Luông… luôn thu hút bàn chân lữ khách, người say mê cái đẹp tìm về… Theo học giả An Chi, "luông" có nghĩa gốc là to, lớn và là một từ Tày - Thái mà ta còn có thể thấy ở từ "luông" trong tiếng Tày, Thái, Nùng tại Tây Bắc. Còn xét về nguồn gốc sâu xa, đây lại là một từ Tày - Thái gốc Hán, bắt nguồn từ chữ 隆 - âm Hán Việt hiện đại là "long", nghĩa là to lớn, hưng thịnh, tốt đẹp...
Tiếp cận cuộc sống văn minh, hiện đại
Từ đài tưởng niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến ở thị trấn Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, nhìn về phía Tây, giáp biên giới nước bạn Lào là đỉnh Phà Luông với câu thơ trong bài "Tây Tiến" bất hủ "Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống/ Nhà ai Phà Luông mưa xa khơi".
Đỉnh Phà Luông, còn gọi là Bờ Lung, nằm trên địa phận xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu, gần biên giới Việt - Lào, cách trung tâm thị trấn Mộc Châu khoảng 40 km. Dãy núi chạy dài như con rồng uốn lượn, nổi bật chân trời phía Tây. Hẳn nơi xa xăm đó, không chỉ 76 năm qua mà hôm nay, một xóm nhà khuất nẻo trên non xanh cũng thấp thoáng màn mưa, gợi cho khách phương xa những niềm hoài cảm.
Những dãy núi như rồng bao bọc bản làng và ước mơ giàu mạnh cũng là khát khao cháy bỏng bao đời. Từ TP Điện Biên Phủ, chúng tôi đến xã biên giới Mường Lói của huyện Điện Biên - vùng đất heo hút giáp nước bạn Lào. Đường đi về xấp xỉ 160 km, qua những bản làng, điểm trường học sinh nội trú xây cất khang trang, lòng rộn niềm vui thì đến với người dân vùng biên giới, chủ yếu đồng bào dân tộc Lào, Khơ Mú, H'mông, lòng chùng xuống vì thấy địa phương còn nghèo. Nhiều em bé còn mặc không đủ ấm nhưng rất ngoan, biết nghe lời cô giáo cắm bản người Kinh khoanh tay nói lời cảm ơn khi nhận món quà từ các cô chú nhà báo ở phương Nam…
Phải cần nhiều thời gian và công sức để đời sống người dân những vùng biên giới xa xôi, hẻo lánh bớt khó khăn. Song, ở nhiều vùng cao Tây Bắc hay vùng núi, vùng sâu vùng xa của nước Việt hôm nay, đời sống người dân đã cải thiện nhiều… Còn những vùng gần thị tứ, thị trấn, người dân tiếp cận cuộc sống văn minh dễ dàng hơn. Điện thoại di động không còn là đồ xa xỉ.
Hai bên đường, không chỉ những thị trấn, thị tứ cảnh vật mới sầm uất mà không ít bản làng cũng có diện mạo văn minh, tươi đẹp. Bản Máy ở xã Chiềng Pấc, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La hay bản Xẻ, xã Phu Luông, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên hiện rõ vẻ phong quang, trù phú với nhà cửa tươm tất, nhà dân ven đường đều có tivi, xe máy…
Thay da đổi thịt từng ngày
Trên những ngả đường Tây Bắc hôm nay, từ Quốc lộ 6, Quốc lộ 12, Quốc lộ 4…, các cung đèo như rồng uốn lượn, nhất là Pha Đin và Ô Quy Hồ trong "tứ đại đỉnh đèo" Tây Bắc (hai đèo còn lại là Mã Pì Lèng - Hà Giang và Khau Phạ - Yên Bái).
Đèo Pha Đin gợi nhớ hai câu thơ của Tố Hữu trong "Hoan hô chiến sĩ Điện Biên": "Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ/ Đèo Lũng Lô anh hò chị hát", đổ xuống Tuần Giáo rồi trải dài về những địa danh hào hùng của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 1954. Đèo Ô Quy Hồ dài nhất, từ đỉnh nhìn về thấp thoáng ngọn Phan Xi Păng cao nhất Việt Nam trên dãy Hoàng Liên Sơn. Nơi đây, tiếp nối cầu kính Bạch Long ở Mộc Châu là cầu kính Rồng Mây, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Đến những nơi này, đứng trên cầu kính lộng gió hay lúc đi cáp treo lên đỉnh Phan Xi Păng, mới thấy thiên nhiên vĩ đại và sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật đem đến nhiều điều kỳ diệu.
Trời xanh, núi cao, mây bao phủ quanh năm, những con rồng Tây Bắc nhấp nhô trùng điệp qua nhiều bản làng, phố thị thay da đổi thịt từng ngày. Đêm ở thị xã Sa Pa, Chảo Tả Mỹ - người H'mông - nói chị mới hơn 40 tuổi nhưng đã có 2 con 18 và 20 tuổi. Nhà ở Tam Đường, chị tranh thủ lúc rảnh rỗi thêu những chiếc túi, khăn tay thổ cẩm, chạy xe máy vượt đèo về bán ở chợ đêm Sa Pa. Hôm nào bán muộn thì cùng bạn hàng ngủ lại ở khu vực chợ mới, bán xong sớm thì chạy xe 40 cây số về nhà. Vất vả nhưng chị vẫn vui, nói mình bằng lòng với cuộc sống ngày càng dễ chịu.
Về Tây Bắc hôm nay, niềm vui nhân lên khi đời sống cư dân ngày càng nâng cao, kinh tế - xã hội các tỉnh phát triển, diện mạo đô thị, nông thôn nhiều thay đổi. Tiềm năng du lịch được khai phá, những khu công nghiệp mọc lên, thu hút lao động địa phương vào nhà máy; những khu kinh tế cửa khẩu sầm uất, mở mang giao thương với nước bạn. Sân bay Điện Biên Phủ mở rộng, nâng cấp, chuẩn bị đón ngày trọng đại kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu". Những đổi thay tính được từng ngày, thành hiện thực trên các ngả đường đất nước.
Bình luận (0)