Số liệu của hãng nghiên cứu thị trường Statista cho thấy thị trường thể thao điện tử (eSports) tại Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng nhanh chóng về cả doanh thu lẫn số lượng tuyển thủ. Năm 2024, quy mô thị trường này ước đạt 6,5 triệu USD, tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2024-2028 là 10,31%/năm. Đến năm 2028, eSports Việt được kỳ vọng sẽ cán mốc 9,6 triệu USD với 10,7 triệu người dùng.
Nhiều dư địa phát triển
Tại diễn đàn FPT Techday 2024 do Tập đoàn FPT tổ chức vừa qua, ông Đỗ Việt Hùng, Chủ tịch Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam (VIRESA), nhấn mạnh tuy sinh sau đẻ muộn nhưng eSports Việt Nam đã bắt nhịp nhanh và đồng bộ với dòng chảy thế giới, đứng trước ngưỡng cửa và cơ hội bứt phá. "Ba kỳ SEA Games có đội tuyển Việt Nam góp mặt là minh chứng rõ rệt nhất cho điều này. Cùng với đó, sự ủng hộ của các tổ chức, doanh nghiệp và đơn vị liên quan đã góp phần mở ra kỷ nguyên mới cho lĩnh vực eSports" - ông Hùng nói.
Tại Việt Nam, thị trường game đang có sự góp mặt của các doanh nghiệp nổi tiếng trong ngành như VNG, VTC Game, Funtap hay "ông lớn" Garena. Chỉ riêng VNG, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2024, doanh thu mảng trò chơi trực tuyến vẫn đóng vai trò chủ lực, mang về gần 4.900 tỉ đồng, tăng thêm gần 1.150 tỉ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Nguyễn Trần Sơn, Trưởng Phòng Phát triển Thể thao điện tử VNG Games, cũng đặt kỳ vọng cao đối với lĩnh vực eSports nước nhà. Theo ông Sơn, eSports tại Việt Nam có đà phát triển tốt, bao gồm cả tổ chức và thi đấu.
Dẫn chứng tại kỳ SEA Games 31, eSports Việt Nam đã mang về 4 huy chương vàng, 3 huy chương bạc và SEA Games 32 gặt hái 1 huy chương vàng, 2 huy chương bạc, 4 huy chương đồng, ông Sơn khẳng định: "Với thể thao trí tuệ, chúng ta chưa bao giờ thua kém!".
LK Nguyễn - Giám đốc điều hành của GAM eSports, cũng là người có tiếng trong bộ môn Liên Minh Huyền Thoại - cho rằng eSports không chỉ đơn thuần là hình thức giải trí mà còn là cuộc đấu trí tuệ và còn nhiều dư địa để phát triển. Có 4 yếu tố quan trọng để phát triển thị trường, bao gồm sản phẩm, idol (người nổi tiếng), tạo hình ảnh tốt và cơ sở hạ tầng. Trong đó, sản phẩm của Việt Nam đã bắt đầu ghi được dấu ấn trong khu vực bằng những giải đấu chất lượng. Việt Nam cũng đã có idol (người nổi tiếng) - điển hình như Levi và cơ sở hạ tầng đang được quan tâm đầu tư.
Cần "chân đế" đủ rộng
Dù đánh giá eSports sẽ là mũi nhọn của nền kinh tế số song ông Ngô Mạnh Cường, Tổng Giám đốc FPT Online, vẫn chỉ ra nhiều thách thức mà lĩnh vực này phải đối mặt. Trong đó, thách thức đầu tiên là thiếu nguồn lực và sự đồng bộ trong triển khai.
Hiện nay, việc đào tạo tuyển thủ eSports chuyên nghiệp và bài bản tại Việt Nam chưa thể bằng Trung Quốc, Hàn Quốc - những quốc gia có nền eSports phát triển từ lâu. Để giải bài toán này, cần sự chung tay của nhiều đơn vị, kể cả phía nhà phát hành và nhà quản trị.
"Chúng ta cần xây dựng mục tiêu và xác định eSports là thể thao thực thụ, tuyển thủ eSports là một nghề chuyên nghiệp. Chỉ cần chứng minh được 2 điều này sẽ giúp thu hút hiệu quả các nguồn lực, bao gồm nguồn lực từ tổ chức Chính phủ, doanh nghiệp và cả cộng đồng người chơi game trên cả nước" - ông Cường nhấn mạnh.
Ở góc độ nhà phát hành game, ông Nguyễn Trần Sơn cho rằng để phát triển hơn nữa ngành eSports, các đầu game Việt cần vươn ra toàn cầu. "eSports có khả năng lan tỏa rất mạnh nhưng để đưa một tựa game của Việt Nam ra toàn cầu thì cần đầu tư nền tảng hạ tầng. Đây là câu chuyện vĩ mô, cần có sự đánh giá về khả năng thương mại hóa để đưa ra quyết sách hợp lý" - ông Sơn góp ý.
Đồng tình, ông Đỗ Việt Hùng nhìn nhận để eSports Việt Nam vươn tầm quốc tế, cần có "chân đế" đủ rộng, đó là đầu tư hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực và phải thi đấu ở cấp độ cao nhiều hơn. Theo ông, để các tuyển thủ trong nước có nhiều cơ hội cọ xát hơn, đòi hỏi có hạ tầng, điểm thi đấu đạt chuẩn quốc tế - tương tự Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản - nhằm thu hút vận động viên quốc tế tham gia thi đấu.
Sẽ có thêm nhiều giải đấu tầm quốc tế
Ông Đỗ Việt Hùng cho hay theo nhiều đánh giá của cộng đồng quốc tế, nước ta cơ bản đáp ứng được nhu cầu về hạ tầng eSports nhưng các đơn vị phải hành động nhanh, mạnh, dứt khoát hơn nữa để tạo lực đẩy cho lĩnh vực này. Gần đây, phát triển eSports còn có thể gắn với văn hóa, âm nhạc, cho thấy đây không phải là ngành công nghiệp riêng lẻ, đứng một mình mà hoàn toàn có thể hiệp lực với ngành khác để mở rộng nguồn lực phát triển.
"Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục công bố hợp tác quốc tế với nhiều quốc gia, tổ chức nhằm đẩy mạnh nguồn lực. Trước mắt, VIRESA sẽ mang một giải đấu đẳng cấp quốc tế đến Việt Nam trong tương lai gần" - ông Đỗ Việt Hùng tiết lộ.
Bình luận (0)