Cộng đồng doanh nghiệp (DN) tại Đức đang thiếu hàng trăm ngàn công nhân lành nghề mỗi năm, nhất là các lĩnh vực như: công nghệ thông tin (IT) và công nghệ, chăm sóc y tế, xây dựng, logistics...
Luật Nhập cư sửa đổi của CHLB Đức với nhiều quy định mới có hiệu lực theo lộ trình 3 giai đoạn, bắt đầu từ ngày 18-11-2023, một số sửa đổi tiếp theo sẽ có hiệu lực từ ngày 1-3-2024 và cuối cùng là ngày 1-6-2024. Theo những quy định mới vừa có hiệu lực, chính sách nhập cư mới sẽ dựa trên hệ thống tính điểm với 5 tiêu chí: Năng lực chuyên môn, trình độ tiếng Đức, kinh nghiệm nghề nghiệp, các mối liên hệ với nước Đức và độ tuổi.
Cơ chế tính điểm sẽ ưu tiên cho những người có theo thứ tự như 4 điểm được tính cho những người có bằng cấp chuyên môn về một nghề nào đó, 3 điểm cho những người biết nói tiếng Đức hoặc tiếng Anh, 2 điểm sẽ được cộng thêm cho những người dưới 35 tuổi. Nếu tổng số điểm của ứng viên đạt trên 6 sẽ được cấp giấy phép cư trú tạm thời (thẻ xanh EU) mà không cần phải đáp ứng tất cả 5 tiêu chí. Lợi thế lớn nhất là những lao động có trình độ học vấn hoặc chứng chỉ nghề có thể vào Đức bằng "thẻ xanh EU" mà không cần yêu cầu về trình độ tiếng Đức.
Đặc biệt, đối với lĩnh vực IT, công nhân lành nghề không có bằng đại học vẫn có thể nhận được "thẻ xanh EU" nếu chứng minh được có ít nhất 3 năm kinh nghiệm chuyên môn liên quan. Điều dưỡng viên được đào tạo dưới 3 năm cũng được phép tiếp cận thị trường lao động Đức. Trước đây, người lao động (NLĐ) chỉ có thể xin thẻ tạm định cư Đức để làm việc nếu có chứng chỉ nghề liên quan. Nhưng theo luật mới, bất kỳ ai có chứng chỉ nghề đều có thể tìm kiếm việc làm tại Đức, ngay cả khi NLĐ chọn học một nghề khác và không liên quan đến chứng chỉ ban đầu.
Trong các chuyến thăm và làm việc gần đây, lãnh đạo hai nước Việt Nam và CHLB Đức nhất trí đẩy mạnh hợp tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường xây dựng các cơ chế, khuôn khổ hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nghề. Chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống CHLB Đức Frank-Walter Steinmeier đến Việt Nam vào trung tuần tháng 1 vừa qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Lao động và Xã hội liên bang Đức đã ký Bản ghi nhớ (MOU) duy nhất trong lĩnh vực lao động, việc làm.
"Việc ký bản ghi nhớ duy nhất cho thấy lãnh đạo của hai quốc gia dành sự quan tâm đặc biệt đối với lĩnh vực lao động, việc làm. Đây là một sự kiện quan trọng trong hợp tác của hai quốc gia" - Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết.
Từ trước đến nay, NLĐ Việt Nam sang Đức học tập và làm việc theo hình thức du học nghề. Mới đây, Đức đã triển khai dự án thí điểm Hand in Hand for International Talents, hỗ trợ miễn phí cho lao động Việt Nam có chuyên môn trong lĩnh vực IT, điện - điện tử, nhà hàng khách sạn và đầu bếp trên hành trình đến với công việc mới tại Đức.
Cục Quản lý lao động ngoài nước thì thực hiện dự án "Ba bên cùng có lợi - tuyển chọn học viên Việt Nam trở thành điều dưỡng viên tương lai tại CHLB Đức". Với việc ký MOU, hợp tác lao động trong thời gian tới giữa Việt Nam và Đức được kỳ vọng bùng nổ.
Bình luận (0)